Khoe chất giọng đẹp trong ca khúc đậm chất thính phòng Bài ca chiến thắng, đầy cảm xúc với ca khúc trữ tình bán cổ điển (semi classic) Tìm em, Lê Xuân Hảo một lần nữa khẳng định sự vượt trội của mình và đoạt giải nhất phong cách thính phong trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009.
Lê Xuân Hảo trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2009 – Ảnh: MINH NGUYỆT
Giọng ca đến từ Thái Bình, sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội đã chia sẻ với phóng viên Báo Phú Yên về hành trình đến với Sao Mai, về sự lựa chọn dòng nhạc thính phòng - con đường nghệ thuật đầy gập ghềnh, thử thách…
* Xuân Hảo đã chuẩn bị như những gì cho hành trình chinh phục giải Sao Mai lần này?
- Trước cuộc thi Sao Mai, Hảo rất đắn đo: Năm 2007, mình đã vào vòng chung kết toàn quốc và được trao giải Thí sinh triển vọng. Liệu năm 2009 mình có vượt qua được “ngưỡng” của năm 2007 không. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và của bạn gái, Hảo quyết tâm tham gia cuộc thi này và đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cách đây bốn năm tháng.
* Trong các cuộc tranh tài có tính chất quyết định để đến với đêm chung kết xếp hạng, bạn cảm thấy hài lòng nhất với lần thi nào?
- Có lẽ là phần thể hiện trong đêm chung kết phong cách thính phòng. Hảo cảm thấy hài lòng về cách thể hiện và cảm xúc. Hảo hát ca khúc Bắc Pó hát mãi tên Người của nhạc sĩ An Thuyên đã có được thành công nhất định.
* Cảm giác của bạn như thế nào, khi thể hiện xong một bài hát khó và được những người có chuyên môn khen ngợi?
- Rất hạnh phúc. Sau khi hát xong, được thầy Trung Kiên, thầy Dương Minh Đức và chị Đặng Châu Anh khen, Hảo cảm thấy rất hạnh phúc. Có lẽ đấy là hạnh phúc nhất chứ không phải là điểm số mà ban giám kháo dành cho Hảo.
* Con đường của các ca sĩ, nghệ sĩ thính phòng khó khăn hơn rất nhiều so với ca sĩ nhạc nhẹ. Vì sao Hảo lại chọn dòng nhạc thính phòng?
- Hảo không hối tiếc vì đã chọn dòng nhạc thính phòng. Tất nhiên, đó là một con đường rất chông gai. Các ca sĩ học thính phòng, tối thiểu phải có bảy, tám năm trong trường, từ học luyện thanh đến nhạc lý…Việc học rất vất vả. Nhưng Hảo nghĩ dòng nhạc thính phòng ở Việt
* Nhiều người quan tâm đến giải Sao Mai 2009 có chung nhận xét là chất lượng các giọng khá đồng đều, dòng thính phòng cũng vậy. Tuy nhiên, các thí sinh chưa có sự bứt phá, tươi mới trong thể hiện. Xuân Hảo nghĩ sao về nhận xét này?
- Mỗi kỳ thi Sao Mai có một lứa thí sinh mới, với tư duy khác nhau. Lứa thí sinh năm 2007 có sự đột phá, như Lê Anh Dũng và Hiền Anh với những bài semi classic: Dương cầm thu không em, Gọi anh… Năm 2009, các thí sinh đều thiên về những ca khúc đậm chất thính phòng, như Tôi là người thợ lò, Chào sông Mã anh hùng… Rất ít bạn dám chọn cái mới, vì mặt bằng chung là như thế rồi. Nếu làm ngược lại thì cũng rất ngại. Tuy nhiên, trong đêm chung kết xếp hạng, bên cạnh bài hát bắt buộc đậm chất thính phòng, Hảo hát một bài semi classic tình cảm nhẹ nhàng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn.
* Năm 2010, liệu những người yêu nhạc có thể “gặp lại” Lê Xuân Hảo trong một đĩa nhạc thính phòng?
- Rất nhiều khả năng. Sau cuộc thi, Hảo sẽ cố gắng ra một đĩa, nếu không đơn ca thì sẽ song ca, để đưa tiếng hát của mình đến với công chúng nhiều hơn.
* Xin cảm ơn và chúc Lê Xuân Hảo sớm thực hiện được dự định của mình.
LÂM VY (thực hiện)