Ở tuổi 80, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản phim truyện về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là kịch bản phim thứ hai của nhà văn viết về “ông Sáu Dân” - tên thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - sau một phim hoàn thành trước đó khoảng chục năm.
* Bộ phim mới này có gì khác với phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, đạo diễn Lê Văn Duy trước đó mà ông đã biên kịch?
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Ảnh: T.KIỀU
- Phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt là phim chân dung, đạo diễn Lê Văn Duy làm lâu rồi, tôi không nhớ chính xác thời điểm nào. Còn phim tôi đang viết kịch bản là phim truyện theo lời mời của đạo diễn Hồ Ngọc Xum do đơn đặt hàng của Đài truyền hình Vĩnh Long. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum đặt tôi viết kịch bản này vì anh ấy biết tôi đã viết Ấn tượng Võ Văn Kiệt. Anh Hồ Ngọc Xum từng làm phim về cố Thủ tướng Phạm Hùng. Cả hai thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng đều sinh ra ở tỉnh Vĩnh Long.
* Được biết phim Ấn tượng Võ Văn Kiệt do Lê Văn Duy đạo diễn đến nay vẫn chưa công chiếu?
- Sinh thời, chính ông Sáu Dân không cho chiếu khi phim làm xong. Ông Sáu nói: “Còn nhiều đồng chí nữa xứng đáng để làm phim, vì các anh yêu quý tôi mới có phim này, nên để đó khi nào có nhiều phim về nhiều đồng chí nữa hãy công chiếu”. Điều đó cũng một phần thể hiện tính cách của ông Sáu Dân. Ấn tượng Võ Văn Kiệt đang được gia đình ông lưu giữ, được chiếu cho người nhà xem những lúc giỗ chạp…
* Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được ông khắc họa như thế nào trong phim mới này?
- Phim này chủ yếu lấy bối cảnh năm 1973, khi ta vừa ký xong Hiệp định
Hiệp định
Sau khi Quân khu 9 - miền Tây Nam Bộ đánh địch vì địch không tuân thủ Hiệp định
* Nhân vật chính, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có thật nên các nhân vật xung quanh chắc cũng có thật?
- Những nhân vật quan trọng trong câu chuyện phim đều có thật. Trong thời điểm ấy, Quân khu 9 rất khó khăn về tài chính nhưng lại có nhiều “đôla xanh” tiền viện trợ. Nhưng “đôla xanh” không xài được nên phải đổi. Việc đổi tiền được ông Tám Thuận giao cho nhiều người thân tín, trong đó có một nhà báo đang ở Sài Gòn. Nhà báo này tên là Nguyễn Khắc Hân, hiện vẫn còn sống. Hồi nhỏ anh Hân là bạn học với tôi, còn giờ là... bạn nhậu, vẫn gặp nhau và nhậu thường xuyên (cười). Chuyện anh Hân đổi tiền, mang xuống vùng U Minh đưa cho ông Võ Văn Kiệt rất ly kỳ. Cứ thử tưởng tượng giữa rất nhiều rào cản của một guồng máy an ninh chế độ cũ, để đem được tiền từ Sài Gòn vào chiến khu cho ông Võ Văn Kiệt không dễ dàng gì.
* Câu chuyện ông kể khá hấp dẫn, vậy ông viết thành bao nhiêu tập phim?
- Làm bao nhiêu tập là việc của đạo diễn, nếu thấy hấp dẫn thì đạo diễn cứ làm dài cũng được. Phần tôi, nhiều khi chỉ viết khoảng một trang giấy cũng có cái để đạo diễn làm thành một tập phim. Tức là tôi chỉ cung cấp cái cơ bản để đạo diễn làm phim. Tất nhiên, sau khi đạo diễn cho ra kịch bản phân cảnh, tôi sẽ là người hiệu chỉnh hoặc viết lại lời thoại.
* Với vốn sống phong phú và trí nhớ mẫn tiệp, sao đến nay ông không viết hồi ký?
- Tôi đã nói là không bao giờ viết hồi ký. Vì tôi đọc hồi ký của nhiều người quen biết, phần nhiều họ không trung thực với chính mình. Trong hồi ký, “phần mình” bao giờ cũng tốt đẹp còn “phần người” thì… Bản thân tôi cũng vậy, tôi không dám tin là mình đủ trung thực với chính mình khi viết hồi ký. Muốn biết “hồi ký” của tôi ra sao, hãy đọc các tác phẩm của tôi, vì “hồi ký” của Nguyễn Quang Sáng nằm rải rác ở những gì đã viết.
* Xin cảm ơn nhà văn!
THANH KIỀU (thực hiện)