Người chơi cây cảnh đều biết giá trị của việc sử dụng chậu, dĩa để trồng cây, phối cảnh. Chậu, dĩa vừa là vật chứa đựng, vừa tôn tạo vẻ đẹp của cây. Một cây cảnh được trồng trong chậu, dĩa hợp lý sẽ “phô diễn” hết vẻ đẹp.
Núi sông nằm trên một “thân cây” cắt ngang - Ảnh: HOÀNG CƯỜNG
Cây có dạng thác đổ sẽ được trồng trong chậu có hình ống, cây có tán được trồng trong chậu ô van, chữ nhật, cây có dáng văn nhân sẽ được trồng trong chậu tròn, lục giác, bát giác... Tôi có anh bạn là nghệ nhân sinh vật cảnh. Anh mua một cây hải châu của nông dân, có một tán là một tán hậu, được trồng trong chậu tròn. Anh đem về, thay vào một chậu dài hình chữ nhật, sau đó phối thêm vài hòn đá nhỏ. Chỉ sau một tiếng đồng hồ kể từ lúc mua, có người đã trả giá gấp ba lần.
Trước đây, các kiểu chậu ống, tròn, chữ nhật, lục giác, bát giác... được làm từ đất nung hoặc bằng sứ, xi măng, đá mài... Khi phong trào chơi cây cảnh, đá cảnh phát triển rầm rộ, để thỏa mãn sự sáng tạo của người chơi, loại chậu, dĩa giả gỗ xuất hiện. Cách làm các loại chậu, dĩa, đôn (đế) loại này cũng đơn giản, từ việc tạo dáng dài, rộng theo yêu cầu của người đặt mua; phần đáy chậu, dĩa phẳng, phần thân ngắn, trên vách được cắt nét gần giống như các loại vỏ cây, có đoạn “lột vỏ” hay tạo thêm mắt, bạnh, nhánh cây bị cắt cho thêm phần sinh động. Phần lớn được làm từ xi măng, cốt sắt có thể gia cố thêm lưới ô vuông, cách làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Thoạt nhìn cũng bắt mắt dễ coi, giá cả lại phải chăng và điều tiện dụng hơn cả là sự linh hoạt để trồng cây, phối cảnh. Khi người sử dụng cần là chỉ vài hôm sau dân chuyên làm các loại chậu dĩa giả gỗ này có thể đáp ứng yêu cầu. Khi đến bất cứ vườn cảnh nào ta cũng có thể bắt gặp một vài cây cảnh được trồng trong chậu giả gỗ. Một vài tiểu cảnh cũng được các nghệ nhân chế tác trên các loại chậu, dĩa giả gỗ này.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại “phong trào” này một cách thực tế hơn, chúng ta sẽ thấy có sự bất hợp lý. Theo lẽ tự nhiên, một cây bị cắt ngang (hoặc chết) có thể mọc hay trồng vào đó một cây nhỏ, theo năm tháng thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển (điều này có thể chấp nhận được). Thế nhưng, một thân cây bị cắt ngang lại chứa đựng một không gian rộng lớn, ví như việc phối cả cụm rừng, có dòng sông ở giữa, hoặc một cây lớn có bờ đất, sông - núi - ao - hồ..., nhất là non bộ lại chứa đựng trong một thân cây (giả) bị cắt ngang thì thật là bất hợp lý.
Người xưa sáng tạo ra thú chơi non bộ để thu nhỏ sơn thủy hữu tình lại một chỗ, nhưng đã đặt trong quy tắc trời tròn đất vuông, có nghĩa là núi - non - sông - biển vẫn đặt trong đất trời. Còn các loại hồ hình chữ nhật, ô van, bán nguyệt... là sự biến tấu cho phù hợp không gian hay khuôn viên của chủ nhà mà thôi.
Hãy thử tìm một cách khác thay thế cho việc trồng cây phối cảnh lên chậu, dĩa giả gỗ, chẳng hạn như tạo ra một loại chậu dĩa có hình dáng gần giống với bãi bờ tự nhiên hơn. Có thể cách làm gần giống như việc làm chậu, dĩa giả gỗ, nhưng thay thế cái “vỏ cây” bằng hình dáng và màu sắc của thiên nhiên.
HOÀNG CƯỜNG