Thứ Năm, 28/11/2024 23:33 CH
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Sông Hinh lần thứ nhất:
Tôn vinh giá trị văn hóa cồng chiêng
Thứ Ba, 23/02/2010 18:00 CH

Trong hai ngày 24, 25/2, huyện Sông Hinh sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập huyện. Bên cạnh các hoạt động lớn, lần đầu tiên, liên hoan Văn hóa cồng chiêng được tổ chức tại địa phương này. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh liên hoan Văn hóa cồng chiêng, ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh, cho biết:    

           

Cong-chieng-5.jpg

Thanh niên Sông Hinh biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao – Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên

 

- Cồng chiêng là một loại nhạc cụ gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và bà con dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh nói riêng, là vật báu trong mỗi gia đình và có ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong đời sống tâm linh của những người con của núi rừng. Cồng chiêng ở các buôn làng thường gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, kể khan, các lễ hội… Điều đặc biệt, cồng chiêng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cồng chiêng là phương tiện khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, rất cần giữ gìn, truyền lưu và phát huy giá trị của nó nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.    

  

Qua liên hoan này, chúng tôi muốn quy tụ tất cả các nghệ nhân ở các thôn, buôn; tuyên truyền để các bạn trẻ nhận thức về giá trị độc đáo của văn hóa cồng chiêng và góp phần gìn giữ, nếu không sẽ bị mai một.

 

* Liên hoan Văn hóa cồng chiêng được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?    

           

Cong-chieng-2.jpg

Một nghệ nhân đang chỉnh âm cồng chiêng

- Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức liên hoan Văn hóa cồng chiêng nên chúng tôi rất lo lắng. Vào đêm 24/2, liên hoan Văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất sẽ diễn ra, cùng với đêm thơ Nguyên tiêu, lễ trao giải cuộc thi viết 25 năm Sông Hinh xây dựng và phát triển. Chúng tôi xác định liên hoan Văn hóa cồng chiêng là hoạt động lớn, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Hiện nay, có 6 đội ở các xã: Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Trol, Ea Bá, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng đăng ký tham gia. Mỗi đội sẽ có khoảng 25-30 người của buôn làng mình trình diễn văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh đó, trong thời gian từ 5-7 phút, mỗi đội sẽ trình diễn, diễn tấu một lễ hội hoặc một trích đoạn trong các lễ hội đặc trưng như lễ cầu mưa, lễ ăn hỏi, mừng nhà mới, mừng lúa mới… trong tiếng vang vọng trầm hùng của cồng, chiêng cùng các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc mình.     

  

* Sau liên hoan này, ngành Văn hóa - Thông tin huyện có kế hoạch gì để các thôn, buôn tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng?      

 

- Sau liên hoan, ngành Văn hóa-Thông tin huyện có kế hoạch tập huấn tại các xã, thị trấn. Chúng tôi mời nghệ nhân Y Khai về tập huấn từng thôn, buôn. Sau đó, mỗi thôn, buôn cố gắng xây dựng một đội cồng chiêng biểu diễn phục vụ buôn, làng.

 

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cần có sự quan tâm và cộng đồng trách nhiệm của mọi người, hơn hết là sự tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chuyên môn trong việc tác động đến nhận thức của nhân dân, giáo dục ý thức bảo vệ di sản phi vật thể trên địa bàn; có chính sách đãi ngộ, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, suy tôn các nghệ nhân cồng chiêng để di sản văn hóa của nhân loại mà Việt Nam vinh dự được thừa hưởng ngày càng có sức lan tỏa và phát huy giá trị thật sự.

      

* Xin cảm  ơn ông!     

 

Theo số liệu kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Sông Hinh của Bảo tàng Phú Yên, trên địa bàn huyện miền núi này còn 555 bộ cồng chiêng (gồm 14 bộ cồng chiêng 5 cái, 350 bộ cồng 1 chiêng 5, 183 bộ cồng 3 chiêng 5,  8 bộ cồng 3 chiêng 5 và 1 cồng lớn). Ngoài ra còn có 7 trống, 51 chiêng lớn, 1 cồng lớn, 12 bộ aráp và một số cồng chiêng không đủ bộ ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng). Ngoài ra, Bảo tàng Phú Yên còn sưu tầm, phát hiện một số lễ hội phổ biến ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số như: lễ đâm trâu, lễ cúng vòng đời, cúng nhà mới, cúng lúa về kho; các nhạc cụ dân tộc, chóe cổ và các nghệ nhân hát sử thi tại buôn làng. Bảo tàng Phú Yên đã có kế hoạch phối hợp với địa phương nhằm phục dựng, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa trên.   

 

KIM CHI - ĐẶNG DỰ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek