Thứ Năm, 03/10/2024 05:31 SA
Triển lãm Mỹ thuật 2009:
Cuộc “ra quân” của thế hệ 8X
Thứ Bảy, 26/12/2009 16:31 CH

Hàng năm, cứ đến ngày truyền thống của ngành Mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951) và chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944), các họa sĩ Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đều tổ chức triển lãm.

 

Tranh-son-dau-Binh-nau-cua-.jpg

Tranh sơn dầu Bình nâu của họa sĩ Trương Quốc Mỹ

 

Đây là dịp để các họa sĩ giới thiệu những sáng tác mới nhất của mình sau một năm lao động sáng tạo, đồng thời để các hội viên chuyên ngành Mỹ thuật gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, ôn lại truyền thống của ngành, động viên nhau tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần tô điểm cho đời sống văn hóa tinh thần tỉnh nhà.

 

Tham gia triển lãm Mỹ thuật năm 2009 có 24 họa sĩ với 54 tác phẩm, gồm 52 tranh và 2 tượng. Về chất liệu, chủ yếu là tranh sơn dầu và bột màu, ngoài ra có một số họa sĩ sử dụng chất liệu sơn mài, acrylic, màu nước, khắc gỗ và dán giấy. Điều đặc biệt là năm nay có nhiều hội viên trưng bày 3-4 tranh, điển hình như hai cha con họa sĩ Nguyễn Ngọc Bửu, Nguyễn Huy Bách và mẹ con họa sĩ Đặng Thị Thọ, Nguyễn Lê Tường Thi.

 

Người cao tuổi nhất tham gia triển lãm là họa sĩ Nguyễn Ngọc Bửu, sinh năm 1932. Họa sĩ vẫn trung thành với bút pháp mực tàu trên giấy dó mà ông đã gắn bó nhiều năm qua. Để vẽ được những bức tranh thoạt nhìn tưởng là đơn giản ấy thật ra không đơn giản chút nào. Phải là người có tay nghề điêu luyện, vững vàng về giải phẫu cơ thể học mới có thể diễn tả sinh động nội dung tư tưởng của tác phẩm chỉ bằng vài ba nét bút. Xem tranh của ông, người ta nhớ tới những bức tranh thủy mặc hoặc tranh tố nữ của hội họa cổ điển Trung Hoa. Các họa sĩ có tay nghề vững vàng như Phạm Thi, Nguyễn Hưng Dũng, Trần Quyết Thắng, Diệp Xang, Lê Thành Đoán, Phan Văn Trọng, Trần Trưởng… cũng có tranh tham gia và tạo nên những điểm nhấn cho cuộc triển lãm.

 

Dạo một lượt qua phòng tranh, ấn tượng đậm nhất để lại trong lòng người xem là những bức sơn mài của Huy Bách, tranh tĩnh vật hoa của Đặng Thị Thọ, Trương Quốc Mỹ và Nguyễn Quyết Thắng.

 

Huy Bách từ lâu đã gắn bó với chất liệu sơn mài và anh đã gặt hái được thành công nhất định. Để sáng tác một bức sơn mài không chỉ tốn nhiều thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc để mua vật tư, vậy mà niềm đam mê trong anh vẫn không hề suy giảm, thậm chí anh còn dự định sẽ tổ chức triển lãm cá nhân, hay ít ra là triển lãm nhóm. Trong số 3 tranh sơn mài của Huy Bách tham gia lần này, gây chú ý nhất là bức Xích lô. Bãi chợ chiều thưa vắng, người đạp xích lô trong lúc chờ khách cắm cúi bên tờ báo, một khung cảnh hết sức bình dị ta vẫn thường bắt gặp đây đó. Nhưng nét nổi bật tạo được ấn tượng mạnh cho người xem đó là ánh nắng chiều chiếu chênh chếch lên những chiếc xe, nhất là lên những chiếc dè kim loại sáng loáng và đổ bóng xuống mặt đường, tạo cảm giác lung linh, sinh động lạ thường. Bức tranh mang nhiều yếu tố của phong cách hội họa Ấn tượng.

 

Các bức tĩnh vật hoa và lọ của ĐặngThị Thọ, Trương Quốc Mỹ, Nguyễn Quyết Thắng có bố cục chặt chẽ, màu sắc phong phú, nhất là cách nhìn sự vật không theo lối mòn thông thường. Bức Bình nâu của Trương Quốc Mỹ vẽ hoa sen và một chiếc bình đất nung. Nhưng tác giả không cắm hoa vào bình mà để nằm xuống bàn, chỉ có một bông gác hờ hững lên miệng bình, cùng với chiếc bình tạo thành những đường nét kỷ hà và một không gian ba chiều sinh động với một gam màu phong phú.

 

Tranh-son-mai--Xich-lo.jpg

Tranh sơn mài Xích lô của họa sĩ Huy Bách

 

Khi xem tranh, người xem không biết được các tác giả già hay trẻ vì trên tem không ghi ngày tháng năm sinh, nhưng với những người trong ngành thì cuộc triển lãm lần này có thể coi như một cuộc ra quân rầm rộ của các cây cọ thế hệ 8X. Các họa sĩ Trương Quốc Mỹ, Thi Ca, Lê Thị Thanh Trúc, Nguyễn Lê Tường Thi, Lê Thị Thu Hồng, Nguyễn Thị Phương Pháp, Ân Điển đều sinh ra vào đầu những năm 80 và mới tốt nghiệp ra trường vài ba năm gần đây. Nếu tính cả những người lớn hơn đôi ba tuổi thì có Huy Bách và Nguyễn Thành Vinh. Tác phẩm của họ chiếm hơn một nửa phòng tranh và tạo nên những nét độc đáo, mới lạ. Đây quả là những tín hiệu rất đáng mừng. Trong triển lãm lần này chỉ có một điều đáng tiếc là đa số họa sĩ đều đang sống và công tác trên địa bàn TP Tuy Hòa, cây cọ ở các địa phương khác rất ít. Sông Cầu chỉ có Lê Lượng, Tuy An có Hồ Doãn Chương, Đông Hòa có Đỗ Đình Tây. Ba huyện miền núi không có họa sĩ nào góp mặt. Hy vọng cuộc triển lãm “Mừng Đảng mừng xuân” Canh Dần năm 2010 sắp tới sẽ là cuộc hội ngộ đông vui và phong phú hơn.

 

LÊ VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek