Chủ Nhật, 06/10/2024 09:42 SA
Nhà thơ Phan Vũ:
Mỗi bức tranh như một bài thơ
Chủ Nhật, 16/08/2009 19:00 CH

Từ ngày 15 đến 26/8, tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP Hồ Chí Minh) diễn ra triển lãm Giai điệu màu với 20 bức tranh của nhà thơ Phan Vũ. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ ba của tác giả Em ơi! Hà Nội phố trong 6 năm qua.

 

Da-lat.090815.jpg

Một thoáng Đà Lạt – tranh của Phan Vũ

 

IN TÁC PHẨM ĐẦU TAY Ở TUỔI 80

 

Hiếm có nghệ sĩ nào chơi nhiều lĩnh vực để lại được nhiều dấu ấn như Phan Vũ. Ở lĩnh vực biên kịch, ông có Lửa cháy lên rồi đoạt giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955, Thanh gươm và bà mẹ, Dòng sông âm vang (kịch bản phim). Làm đạo diễn, Phan Vũ có Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại (Võ Thị Sáu). Vẽ tranh thì triển lãm nào tranh bán cũng rất nhiều, vì người sưu tầm tranh Phan Vũ thấy trong đó dáng hình người nghệ sĩ mình yêu.

Nhắc đến Phan Vũ, nhiều người biết ngay ông là tác giả của tiểu trường ca Em ơi, Hà Nội phố. Bài thơ này ra đời vào năm 1972 giữa những trận bom B52 rải thảm xuống thủ đô. Em ơi, Hà Nội phố sau này còn lan tỏa rộng hơn trên giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang. Giữa những tháng ngày bom đạn, bão lửa đó, rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ chiến trường thì Em ơi, Hà Nội phố gần như lạc nhịp trong dàn đồng ca. Thế nhưng chính vì sự “lạc nhịp” này mới thật là Phan Vũ với điệp khúc “Ta còn em…”. Ông cho biết: “Em ơi! Hà Nội phố thể hiện sự khắc khoải, hoang mang của tôi khi tình yêu Hà Nội đang đứng trước những tàn phá khủng khiếp mà nhiều thứ có thể bị mất đi. Ta còn em… là còn Hà Nội của quá khứ hòa trộn vào hiện tại lúc đó…”. Từ ngày Em ơi! Hà Nội phố ra đời đến nay đã có rất nhiều dị bản. Những dị bản truyền miệng đã đành, in trên sách báo cũng rất nhiều dị bản. Ngay cả bản in trong tập Phan Vũ thơ cũng là một dị bản do Phan Vũ chép lại theo trí nhớ và đó là “dị bản chính thức”.

 

Phan Vũ thơ do Nhà xuất bản Văn học in năm 2007 là tác phẩm đầu tay vào năm ông nhà thơ tròn 81 tuổi (Phan Vũ sinh năm 1926). Đây cũng là một sự kiện lạ với một tác giả có tên trong Hội Nhà văn Việt Nam vào những ngày đầu thành lập từ nửa thế kỷ trước (năm 1957). Gần như mỗi bài thơ đều gắn liền với một sự kiện nào đó trong đời tác giả. “Tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa… Tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh ray rứt hay chấn động đời mình” - nhà thơ tâm sự. Phan Vũ cười xuề xòa khi nói chuyện với tôi, rằng ông không hiểu tại sao nhiều người gọi ông là nhà thơ đến thế. Thường thì ông làm thơ kiểu ngẫu hứng trong các cuộc nhậu rồi “xuất bản miệng” ngay tại chỗ. Nếu bài thơ ngẫu hứng đó viết ra giấy, sau khi đọc xong trong hơi men nồng, thường thì ông “hóa vàng” ngay tại chỗ. Bạn bè, đa phần là bạn vong niên, gọi đùa cách đốt thơ của Phan Vũ là nghệ thuật trình diễn thơ mà mãi sau này loại hình trình diễn như vậy mới xuất hiện ở ta.

 

Cuộc sống một kiếp người với hơn 80 năm có phải là quá dài để nhìn thấy nhiều giá trị đổi thay? Trong đó, không có gì là vĩnh hằng, kể cả thơ!

 

“PHỔ THƠ” THÀNH TRANH

 

phan-vu.090815.jpg
Nhà thơ Phan Vũ

Triển lãm Giai điệu màu lần này của Phan Vũ cũng không nằm ngoài ý thích lâu nay của ông. Phan Vũ thích đọc thơ với âm nhạc và đã có riêng một đêm thơ Phan Vũ tại quán guitar Gỗ của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa vào năm 2006. Những bức tranh trong Giai điệu màu mang đến cho người xem cảm giác có cả thơ và âm nhạc đang hòa quyện lấy nhau.

 

Phan Vũ đến với hội họa hoàn toàn do tự học. Lúc trẻ, ông bị mê hoặc bởi tranh của các danh họa cùng những câu chuyện xung quanh; và những gì đã đọc bấy lâu cứ tự nhiên thấm vào người ông lúc nào không hay. Khi mới tập tành vẽ, Phan Vũ được một số họa sĩ lớp trẻ chỉ cho ông cách căng bố, pha màu cùng những tiểu tiết lặt vặt khác. Ông càng vẽ càng say mê sáng tạo, đến độ sau vài tháng “vào nghề”, một nhóm họa sĩ đến nhà ông chơi, xem tranh xong họ bảo: “Triển lãm được đấy!”. Đã có một nhà doanh nghiệp kiêm họa sĩ nhận tài trợ màu vẽ suốt đời cho ông. Phan Vũ càng vẽ tranh càng chìm đắm, dường như thế giới trắng toát khoảng một mét vuông lại là thế giới tự do nhất ở chặng cuối đường đời của ông.

 

Một vài lần đến thăm Phan Vũ tại nhà vợ ông trong một con hẻm ở quận 9 TP Hồ Chí Minh, căn phòng nhỏ ông bày la liệt đủ thứ “đồ chơi” tranh. Trông “xưởng vẽ” của ông bừa bộn như của một họa sĩ trung niên đang hồi sung mãn. Lịch làm việc của ông bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và vẽ đến khi nào mỏi tay. Khi buông cọ, ông lại cầm sách mỹ thuật để học thêm, nếu có hứng thì làm thơ. Phan Vũ nói ông đang chạy đua với thời gian, mặc dù xem chuyện vẽ cũng chỉ là một trò chơi như một câu thơ của ông: Người nghệ sĩ lang thang hè phố/ Bơ vơ/ Không nhớ nổi con đường…

 

THANH KIỀU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek