Chủ Nhật, 06/10/2024 07:36 SA
Ba ngày với ”ông già Nam bộ”
Thứ Năm, 20/08/2009 14:30 CH

Triển lãm trưng bày 20 bức ảnh chụp “ông già Nam bộ” Sơn Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy vừa diễn ra tại khu du lịch Bình Quới 1 (TP Hồ Chí Minh), nhân kỷ niệm một năm nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam rời xa chúng ta (13/8/2008 - 2009). Triển lãm này giúp nhiều người hình dung lại cuộc sống của tác giả các đầu sách trứ danh về Nam bộ một thời.

 

Nha-van-Son-Nam.090820.jpg

Nhà văn Sơn Nam bên chiếc máy chữ – Ảnh: ĐỨC HUY

 

BA CON SỐ 3 TÌNH CỜ

 

Sẽ in sách ảnh về Sơn Nam

 

Ông Phạm Sĩ Sáu, đại diện NXB Trẻ - đơn vị đang giữ quyền xuất bản các tác phẩm của Sơn Nam - đã có mặt trong triển lãm cho biết: “Sau khi xem ảnh chụp nhà văn Sơn Nam, chúng tôi nói với nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy, rằng NXB Trẻ sẽ in những tác phẩm này thành sách ảnh”. Hôm 13/8, NXB Trẻ phát hành 10 đầu sách tái bản của Sơn Nam dưới hình bìa mềm, giấy phổ thông: Hồi ký Sơn Nam, 4 truyện vừa, Biển cỏ miền Tây và Hình bóng cũ, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đình miếu và Lễ hội dân gian miền Nam, Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam, Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Hương rừng Cà Mau (Tập 1 mới) từ truyện Anh hùng rơm đến Con rắn, Hương rừng Cà Mau (tập 2 mới) từ Con sâu cuối cùng đến Mối tình đầm lai, Hương rừng Cà Mau (tập 3 mới) từ Một cuộc biển dâu đến Yêu cho được. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy đã mất ba ngày ròng vào tháng 7/2003 để săn hình “ông già” Sơn Nam. Đức Huy bám “ông già” - cách gọi thân thương của bạn đọc, đồng nghiệp dành cho Sơn Nam - từ mờ sáng đến tối mịt, cùng đi, cùng ăn, cùng ở với ông. Kết quả, Đức Huy thu được gần ngàn tấm hình, rồi anh chọn lọc còn khoảng 700 tấm ưng ý nhất. Mong muốn triển lãm ảnh Sơn Nam đã có từ lâu, nhưng vì điều kiện kinh tế nên anh chỉ dám công bố triển lãm trên không gian ảo.

 

Khi thông tin triển lãm  “ảo” chân dung “ông già” được các phương tiện truyền thông đưa tin, khu du lịch Bình Quới 1 mới vào cuộc nhưng đã quá cận ngày giỗ đầu Sơn Nam. Nếu tính từ khi ban giám đốc Bình Quới 1 đặt vấn đề với Đức Huy đến ngày triển lãm cũng chỉ có 3 ngày để thực hiện. Lại thêm một con số 3 nữa liên quan đến cuộc triển lãm này, đó là không gian ngôi nhà số 3 (bên cạnh Hội quán Trịnh Công Sơn) nằm trong khu Bình Quới 1 được chọn để trưng bày ảnh Sơn Nam. Vì sao lại là nhà số 3, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Bình Quới 1 cho biết: “Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã từng ở trong ngôi nhà vách đất lợp lá này. Khoảng hơn 10 năm trước, chúng tôi xây dựng chương trình Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ, và bác Sơn Nam là người cố vấn cho chương trình nên ông cụ đã ở đây”.

 

Riêng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy thì nghẹn ngào không phát biểu thành lời. Trước mặt quan khách, anh đã sụt sùi quay mặt, cố nén niềm xúc động nhưng nước mắt cứ tràn ra. Đức Huy đã khóc như một đứa trẻ dù anh đã ngoài 50 tuổi (sinh năm 1953) khi những gì mình làm cho “ông già Nam bộ” được ghi nhận.

 

“ÔNG GIÀ” KHÔNG HỀ “DIỄN”

 

Phải đợi đến quá trưa, khi niềm hân hoan lẫn xúc động của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy tạm lắng dịu, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện cùng anh.

 

* Anh “săn” “ông già Nam bộ” được gần ngàn bức ảnh, sao triển lãm chỉ có 20 tấm?

 

- Tôi cũng muốn trưng bày nhiều hơn nữa hình chụp bác Sơn Nam, nhưng vì thời gian quá gấp rút nên không chuẩn bị kịp. Thêm nữa, không gian nhà số 3 quá nhỏ hẹp nên không bày được nhiều. Nếu Sài Gòn không vào mùa mưa thì có lẽ sẽ trưng bày ra ngoài trời, nhưng lỡ mưa ướt “ông già” thì tội nghiệp lắm.

 

* Từ đâu anh nảy ra ý định chụp ảnh nhà văn Sơn Nam?

 

- Có tờ báo chuyên về công nghệ thông tin đặt tôi làm phóng sự ảnh về “ông già” với nhan đề Cổ tích thời @. Vì giữa thời này, “ông già” vẫn lọc cọc gõ máy chữ, cả đời đi bộ… Nhưng khi tiếp cận “ông già”, càng ngắm nhìn ông tôi càng mê mẩn và tự hỏi: Nhà văn danh tiếng của Nam bộ như vầy sao? Bây giờ một cô ca sĩ bị hắt xì hơi cũng được báo chí khai thác ầm ĩ, rồi tung ra ảnh “nóng” ảnh “nguội”. Vậy với bậc trí thức như “ông già”, sao mình không ghi lại tất cả hình ảnh một ngày của ông để những người yêu mến biết biết? Và tôi đã theo ông suốt 3 ngày ròng từ lúc ông làm việc, du khảo đến khi ăn.

 

* “Ông già” có “diễn” trước ống kính khi anh chụp ảnh?

 

- Hoàn toàn không. Tôi không hề “đạo diễn” và “ông già” cũng không diễn. Có thể nói, ngày thường ông sống ra sao thì lên hình cũng như vậy. Có một vài tấm “ông già” có diễn, đó là những bức hình chụp có tính chất lưu niệm giữa ông già và bè bạn, người hâm mộ. Thường thì ông diễn bằng cách ưỡn bụng lên cho thẳng lưng, tay chống nạnh hoặc chấp sau mông cho ra vẻ… oai. Sau này, tôi gặp Sơn Nam thường xuyên hơn, tôi thấy rằng những gì ông viết về Nam bộ mà mình được đọc không khác gì với lối sống mộc mạc của ông. Ông là hiện thân của văn hóa Nam bộ.

 

* Xin cảm ơn anh! 

 

THANH KIỀU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek