Những dư âm về Đêm lung linh hồ Gươm với lễ hội ánh sáng vô cùng huyền ảo chưa lắng, người Việt và du khách quốc tế đang có mặt tại Thủ đô Hà Nội có cơ hội đắm mình trong các ca khúc đầy cảm xúc viết về trái tim của cả nước, chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử nghìn năm...
Áo dài tha thướt trên cầu Thê Húc - Nguồn: TTO |
Tối qua (2/10), tại sân khấu đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm), những ca khúc vượt thời gian làm xốn xang biết bao trái tim yêu Hà Nội cùng những sáng tác mới chào mừng Thủ đô nghìn tuổi đã được các nghệ sĩ, ca sĩ gởi đến công chúng. Trong khi đó, tại Quảng trường Mỹ Đình, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Đại sự quán Tây Ban Nha khai mạc Lễ hội Rồng. Còn tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức), Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc, với sự tham gia của các đơn vị du lịch, các hiệp hội du lịch trong cả nước và hơn 40 tổ chức du lịch quốc tế.
Sáng cùng ngày, Triển lãm Hoàng Thành Thăng Long - Lịch sử ngàn năm từ lòng đất đã khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long, với gần 1.000 hiện vật tiêu biểu thuộc các triều đại: tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, có niên đại tới 1.300 năm. Tham quan khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại hai khu vực A và B (hiện nay đã có 4 khu A, B, C, D được khai quật), người xem có thể nhận thấy nhiều lớp kiến trúc tiêu biểu thuộc nhiều triều đại, từ thời Bắc thuộc tới thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trong hai khu vực khảo cổ này, có nhiều phế tích kiến trúc như: các cửa và hệ thống cống thoát nước (thời Lý - Trần), dấu vết nền cung điện, các đoạn thành, các giếng cổ (thời Đại La, thời Lê), các con đường cổ, các chân cột trụ...
Trong ngày 2/10 cũng đã diễn ra lễ ra mắt tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến tại Thư viện Quốc gia, công bố kết quả nghiên cứu Chương trình khoa học cấp nhà nước mã số KX.09 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Trước đó, tối 1/10, lễ hội ánh sáng đã mở màn cho Đêm lung linh hồ Gươm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ánh sáng laser kết hợp cùng pháo hoa đã tạo cho khung cảnh hồ Gươm huyền ảo chưa từng có. Hàng vạn người từ khắp cả nước đổ về khu vực hồ Gươm khiến mọi con đường trong khu vực này tắc nghẽn dù chỉ có người đi bộ.
Nghi lễ trả gươm của Vua Lê Lợi với kiệu, long, cờ quạt và phường bát âm hay hình ảnh cụ rùa cùng thanh gươm thần bay lên trời được hỗ trợ bởi kỹ thuật tung hứng, nhào lộn của các diễn viên xiếc, màn múa rồng phun lửa… Màn trình diễn của công nghệ hiện đại, bằng âm thanh và ánh sáng laser từ khắp các góc ven hồ rọi lại rồi từ Tháp Rùa tỏa ra, uốn lượn trên mặt hồ. Phía bên trên, từng chùm pháo bông khoe sắc, để lại lớp lớp khói hư ảo, tựa như mây trôi bồng bềnh trong đêm đất trời và lòng người cùng mở hội.
Lối vào đền Ngọc Sơn cũng bừng sáng, trở thành một sân khấu trình diễn không gì lý tưởng hơn cho 1.000 chiếc áo dài. Những cô gái thanh tân, dáng vẻ yêu kiều, lịch lãm nhẹ lướt dưới chân Tháp Bút làm say lòng biết bao người.
Bằng sự giao hòa giữa chất liệu, dáng vẻ, kiểu cách..., tà áo dài Việt
Chương trình lễ hội Áo dài ba miền diễn ra trong 45 phút, với sự góp mặt của 200 người đẹp thời trang và hoa hậu. Sân khấu thời trang dài 350m, bắt đầu từ đền Ngọc Sơn, qua cầu Thê Húc và tỏa ra các hướng trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa truyền thống: thầy đồ viết chữ, nặn tò he, xe kéo, gánh hàng hoa… Phần tiếp theo của chương trình kéo dài 120 phút tại năm sân khấu tượng trưng cho năm cửa ô đón mừng du khách về tham gia lễ hội.
Mỗi người mỗi cách, hoặc nín lặng hoặc thốt ra những ca từ thán phục vẻ đẹp đêm hồ Gươm lung linh huyền ảo. Và cũng quá đỗi tự nhiên, từ mỗi trái tim, mỗi khối óc, đều chung một niềm tự hào: Vâng, Hà Nội của tôi, Hà Nội của chúng ta đã tròn nghìn tuổi!
Y.LAN (tổng hợp)