Bộ phim nhựa Long thành Cầm giả ca được phóng tác theo bài thơ chữ Hán cùng tên của Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả kịch bản NSƯT Văn Lê, đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn. Phim được chọn chiếu khai mạc Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tối 1/10 tới.
Một cảnh trong phim Long thành Cầm giả ca.
Long thành Cầm giả ca với kinh phí 8 tỉ đồng, do Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Kịch bản của tác giả Văn Lê đã giành giải nhất trong cuộc thi Kịch bản điện ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Long thành Cầm giả ca xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như và Cầm, trải dài từ thuở mới lớn cho đến tuổi trung niên. Cầm là một cô gái xuất thân trong gia đình có mẹ và dì đều là ca kỹ. Lớn lên, cô được gửi lên Long thành học đàn. Trên đường đến Long thành, Cầm tình cờ gặp và quen với tân khoa Tố Như khi anh trên đường đi thi về. Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé có nốt ruồi nơi khóe miệng đã làm xao động tâm hồn của Tố Như dù rằng anh đã có vợ ở quê nhà…
Bài thơ Long thành Cầm giả ca được Đại thi hào Nguyễn Du viết khoảng 1813 -1814 trong thời gian ông đi sứ sang Trung Quốc. Phim dựng lên một hồn cốt Thăng Long thông qua những điều rất riêng trong ứng xử, cách thể hiện tình cảm của các nhân vật, những cảnh quay có sự lựa chọn rất kỹ về bối cảnh, phục trang ở một giai đoạn lịch sử của đất nước phải trải qua nhiều biến loạn nhất với sự thay đổi của nhiều triều đại. Tuy nhiên, Long thành Cầm giả ca đã vẽ một Thăng Long không phải của vua chúa, triều chính với những người anh hùng mà là một Thăng Long của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, của những người nghệ sĩ mong manh như cô Cầm. Vì vậy, phim không có nhiều cảnh gươm đao, không có những màn chiến trận ngút trời nhưng lại chạm tới trái tim người xem bởi lối kể chuyện giản dị và bình tĩnh nhưng cặn kẽ tới từng chi tiết.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết: “Việc tìm bối cảnh, dựng nhà cửa, thành quách Thăng Long xưa rất khó, có cảnh quay sau phải đi xa thêm 30km mới quay được để ghép vào cảnh đầu. Mặc dù còn khiếm khuyết, nhưng với thái độ chân thành tạ ơn mảnh đất Thăng Long, phim đã khai thác chiều sâu văn hóa Thăng Long. Đưa hình tượng Nguyễn Du lên phim cũng là đưa cái hồn dân tộc lên phim, vì thế tôi luôn sợ làm phim có gì thất thố. Đặc biệt, chọn diễn viên vào vai Tố Như rất khó, vì phải tìm người có dáng dấp nho nhã, thư sinh, thanh lịch, từ bàn tay, bàn chân trở đi và cuối cùng nam diễn viên Ngọc Ngoan khá phù hợp từ khuôn mặt, vóc dáng ngoại hình. Còn vai nàng Cầm giao cho ca sĩ Nhật Kim Anh, người đã diễn khá tròn vai, dù người xem chưa thấy hết sự khổ luyện cũng như nét tài hoa nổi trội trong những ngón đàn của cô”.
Ngoài bộ phim Long thành Cầm giả ca, một số phim nhựa về Hà Nội khác cũng được Cục điện ảnh phối hợp với Công ty Fafilm Việt Nam tiếp tục giới thiệu như: Hà Nội mùa đông năm 1946, Hà Nội 12 ngày đêm, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa chim làm tổ, Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong, Đừng đốt, Nhìn ra biển cả, Những người cùng thế hệ, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Đây là đợt chiếu phim lớn nhất của ngành điện ảnh trong năm 2010 để chào mừng Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi góp phần cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác tổ chức thành công Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, đợt chiếu phim này cũng nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân khơi dậy niềm tự hào dân tộc về truyền thống vẻ vang đất nước. Sau đợt chiếu phim Chào mừng Thủ đô tròn 1.000 năm Hà Nội, Long thành Cầm giả ca sẽ đồng hành cùng Trung úy tranh cử trong hạng mục phim truyện nhựa xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
VÂN ANH (tổng hợp)