Thứ Năm, 03/10/2024 22:27 CH
Những nhà báo đoạt giải A kể chuyện tác nghiệp
Thứ Tư, 21/06/2006 08:05 SA

Bốn giải A của giải Báo chí Hội Nhà báo Phú Yên năm nay thuộc về các nhà báo Kỳ Linh- Huỳnh Danh (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) với tác phẩm ”Hiệu quả đưa cán bộ về phụ trách thôn buôn ở huyện miền núi Sơn Hòa”, Trình Kế (Đài Phát thanh Phú Yên) với tác phẩm ”Những côn đồ thị trấn La Hai cần bị nghiêm trị”, Nguyễn Quốc Khương (Báo Phú Yên) với loạt bài về bệnh xơ hóa cơ Delta, Dương Thu Thủy (Báo Phú Yên) với phóng sự “Hãy cứu lấy những trái tim non”. Những nhà báo “đăng quang” lần này đã tác nghiệp như thế nào khi thực hiện các đề tài trên?

 

* Nhà báo Nguyễn Quốc Khương (Báo Phú Yên): TÔI “BỊ” KHUYÊN ĐỪNG VIẾT VỀ BỆNH “CHIM SỆ CÁNH” Ở AN LĨNH!

 

060621-chan-dung-Khuong.jpgChuyện phát hiện ra những người bệnh xơ hóa cơ (XHC) Delta ở xã An Lĩnh  (Tuy An) thật tình cờ. Cộng tác viên Khắc Nho ở Tuy An viết cho Báo Phú Yên một bản tin cho biết tại xã An Lĩnh có 17 trường hợp bị XHC Delta. Khi xử lý bản tin trên cho báo, chúng tôi đã hết sức thận trọng, đã gọi điện thoại đến Phòng Y tế huyện Tuy An, các chuyên viên của phòng thì cho biết họ chưa nghe thông tin. Chính vậy, bản tin của cộng tác viên Khắc Nho đăng trên Báo Phú Yên, chúng tôi xử lý là “Phát hiện 17 bệnh nhân bị teo cơ ở An Lĩnh”.

 

Nhận thấy đây là một đề tài được nhiều người quan tâm, chúng tôi quyết định lên đường đến An Lĩnh. Y sĩ trưởng trạm Y tế xã Tô Văn Nguyên nhiệt tình đưa chúng tôi đến tận nhà các người bệnh giữa cái nắng gay gắt đầu hè của xã vùng cao. Chúng tôi đi xuyên trưa, leo núi, băng suối, quên cả chuyện ăn uống (mà muốn ăn cũng khó vì An Lĩnh là xã vùng cao, địa hình đồi núi, dân cư thưa, đâu giống như những nơi khác có nhiều quán xá). Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi đến Phòng Y tế huyện Tuy An và gặp ông Nguyễn Văn Tài, bác sĩ trưởng phòng. Ông Tài, sau khi nghe chúng tôi trình bày, đã cho  biết rằng đoàn cán bộ của Phòng Y tế và Bệnh viện Tuy An đã đến An Lĩnh giám sát và xác định tại đây... chẳng có người nào mắc bệnh XHC Delta cả! Ông đồng thời cũng khuyên chúng tôi không nên viết đề tài này vì có thể “tạo dư luận xã hội không tốt” (!?). Khi được hỏi liệu những người dân Tuy An nếu có những triệu chứng nghi mắc XHC Delta thì có nên đến các cơ sở y tế khám để sớm phát hiện ra bệnh này hay không, ông Trưởng phòng Y tế huyện cũng cho rằng “không nên” (!?).

 

Sự hăm hở của chúng tôi gần như hạ xuống ở mức thấp nhất sau khi làm việc với cơ quan có trách nhiệm này. Thật lạ, chúng tôi là nhà báo, nghề chúng tôi là nghề viết mà lại bị khuyên là đừng viết thì chúng tôi làm gì đây? Hơn nữa, đề tài của chúng tôi cũng chẳng phải thuộc “vùng cấm”, một câu chuyện phản ánh thực tế về một căn bệnh được nhiều người quan tâm, nếu báo chí phát hiện sớm thì các cơ quan hữu trách liên quan sẽ vào cuộc nhanh hơn, tại sao lại không viết? Chúng tôi vẫn quyết định đưa lên báo câu chuyện về hàng chục người nghi mắc bệnh “chim sệ cánh” (từ dân gian thường gọi căn bệnh XHC Delta) với ý kiến của BS Huỳnh Ngọc Ấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, là sở sẽ đi giám sát lại căn bệnh này tại An Lĩnh trong tuần kế đó.

 

Chỉ hai ngày sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được thông tin đoàn cán bộ Sở Y tế đã đến An Lĩnh và xác định tại đây chính xác có 25 người mắc XHC Delta. BS Ấn sau đó cho chúng tôi biết là các BS ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đọc được thông tin về bệnh XHC Delta ở An Lĩnh trên báo và nhờ sở tiến hành nhanh hơn việc giám sát để họ cử đoàn đến nghiên cứu. Chưa đầy một tuần sau đó, 10 BS của BV Chợ Rẫy do đích thân PGS-TS-BS Trương Văn Việt, Giám đốc, đã trực tiếp lên An Lĩnh thăm khám và xác định có đến 40 người bị XHC Delta.

 

Những bệnh nhân này sau đó đã được đưa đến BV Chợ Rẫy để phúc khám và dự kiến sẽ được điều trị miễn phí trong thời gian tới. Chúng tôi vui vì những thông tin kịp thời trong những bài báo của mình đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng tiến độ phát hiện và giám sát căn bệnh của ngành y tế, giúp người dân vùng khó khăn An Lĩnh có cơ hội thoát khỏi XHC Delta.

 

* Nhà báo Trình Kế- Đài Phát thanh Phú Yên: TÔI ĐÃ CHIA SẺ BỨC XÚC VỚI NGƯỜI DÂN

 

060621-Trinh-Ke.jpgTối mùng năm tết Bính Tuất, tôi nhận được tin có nhiều người bị đánh trọng thương đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Khi đến bệnh viện, tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người bị trọng thương đang la khóc rất thảm thiết. Thông tin ban đầu cho biết đây là những nạn nhân của một vụ đánh người tập thể rất vô cớ vừa xảy ra ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. 

 

Ngay sáng hôm sau, tôi cùng một đồng nghiệp đi Đồng Xuân. Hàng chục người dân chưa hết lo sợ thay nhau kể cho chúng tôi nghe cái đêm kinh hoàng ấy. Người dân ở vùng đất xa xôi này ai cũng bức xúc trước cảnh đánh người vô cớ và coi thường pháp luật của những kẻ côn đồ đến từ thị trấn La Hai. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng đã phản ứng quá chậm trước vụ việc nghiêm trọng này. Trong hàng trăm người dân ở xóm Hạ, xã Xuân Quang 2 phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, hàng chục gia đình không còn biết tết nhất là gì mà phải kiếm tiền lo cứu chữa những người bị thương thì những kẻ côn đồ vẫn tiếp tục quậy phá, đánh người vô cớ và thách thức pháp luật.

 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Trần Xuân Thập đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các cơ quan chức năng của huyện để trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Chỉ một ngày sau khi phóng sự điều tra “Những côn đồ thị trấn La Hai cần bị nghiêm trị” được phát trên sóng Đài phát thanh và đăng trên Báo Phú Yên, Viện Kiểm sát nhân dân Đồng Xuân đã ký quyết định khởi tố vụ án và lần lượt khởi tố, bắt giam các đối tượng có hành vi côn đồ. Bài báo đã có tác động mạnh đến dư luận ở Phú Yên, không chỉ tham gia lên án, ngăn ngừa trấn áp tội phạm, mà còn góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Tôi cảm thấy như được chia sẻ với những bức xúc của người dân.

 

* Nhà báo Dương Thu Thủy (Báo Phú Yên): DỒN HẾT TÂM TRÍ CHO NHỮNG TRẺ EM BỊ BỆNH TIM

 

060621-Duong-Thuy.jpgTôi tình cờ đọc một dòng thông báo nhỏ trên bảng kế hoạch công tác của Ủy ban Dân số gia đình trẻ em Phú Yên: “Sáng 25-4, gặp mặt các gia đình có con bệnh tim”.  Nội dung thông báo này khiến tôi chú ý đặc biệt. Theo phản xạ tự nhiên của người làm báo, tôi lập tức thu xếp công việc để đến dự cuộc gặp mặt dù đây là cuộc gặp mặt để trao đổi, thỏa thuận về kinh phí mang tính nội bộ nên cơ quan này không mời báo chí. Trong số 10 trường hợp đầu tiên được mời tham dự, chỉ duy nhất một gia đình chấp thuận xoay xở cho con, những bà mẹ có con bị bệnh tim còn lại gục đầu khóc thảm thiết vì không có cơ hội cứu sống con mình. Tôi bắt đầu hình thành đề tài từ cuộc gặp mặt này.

 

Suốt nhiều ngày liền, tôi luôn ám ảnh cảnh những bà mẹ, ông bố ngồi khóc trong đau đớn nhìn con mình đang cận kề với cái chết. Tôi luôn trăn trở với đề tài của mình và tạm gác những đề tài, công việc khác dồn hết thời gian cho đề tài này. Tôi quyết tâm mình phải làm một cái gì đó có ích giúp cho những em bé kia. Tôi hy vọng những em bé đáng thương kia sẽ được cứu sống.

 

Càng tìm hiểu để thu thập tư liệu, tôi càng thấy xót xa. Hầu hết các gia đình có con bị bệnh tim đều đã khánh kiệt, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí không còn cái ăn. Điều này càng thôi thúc tôi phải dồn hết tâm trí thực hiện thật tốt đề tài này.

 

Vài ngày sau khi phóng sự “Cứu lấy những trái tim non!” được đăng tải, chị Nguyễn Thị Luyện- một phụ nữ có con bị bệnh tim ở thôn Phước Nông, xã Hòa Bình1, (huyện Tây Hòa) gặp tôi mừng khôn xiết vì trường THCS Nguyễn Anh  Hào đã phát động quyên góp từ học sinh và giáo viên để giúp con chị mổ tim. Ngay sau đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã quyết định hỗ trợ kinh phí để giúp mổ tim cho hàng chục trẻ em. Đây cũng chính niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.

 

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

 

Sự “tái khẳng định” đầy ấn tượng của nhà báo Kỳ Linh

060621-Ky-Linh.jpgNghe tin nhà báo Kỳ Linh (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên- PVTV) đoạt giải A giải Báo chí Hội Nhà báo Phú Yên năm nay, giới báo chí Phú Yên hết sức vui mừng, nhiều phóng viên trẻ tỏ ra khâm phục anh thật sự bởi đây là một sự “tái khẳng định” đầy ấn tượng của nhà báo Kỳ Linh sau một thời gian bị bạo bệnh. Đặc biệt hơn, tác phẩm đoạt giải của anh (cùng với nhà báo Huỳnh Danh của PVTV) là một đề tài về xây dựng Đảng (phóng sự “Hiệu quả đưa cán bộ về phụ trách thôn buôn ở huyện miền núi Sơn Hòa”)- một lĩnh vực được xem là “hóc” lâu nay. Sau một thời gian “vắng bóng” trong làng báo để chữa bệnh, trở lại với công việc từ đầu năm nay, nhà báo Kỳ Linh tỏ ra rất lạc quan và sung mãn hơn. Bây giờ, ngày ngày khán giả PVTV được tiếp tục theo dõi những tác phẩm báo chí của anh. Cận ngày báo chí Việt Nam, anh vẫn tất bật với những đề tài mới của mình.

 

*Hình như lâu lắm rồi, giới báo chí Phú Yên mới có một tác phẩm về đề tài xây dựng Đảng đoạt giải cao?

 

-Lâu nay, nhiều người cho rằng các đề tài về xây dựng Đảng thường khó, khô. Khi thực hiện, tôi và đồng nghiệp Huỳnh Danh không nghĩ là làm để dự thi. Song tôi thật sự trăn trở với đề tài này vì đây là một vấn đề gắn bó sâu sát với cuộc sống. Tôi nghĩ, những đề tài về xây dựng Đảng không phải là những vấn đề xa rời cuộc sống. Trước khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tôi trăn trở tìm một đề tài nào đó gần gũi hơn với cuộc sống để tuyên truyền thiết thực, hiệu quả hơn.

 

*Anh muốn gởi gắm tâm huyết gì khi thực hiện đề tài này?

 

-Chủ trương tăng cường cán bộ về thôn buôn của Đảng đã có trước đó song nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả của chủ trương này chưa cao. Thậm chí người ta nói rằng không ít cán bộ về thôn buôn chỉ mang tính đối phó, chưa phát huy được năng lực để giúp cơ sở phát triển. Tôi muốn làm một cuộc khảo sát, có tính chất kiểm chứng thực tế về hiệu quả của chủ trương này để góp phần tác động nâng cao hiệu quả của một chủ trương đúng đắn.

 

Nhà báo Kỳ Linh kể rằng khi thực hiện đề tài này, anh đã tự đặt mình vào vị trí của một người dân bình thường để quan sát, kiểm chứng thực tế chủ trương đưa cán bộ về thôn buôn. Trong phóng sự của mình, hai nhà báo Kỳ Linh và Huỳnh Danh đã chọn những địa phương xa nhất của huyện miền núi Sơn Hòa để phản ánh. “Tôi luôn đặt ra câu hỏi nghi ngờ để phỏng vấn”- nhà báo Kỳ Linh trần tình như vậy. Chính vì thế, phóng sự về một đề tài tưởng như khô cứng này đã trở nên sinh động với những ý kiến rất thực của nhiều người dân, nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều đồng nghiệp cho rằng cái hay nhất của phóng sự này là sự kiểm chứng thực tế bởi tác giả đã kỳ công thực hiện một cuộc điều tra xã hội học. “Sau khi chuẩn bị kỹ tư liệu và hình ảnh, tôi lại phải xác định góc độ để viết và thể hiện”- nhà báo Kỳ Linh kể. Đó chính là góc nhìn khách quan của nhà báo. Từ góc nhìn này, sau khi phóng sự được phát sóng, ngoài sự tác động của một tác phẩm báo chí, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã xem đây là một nguồn tư liệu thực tế sinh động để nhìn nhận, đánh giá về chủ trương đưa cán bộ về thôn buôn.

 

TẤN LỘC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek