Thứ Tư, 02/10/2024 19:26 CH
Họa sĩ Phạm Viết Song:
Những chuyến đi cuối đời
Thứ Năm, 07/01/2010 19:00 CH

Họa sĩ Phạm Viết Song là một người giản dị, khi vẽ thường ngậm tẩu thuốc và đã vẽ là nhập tâm quên cả ngày giờ. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Họa sĩ Phạm Viết Song có hai ưu điểm lớn: là một nhà giáo đào tạo nhiều họa sĩ ở thủ đô, ông liên tục sáng tác bằng niềm yêu thích và được nhiều người kính trọng”.

 

Hoa-si.100107.jpg

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam bên bức chân dung cha mình – họa sĩ Phạm Viết Song

 

Còn nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo thì cho rằng, cuối đời, họa sĩ Phạm Viết Song như “hồi xuân” trong màu sắc, trong ý tưởng. Màu của ông tươi tắn hơn, rực rỡ và trong trẻo hơn. Trong ngôi nhà khá khang trang của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, con trai họa sĩ Phạm Viết Song trưng bày nhiều tranh của cha mình. Tôi thấy bức chân dung tự họa Phạm Viết Song ngồi vẽ, với chiếc tẩu trên môi, thanh thản và điềm nhiên. Ngắm những bức tranh khác của ông như Cầu chùa - Hội An, Nắng tháp Chàm, Chợ Hôm Cửu Nhượng - Hà Tĩnh..., tôi hình dung ra một người họa sĩ già suốt đời cần mẫn, đi đến đâu cũng ghi chép sinh động nét độc đáo của vùng đất đó bằng tranh.

 

Ông ra đi ở tuổi 88 và để lại cho đời không chỉ những tác phẩm có dấu ấn khó phai, mà còn để lại bài học về lòng say mê hội họa đến quên cả thời gian, tuổi tác. Những ngày tháng cuối đời, dù sức yếu ông vẫn ham đi, ham vẽ. Và họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam đã gác lại những ý tưởng của mình để đưa cha đi thực tế, điều đó làm họa sĩ Phạm Viết Song rất tự hào.

 

Phạm Viết Hồng Lam nói rằng, không thể kể hết những chuyến đi thực tế và vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song, mà chủ yếu là những chuyến đi vẽ ở ngoại thành Hà Nội. Phải đến những năm tháng sau này, khi không còn quá nặng nề chuyện mưu sinh nữa, vào mùa hè, Phạm Viết Hồng Lam thường đưa cha mình đi thực tế. Những chuyến đi cuối cùng của ông đều có dấu ấn của anh con trai. Từ mùa hè năm 2004, khi đã ở tuổi 87, Phạm Viết Song có những chuyến đi cuối cùng của đời mình. Hồng Lam kể: “Cha tôi đã quyết đi là đi, không ngăn được. Tôi thương và chiều ý cha, nên làm theo. Ông đưa tôi khoảng 20 triệu đồng gom góp từ số tiền bán tranh để tôi lo liệu dọc đường. Ý ông cụ muốn đi dọc con đường di sản miền Trung, bao gồm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cố đô Huế với hai di sản là quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, tỉnh Quảng Nam với hai di sản là thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An. Tôi biết cha tôi có tuổi, nên cũng muốn thỏa nguyện những tâm nguyện cuối cùng của ông”.

 

Hai cha con ông họa sĩ đi tàu hỏa vào Quảng Bình với đích đầu tiên là Phong Nha - Kẻ Bàng. Họa sĩ Phạm Viết Song vẽ ký họa, phác thảo bằng bột màu để về nhà phát triển thành tranh khổ lớn, đôi khi là những bức hoàn chỉnh, thu vào đó những cảm xúc trước con người, cảnh vật. Trong động Bi Ký, ông họa sĩ ngồi thuyền vẽ, anh con trai rọi đèn cho cha. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, người họa sĩ già đã vẽ được hai bức tranh sinh động về những nhũ đá đẹp đến mê hồn. Sau khi vẽ ở Quảng Bình, cha con họa sĩ vào viếng nghĩa trang Trường Sơn, thăm thành cổ Quảng Trị rồi vào Huế, Đà Nẵng. Hôm đầu đi bộ vào vẽ ở thánh địa Mỹ Sơn, chẳng ngờ đường quá xa, phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới đến. Ngày thứ hai, dù còn thấm mệt từ hôm trước, nhưng họa sĩ Phạm Viết Song vẫn muốn đi vẽ tiếp. May mắn thay, họ gặp một người làm ở ngành Hải quan và mượn được chiếc xe máy không phanh, không còi. Hồng Lam đưa cha mình vào khu thánh địa Mỹ Sơn, đường vòng vèo, người họa sĩ già ngồi sau cứ ôm chặt lấy con trai. Lúc đó miền Trung nắng như đổ lửa, nhưng không làm người họa sĩ già nản lòng. Buổi trưa, hai cha con phải vào nghỉ ở một cái lán gần đó. Những người lao động ngạc nhiên và thán phục trước những nét vẽ của ông. Màu sắc trong tranh ông khỏe khoắn, tươi vui và rất đời thường. Những khối tháp Chăm rêu phong cổ kính nổi bật giữa trời đất, cỏ cây như những dấu son.

 

Tuy nhiên, sức lực chẳng chiều lòng người. Hồng Lam kể: “Sáng hôm sau, cha tôi bỏ ăn và kêu mệt. Suốt cả ngày hôm đó ông chỉ nằm, không ăn. Tôi cho ông uống thuốc và tìm bác sĩ nhưng không có, cha tôi ngất đi tỉnh lại lấy lần. Đêm đó tôi thức suốt, định thuê một chiếc xe 24 chỗ chở cha về Hà Nội. Nhưng hôm sau cha tỉnh và khỏe hơn, tôi đưa cha đi máy bay về Hà Nội. Về nhà, cha tôi ốm liệt giường 10 ngày rồi hồi phục dần. Bắt đầu từ tháng 10/2004 đến tháng 4/2005, ông vẽ liên tục. Tôi nhận ra rằng, giai đoạn này ông cụ vẽ khỏe nhất”.

 

Tháng 8/2005, họa sĩ Phạm Viết Song đi chuyến cuối cùng vào cõi thiên thu. Làng hội họa mất một cây cọ tài hoa. Riêng họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam thì chẳng có mùa hè nào bên cha nữa.

 

Họa sĩ Phạm Viết Song sinh ngày 2/1/1917 tại TP Thanh Hóa. Chưa đầy 20 tuổi, ông đã phải bươn chải, vừa dạy học vừa vẽ để kiếm sống và học tiếp. Năm 1954, Phạm Viết Song ra Hà Nội, tiếp tục làm hai công việc mà sau đó ông gắn bó suốt đời là sáng tác và dạy học. Ông là người vận động và đứng ra mở các lớp học trong thời kỳ chống Mỹ oanh tạc miền Bắc, đồng thời mở các lớp dạy vẽ buổi tối ở thành phố. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn duy trì những lớp vẽ tại nhà, luôn luôn gần gũi với lớp trẻ ham thích hội họa.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek