Chủ Nhật, 06/10/2024 03:10 SA
Ký ức về những người thầy
Chủ Nhật, 20/11/2005 10:22 SA

Là một trong những học sinh Khoa Tuồng, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam khóa I (1959-1963) tôi rất hạnh phúc và tự hào được làm học trò của các thầy: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi và Phạm Chương… Đây là những nghệ sĩ xuất sắc nhất của ngành tuồng Việt Nam trong thế kỷ 20 cả về tài năng, trách nhiệm công dân và tình thương yêu của người thầy dành cho các thế hệ học trò của mình.

 

Hát tuồng - Ảnh: Tư liêu

Bốn năm ở trường, chúng tôi được dạy cơ huấn, cơ bản và nhiều vai mẫu rất bài bản, kỹ lưỡng. May mắn cho thế hệ chúng tôi là thời kỳ này sức khỏe của các thầy cô còn cường tráng và sung mãn, nên đã chỉnh sửa cho chúng tôi từng động tác từ giản đơn đến phức tạp, từng láy luyến, nhịp phách… Tôi được NSND Nguyễn Lai dạy cho các vai: Bát Vương (Mạnh Lương bắt ngựa), Khắc Thường (Sơn Hậu), Quản Hợi (Ngọn lửa Hồng Sơn); NSƯT Văn Phước Khôi dạy cho các vai: Lê Tử Trình (Sơn Hậu), Địch Thanh (Địch Thanh Chinh Đông); Thầy Nghêu (Nghêu sò ốc hến); NSND Phạm Chương dạy cho Lý Khắc Minh (Ngọn lửa Hồng Sơn), Thủy Đinh Minh (An Trào), Khương Linh Tá (Sơn Hậu). Đặc biệt, NSND Nguyễn Nho Túy, còn có tên thường gọi là thầy Đội Tảo đã dành cho tôi một tình cảm ưu ái. Với tôi, ông là thầy, đồng thời là ông ngoại. Mùa hè năm 1962, ông về Diễn Châu theo lời mời của cha và ông ngoại tôi. Một lý do nữa để ông có chuyến đi này là tại quê tôi có võ sư Châu Giang là học trò của ông Cồng, em ruột thầy Đội Tảo. Võ sư gọi ông là sư bá. Ông ngoại tôi là người rất mê tuồng. Hai người, một khán giả, một nghệ sĩ đã quen biết và quý mến nhau từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Sau lần gặp gỡ này, thầy Đội Tảo bảo tôi: “Từ nay con cứ gọi “qua” là ông ngoại”.

 

Tôi được ông ngoại Tảo cho một số “bột” kha khá để “gột nên hồ” cho nhiều vai diễn mới sau này. Ông dạy cho tôi những vai mẫu như Đổng Kim Lân (Sơn Hậu), Tạ Ngọc Lân (Ngọn lửa Hồng Sơn), Đào Lệnh Công (Đào Phi Phụng), Thiện Công (Lý Phụng Đình), ông Bảng (Gia đình chị Ngộ), Mạnh Lương (Mạnh Lương bắt ngựa).

 

Ông sống giản dị, tận tụy với công việc, chung thủy nghĩa tình với đồng nghiệp và học trò… Ông cũng là người rất khách quan công bằng trong việc đánh giá người khác. Ông thường nhắc nhở tôi: “Hãy ráng mà học lấy cái sâu sắc tinh tế trong diễn xuất của thầy Nguyễn Lai, những láy luyến nhuần nhuyễn và độc đáo trong hát Nam của cô Liễu, thầy Khôi trong hát khách, hát tẩu cùng các động tác múa dành cho những nhân vật kép xéo, kép xanh, kép vằn… ở thầy Phạm Chương. Đặc biệt, đừng bao giờ phân biệt Nam-Bắc. Ta có cái hay của mình, nhưng tuồng Bắc đâu kém phần độc đáo. Hãy học lấy những cái hay, cái quý, cái tinh túy của tuồng Bắc, mà trước hết là ở bà Bạch Trà và ông Quang Tốn…”. Ông dạy tôi mà nghe ngọt ngào như những lời tâm tình: “Nói đến Đào Chiến - cụ thể là Đào Tam Xuân Loạn Trào hay Mộc Quế Anh Dâng Cây… thì tuồng Nam mình chưa đạt, cần phải học hỏi họ con ạ!”. Không! Đây không chỉ là lời dạy của NSND Nguyễn Nho Túy, ông ngoại Tảo của tôi, mà đó còn là tâm nguyện chung của cô Liễu, thầy Nguyễn Lai, thầy Văn Phước Khôi và thầy Phạm Chương… Tâm nguyện của các cụ là dạy cho các học trò của mình: Học tập, khiêm tốn, kế thừa và phải biết chọn lọc. Đấy vừa là tư duy hiện đại, lại vừa là bài học về đạo đức trong lối sống của người nghệ sĩ.

 

Càng lớn tuổi tôi càng thương yêu và quý trọng thầy cô hơn! Tôi chợt nhận ước vọng từ trong sâu thẳm của các thầy cô. Chao ơi! Cái thời tem phiếu gạo không đủ no, cái yếu tố dinh dưỡng chẳng thể nào bù đắp được cho những hao phí lao động khi mà phải dạy hát, múa và diễn tuồng 8 giờ mỗi ngày, vậy mà các thầy, cô gần như còn “năn nỉ” các học trò của mình: “cần hỏi điều gì về chuyên môn thì cứ tới phòng riêng bất kỳ giờ nào”. Các cụ mong có người kế nghiệp; các cụ lo sợ món “đặc sản” quý hiếm của dân tộc bị thất truyền thì có tội với lịch sử, tổ tiên!

 

Phẩm chất đáng quý ở các thầy cô tận tụy, nghiêm khắc với học trò trong việc học tập tiếp thu vốn truyền thống, nhưng cũng rất ủng hộ và trân trọng mọi sự sáng tạo dù đó là một động tác, một vai diễn, vở diễn còn mang tính thử nghiệm. Một thời, miền Bắc có chiến tranh phá hoại, thầy trò, ông cháu phải đi sơ tán ở Lạc Đạo (Hưng Yên) chỉ có mì luộc, mì hấy thay cơm. Nhưng hàng loạt vở diễn đề tài hiện đại thi nhau ra đời: Quay súng trở về, Những người con bất khuất, Tình cá nước, Hộp truyền đơn, Sư già và em bé v.v… đều có sự tham gia đóng góp và chỉ bảo của các thầy cô. Có thể nói rằng chính các thầy cô là những người thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu nhất: “Tuồng tốt đấy! Đó là vốn quý của dân tộc, nhưng vần phải cải tiến, không nên dẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”. Vâng! Chính các vụ đã khai sáng cho nghệ thuật tuồng thể hiện đề tài hiện đại từ những năm 1953 với vở diễn Gia đình chị Ngộ mà đến nay sau 50 năm vẫn còn lấp lánh hào quang trong lịch sử sáng tạo và đổi mới của ngành tuồng Việt Nam.

 

60 tuổi, bốn mươi ba năm đi theo cách mạng vào Nam ra Bắc; rồi gần một thập kỷ phải đương đầu với mưa bom, bão đạn, lạt muối thiếu cơm, cái sống và cái chết như trở bàn tay. Và hôm nay đã về hưu, trong bản khai lý lịch bản thân ở cột “nghề nghiệp” tôi vẫn giữ nguyên vẹn ba chữ: Diễn viên tuồng.

 

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tôi ôn lại những ký ức của đời mình và coi đây là nén hương lòng dâng lên vong linh các thầy cô. Quý thầy cô đã về với cõi của Đào Duy Từ, Nguyễn Hiển Dĩnh, Đào Tấn nhưng các thế hệ học trò của các thầy cô mãi nhớ ơn và tôn vinh tài năng lẫn đức độ của tiền nhân. Chính các thầy cô đã có công rất lớn trong việc đào tạo ra hầu hết các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú của sân khấu tuồng Việt Nam hôm nay.

 

PHẠM NGỌC SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek