Thứ Sáu, 07/02/2025 05:27 SA
Hái trái ngọt trên mảnh đất mình vun xới
Thứ Bảy, 19/06/2010 15:00 CH

Giải C thể loại Ảnh báo chí Giải Báo chí quốc gia lần thứ IV năm 2009 là một niềm vui lớn đối với nhà báo Dương Thanh Xuân (Báo Phú Yên), tác giả của Cứu dân ở vùng rốn lũ. Từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với các tác phẩm ảnh nghệ thuật, song đây là lần đầu tiên phóng viên ảnh này “hái trái ngọt” ở mảnh đất mà anh vun xới.

 

cuu-dan-o-vung-ron-lu100619.jpg

Tác phẩm Cứu dân ở vùng rốn lũ - Ảnh: D.T.XUÂN

 

* Tác phẩm ảnh Cứu dân ở vùng rốn lũ được anh thực hiện như thế nào?

 

- Nửa đêm 2/11/2009, nước lũ quét qua các làng mạc hai bên bờ sông Kỳ Lộ thuộc hai huyện Đồng Xuân và Tuy An. Sáng sớm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên tăng cường hai chiếc ca nô từ TP Tuy Hòa ra để cứu dân ở vùng 2 xã An Định. Chiếc ca nô nhỏ chỉ đủ chỗ cho bốn người ngồi nhưng để tác nghiệp, tôi và anh Tấn Nghĩa - quay phim của Bộ Chỉ huy Quân sự cùng xin đi nên ca nô chòng chành vì có đến năm người. Nước chảy xiết và dâng cao chạm đến các mái nhà, nhiều người ngồi trên các nóc nhà kêu cứu. Chúng tôi phải luồn lách qua các đọt tre và trên các sợi dây điện để vào từng nhà chuyển họ đến Trường Tiểu học An Định là nơi cao nhất trong vùng. Những bà cụ lạnh run, những em bé tê tái, sợ hãi sau một đêm nằm trên mái nhà trong mưa và gió, những cánh tay nhô lên từ mái ngói đục thủng để kêu cứu… khiến chúng tôi quên cả mệt nhọc và mưa đang rơi nặng hạt ướt hết cả người và máy móc để cứu họ đến nơi an toàn, khô ráo. Các chiến sĩ dùng chèo đục thủng mái ngói để đưa từng người lên rồi cẩn thận dìu họ xuống ca nô là những hình ảnh cảm động mà lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến. Các chiến sĩ có lẽ cũng xúc động như tôi nên họ lặng lẽ và khẩn trương làm việc. Tôi cũng lặng lẽ chụp những hình ảnh cảm động ấy mà họ không hề hay biết. Buổi trưa về đến thị trấn Chí Thạnh, điện cúp toàn vùng, tôi nhờ Bưu điện Tuy An cho nổ máy phát điện để chọn ảnh và gửi đến các báo. Từ trưa hôm ấy, cả nước sững sờ trước những thiệt hại mà người dân Phú Yên đang gánh chịu sau cơn bão số 11. Bức ảnh Cứu dân trong vùng rốn lũ là một trong hàng trăm bức ảnh mà tôi đã ghi được trong cơn lũ này. 

 

* Điều gì đọng lại lâu nhất trong anh sau khi thực hiện loạt ảnh ở vùng rốn lũ?

 

- Sau khi cơn lũ đi qua, tôi cùng các hội viên Chi hội Nghệ  sĩ  nhiếp ảnh tỉnh Phú Yên tổ chức triển lãm ảnh Bão lũ và tình người để bán ảnh, gây quỹ cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai. Một trăm bức ảnh tại triển lãm đã cho thấy những thiệt hại khủng khiếp do cơn lũ lịch sử này gây ra. Chúng tôi tự hỏi: Con người đã ứng xử với thiên nhiên như thế nào mà phải trả một cái giá quá đắt như vậy? Hãy thân thiện, tử tế với thiên nhiên để tránh cho con cháu chúng ta phải chịu những cơn cuồng nộ từ thiên nhiên là điều đọng lại sau những gì mà chúng tôi chứng kiến và ghi nhận. 

 

* Anh đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2009 có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

 

- Tôi đã từng nhiều lần nhận được tin vui trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật, nhưng lần này phải nói là sung sướng gấp đôi vì đây là giải ảnh báo chí, mà mình là phóng viên ảnh. Gặt hái được thành quả trên chính mảnh đất mình vun xới, ươm mầm thì còn gì vui hơn. 

 

* Nhiều ý kiến cho rằng trong các cuộc thi ở địa phương cũng như cả nước, ảnh nghệ thuật đều “mạnh” hơn ảnh báo chí. Không những thế, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đoạt giải cao tại các sân chơi quốc tế, còn phóng viên ảnh thì dường như chưa làm được điều này. Anh nghĩ sao?

 

- Xung quanh sự thua thiệt của ảnh báo chí so với ảnh nghệ thuật trên trường quốc tế đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận. Có người đặt câu hỏi vì sao trong những năm chiến tranh, ảnh báo chí Việt Nam luôn có những thành tựu khiến thế giới phải quan tâm, còn hôm nay lại mờ nhạt so với ảnh nghệ thuật? Hỏi như thế rồi tự trả lời rằng: do hiện nay Việt Nam không có những sự kiện lớn. Nhiều sự kiện lớn xảy ra ở Trung Đông, Bắc Á, hoặc những thảm họa thiên nhiên ở nhiều nước khác; phóng viên ảnh ở Việt Nam không có “đất” tác nghiệp. Đó là một cách trả lời, nhưng theo tôi không hoàn toàn đúng. Đặc thù của ảnh báo chí là sự kiện và con người trước sự kiện ấy. Sự kiện lớn hay nhỏ, quan trọng hay thứ yếu là tùy cách nhìn nhận của tòa soạn và phản ánh của phóng viên. Bảo rằng Việt Nam không có sự kiện nên nhà báo Việt Nam không đoạt được giải ảnh báo chí thế giới, nhưng khi phóng viên ảnh từ nước ngoài đến Hà Nội, xuống dưới bãi bồi ven sông Hồng chụp được hình ảnh cuộc sống của một gia đình bị AIDS hành hạ và những tình cảm đầy thánh thiện của họ rồi nhận được giải Ảnh báo chí thế giới WPP thì mọi người mới ngớ ra. Và khi một phóng viên ảnh của Việt Nam từ Hà Nội lên Tây Bắc chụp được cảnh cả làng vây quanh chiếc ti vi - một phương tiện của nền văn minh hiện đại vẫn còn quá mới mẻ với cuộc sống khó khăn của họ rồi nhận được giải thưởng Ảnh báo chí  châu Á, thì quan niệm cho rằng Việt Nam không có sự kiện để nhà báo ghi nhận đã không còn chỗ đứng. Vậy nguyên nhân theo tôi chỉ có thể ở năng lực của các phóng viên ảnh, sự hỗ trợ của các tòa soạn báo và cách thức tổ chức của Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi chỉ xin lưu ý rằng hiện nay, nhiều tòa soạn không có biên chế phóng viên ảnh.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek