Người này bật cười sảng khoái trước những bất hợp lý được tác giả phơi bày, nhưng cũng có nhiều người trầm ngâm, suy tư trước những vấn đề nghiêm túc mà các biếm họa đặt ra.
![]() |
Tác phẩm đoạt giải nhất: “Ba giai đoạn” của họa sĩ Hà Xuân Nồng – Chụp lại: D.T.XUÂN |
Giải nhất cuộc thi thuộc về họa sĩ Hà Xuân Nồng (NOP); hai giải nhì cho các họa sĩ Lê Anh Phong (LAP) và họa sĩ Trần Quyết Thắng; hai giải ba cho các họa sĩ Phạm Thành Chung và Lê Thanh Tùng; cùng bốn giải khuyến khích cho các tác giả khác.
Ngày 28/5, tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức cuộc thi Vẽ tranh biếm họa lần thứ II đã tổng kết, trao thưởng cho các tác giả phía Nam và khai mạc Triển lãm Biếm họa báo chí toàn quốc lần thứ II – Cúp Rồng Tre, với chủ đề “Giao thông thời… hội nhập”. Đây là cuộc thi được tổ chức hai năm một lần theo sáng kiến của Báo Thể Thao&Văn Hóa với sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt
Không gian thoáng đãng của khu vực trưng bày đã tạo điều kiện cho người thưởng lãm mặc sức thả trí tưởng tượng của mình hòa theo cách nhìn cuộc sống ở góc độ hài hước của các họa sĩ biếm. Một vài người gật gù tán thưởng sự thông minh của tác giả. Người khác bật cười sảng khoái trước những bất hợp lý được tác giả phơi bày. Nhưng cũng rất nhiều người trầm ngâm, suy tư trước một vấn đề nghiêm túc đang được đặt ra: vấn nạn giao thông ở các đô thị. Chủ đề giao thông thời hội nhập được các tác giả khai thác triệt để. Nạn “lô cốt” xây dựng tùy tiện, tình trạng quản lý giao thông lộn xộn, mạnh ai nấy đào, hết đào rồi lại đắp, bui bặm, kẹt xe, đua xe… Đó là “một bức tranh toàn cảnh về giao thông Việt Nam đương đại với gần 400 ý tưởng: táo bạo, bất ngờ, thâm thúy, cay chua mà hài hước, xem muốn khóc rồi lại muốn cười…Tiếng cười đại chúng, lạc quan theo cách của biếm họa”, như lời nhận xét của nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân về triển lãm này.
Bức tranh “Ba giai đoạn” đạt giải nhất cuộc thi của họa sĩ NOP khiến người ta nghĩ ngay đến tình trạng quy hoạch giao thông thiếu đồng bộ hiện nay. Có khi cầu xây xong phải chờ đường. Đường muốn thi công phải chờ… giải tỏa. Muốn giải tỏa được phải chờ… đền bù. Muốn thực hiện đền bù phải chờ… văn bản hướng dẫn! Cây cầu trong bức tranh của NOP được xây dựng qua hai dự án nhưng mỗi dự án lại chạy một hướng, cuối cùng phải có một dự án thứ ba tạm bợ để “kết nối” hai dự án chệch choạc ban đầu.
Nhưng nổi bật tại triển lãm là các biếm họa về… “lô cốt” trong phố. Các họa sĩ biếm đã tưởng tượng ra hàng trăm thứ chuyện về “lô cốt”: nào là Táo quân lên chầu trời chậm do “lô cốt” làm kẹt xe; người ta ăn, ngủ trong “lô cốt”; tặng hoa cho người yêu bằng máy xúc trong “lô cốt”; thần đèn bó tay không biết khi nào công trình hoàn thành để tháo dỡ “lô cốt”… Đặc biệt, “lô cốt” Sài Gòn đã trở thành “đặc sản” để chào đón du khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam – ý tưởng này đã giúp tranh biếm của họa sĩ LAP đoạt giải nhì cuộc thi.
Triển lãm không chỉ có những tác phẩm phê bình, đả kích sâu cay đối với cái xấu, cái tiêu cực, những bất cập hay những điều chướng tai gai mắt mà còn có nhiều bức tranh mang tới tiếng cười lạc quan, hướng người xem tới những cái tốt, cái đẹp, sự cảm thông hòa đồng với những khó khăn chung của xã hội. Có thể nói các họa sĩ đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc thi khi thể hiện những tiếng cười đầy tinh thần trách nhiệm và đầy tính xây dựng. Đó chính là thái độ nghiêm túc của các họa sĩ biếm thông qua cái cười đầy trách nhiệm xã hội.
DƯƠNG THANH XUÂN