Chủ Nhật, 06/10/2024 03:04 SA
Cuộc gặp gỡ tình cờ với cổ nhạc
Thứ Hai, 14/11/2005 14:49 CH

Thường thường, người ta gắn bó với cây đàn vì đam mê, nhưng anh Sáu Nông thì khác. Anh đến với cây đàn một cách bất đắc dĩ, và chơi đàn vì chén cơm manh áo. Ấy vậy mà từ đôi bàn tay anh, tiếng đàn vẫn bổng trầm réo rắt và được bầu bạn đờn ca tài tử đánh giá cao.

 

1. Mười lăm tuổi, cậu bé Đòan Thái Nông ở thôn Phú Ân (Hòa An) đến nhà ông Dương Xá, người chơi đàn cò có tiếng ở Vĩnh Phú để học đàn. Đấy là ý muốn của cha, một nông dân có tâm hồn nghệ sĩ và mê đắm tiếng đàn cò, chứ Nông chả hứng thú gì  chuyện đàn địch. Đàn cò còn có tên khác là đàn nhị, học để biết thì dễ, nhưng chơi cho hay thì  khó. Nông có năng khiếu nên học cũng nhanh. Được nửa năm, ôâng thầy kêu Nông đi chơi nhạc ai (chơi nhạc cho đám tang). Đi dăm ba lần, Nông mắc cỡ, nghỉ học.

 

Sáu Nông và cây đàn Hawaii tự chế - Ảnh: Phương Trà

 

Sau năm 1975, phong trào văn nghệ ở các địa phương, trong đó có Hòa An, phát triển mạnh. Nghe nói Sáu Nông biết chơi đàn, người ta mời tham. Sẵn lòng nhiệt tình, anh mày mò viết cho đội văn nghệ vở cải lương Lá rụng về cội. Ở Phú Yên, cải lương gắn với cây đàn guitare phím lõm. Nhưng mà anh Sáu Lý, một người trong đội chơi được loại nhạc cụ này đi nghĩa vụ quân sự. Tình thế bắt buộc, Sáu Nông  hạ quyết tâm học đàn guitare phím lõm để đệm cho vở cải lương của mình. Nhờ vậy mà anh biết thêm một nhạc cụ khác.

 

2. Thời trai trẻ, với cây đàn cò, Sáu Nông dong ruổi cùng Đoàn tuồng Thanh Vân. Nhưng có lẽ tiếng gọi của gia đình và đồng ruộng mạnh hơn sự lôi kéo của ánh đèn sân khấu nên sau một thời gian, Sáu Nông trở về. Năm 1979, Đoàn tuồng Thống Nhất về diễn tại Phú Ân. Đào chánh Hai Sanh tình cờ nghe tiếng đàn của Sáu Nông, khen “anh đờn được quá” và rủ gia nhập đoàn. Ham vui, anh hào hứng tham gia. Song  Sáu Nông  cũng không gắn bó dài lâu với Đoàn tuồng Thống Nhất. Anh cứ đi đi về về, rồi vì  điều kiện gia đình nên ở nhà hẳn.

 

“Năm 1988, tui tham gia nhóm ca cổ của Mai Hoàng” – Sáu Nông kể – “Bầu bạn suốt 4 năm, sau đó vì kinh tế gia đình, tui lên Sơn Hòa làm ăn. Công việc thất bại, tui quay về, theo đoàn tuồng của bầu Nhờ ở Bình Định”. Nhưng mối nhân duyên giữa “nghệ sĩ  đồng quê” với sân khấu tuồng rồi cũng kết thúc.

 

3. Chén cơm manh áo đưa đẩy Sáu Nông đến với cây đàn xuất xứ từ đảo Hawaii mà người ta gọi trại là đàn hạ. Cây đàn này có âm thanh réo rắt, phù hợp với nhạc ai. Không như hơn bốn chục năm trước, Sáu Nông không còn mặc cảm trước công việc này. Sau khi tự học đàn thành thục, anh vào đội nhạc ai thôn Vĩnh Phú. Dần dà bạn cùng nghề ở Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), phường 4 (TP Tuy Hòa) quen mặt biết tên nên mỗi khi có người gọi là rủ anh đi. Công việc này rất đặc biệt, có khi kéo dài đến 4 ngày đêm. Sau một ngày đêm gởi nỗi buồn tử biệt vào tiếng đàn nẫu ruột, nhạc công nhận thù lao chừng 80.000 đồng. Đấy là con số bình quân, có khi nhiều hơn, có khi ít hơn, tùy  vào điều kiện kinh tế của gia chủ.

 

4. Biễu diễn cũng nhiều, nhưng Sáu Nông vẫn ấn tượng vớiø lần chơi đàn guitare phím lõm trong vở ca kịch Lê Thành Phương và lần hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng các nhạc công Phú Hòa tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ V. Bầu bạn đờn ca tài tử của anh khá nhiều, mỗi người mỗi việc song hết thảy đều đam mê nhạc cổ. Riêng với Sáu Nông, cây đàn hạ giúp anh nhiều nhất, song yêu thích nhất vẫn là cây đàn nhị. Có một điều đặc biệt là cả cây đàn “kiếm cơm” lẫn cây đàn bầu bạn đều do anh tự tạo.Trông chúng cũng mộc mạc, chân chất như chủ của chúng.

 

PHƯƠNG TRÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek