Những ngày đầu xuân Canh Dần 2010, nhiều đoàn du khách, nhất là khách quốc tế đến khu biệt điện Trần Lệ Xuân (số 2 Yết Kiêu, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) để được tận mắt chứng kiến nơi lưu trữ di sản tư liệu quý giá đầu tiên của Việt Nam vừa được UNESCO đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”.
Đó là 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn bằng chữ Hán - Nôm khắc ngược từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Gỗ dùng để khắc chữ là gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật với thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi; chất gỗ dai, mềm, mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc không bị lệch. Chữ khắc trên Mộc bản cũng rất điêu luyện, tinh xảo nên dẫu in dấu thời gian hơn 200 năm nhưng vẫn sắc nét, đẹp đến lạ lùng... Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 Phạm Thị Huệ, tài liệu Mộc bản phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn từ lịch sử, địa lý, triết học, tôn giáo đến chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục…
Y.LAN (tổng hợp)