Chủ Nhật, 06/10/2024 11:23 SA
Việt hóa kịch bản ngoại: Xa lạ đến khó hiểu
Thứ Bảy, 15/08/2009 07:10 SA

Ngày càng nhiều kịch bản phim ngoại được Việt hóa xuất hiện trên truyền hình. Không khó để nhận ra những bộ phim “con lai” này. Ưu điểm của chúng đó là những câu chuyện có cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn, nhưng nhược điểm dễ nhận ra là sự rập khuôn của những lối sống, cách ứng xử văn hóa xa lạ...

 

Phim.090815.jpg

“Dù gió có thổi”, bộ phim “Việt hóa” từ kịch bản của Hàn Quốc

 

XA LẠ ĐẾN KHÓ HIỂU...

 

Không ít khán giả phàn nàn, phim Việt trên truyền hình dạo này thích khai thác đề tài về giới trẻ nhưng giới trẻ chỉ toàn ăn chơi, luôn xuất hiện ở những quán bar, vũ trường, có biệt thự, đi lại bằng xe hơi, sống buông thả, và hình thức sống chung trước hôn nhân khá phổ biến. Điều đáng nói là lối sống này đang thấm vào không ít thanh niên Việt Nam hiện nay!

 

Nhiều khán giả bực bội kể về tâm trạng khi xem bộ phim “Dù gió có thổi”: “Trong phim có nhân vật nữ Khánh Ngọc là con nhà giàu. Cô ta chỉ mới đi du học bốn năm nhưng lại biến mình thành như một người nước ngoài từ văn hóa ăn mặc đến lối suy nghĩ hành xử. Tự bản thân nhân vật trở thành một kẻ ngây ngô đến khó chịu, câu cửa miệng của cô ta luôn là “anh Minh nói ở Việt Nam như thế này, thế nọ…””. Bộ phim “Cô nàng bất đắc dĩ” thì luôn có cảnh, cứ hết giờ làm là hầu như cả tòa soạn lại kéo nhau đến quán bar uống rượu. Ở đó, những nhân vật nữ là các phóng viên, biên tập viên thì đi “mồi chài” trai, còn những nhân vật nam cũng là phóng viên, trưởng phó phòng ban, phó tổng biên tập… thì đi tán gái. Đó là chưa kể, ngay trong phòng làm việc, các nhân vật có thể thoải mái ngồi vào lòng nhau âu yếm!

 

TRÀN LAN KỊCH BẢN NGOẠI...

 

Có thể nói, bắt đầu từ “Lẵng hoa tình yêu” (năm 2004) được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài, đến nay việc Việt hóa kịch bản đã trở nên hoàn toàn quen thuộc. Những “Mùi ngò gai”, “Vườn ảo thuật”, “Nhật ký Vàng Anh”, “Hoa dã quỳ”, “Người mẹ nhí”, “Huyền thoại Linh Lan”, “Cô gái xấu xí”, “Những người độc thân vui vẻ”, “Dù gió có thổi”, “Cô nàng bất đắc dĩ”, “Có lẽ nào ta yêu nhau”, “Chuyện nhà tôi”… đã và đang phủ sóng các kênh truyền hình được Việt hóa từ kịch bản của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha, Thái Lan, Colombia… Chưa kể, một loạt những kịch bản khác cũng đang được các nhà sản xuất bắt tay thực hiện.

 

“Những người độc thân vui vẻ”, được VFC lựa chọn dựa trên 15 kịch bản ăn khách trên thế giới để mua bản quyền, là trường hợp phim “Việt hóa” đầu tiên bị ngưng phát sóng dở dang vì vấp phải sự phản ứng từ phía khán giả. Ê-kíp làm phim cũng thừa nhận đã chủ quan khi nghĩ chuyển thể kịch bản từ Trung Quốc - một nước có nền văn hóa gần với Việt Nam, sẽ gần gũi với khán giả Việt Nam. Bộ phim hài, nhưng những tình huống hài lại không hề tạo được tiếng cười cho khán giả. Còn nhiều bộ phim khác cũng đang bị khán giả đánh động về chất lượng nội dung, tuy nhiên hầu hết đã được bỏ qua dù gây bực bội, phản cảm vì sự ngô nghê, xa lạ.

 

Đạo diễn Minh Chung, người đã làm nhiều phim được “Việt hóa” nói: “Các bộ phim từ kịch bản nước ngoài phải thay đổi toàn bộ văn hóa ứng xử ở trong phim. Đời sống văn hóa tinh thần của người Việt có đặc trưng riêng, ví dụ như hầu như nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên, con cái dù lớn nhưng chưa lập gia đình vẫn sống cùng cha mẹ… Là một người làm phim, mình phải góp phần định hướng khán giả bằng những nề nếp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi nghĩ cái này mình nên bắt chước Hàn Quốc, phim họ định hướng rất tốt…”.

 

Giải quyết sự bế tắc nguồn kịch bản bằng việc mua format phim từ những nền điện ảnh đang ăn khách xem ra cũng là một hướng đi, nhưng về lâu về dài hướng đi này cũng cần được xem lại. Dù sao khi “Việt hóa” một tác phẩm nước ngoài thì “đứa con” ra đời chắc chắn sẽ là “con lai”. Chỉ có điều mức độ “lai” tới đâu còn phụ thuộc vào gien của mẹ (ba) nó mạnh tới đâu, nghĩa là tay nghề của đạo diễn tốt tới đâu. Nhiều đứa con lai ra đời đẹp, ai cũng trầm trồ khen ngợi, tuy nhiên nhiều đứa lại xấu kiểu “ta không ra ta, tây chẳng ra tây”, gây cho người xem cảm giác khó chịu…

 

Dường như chưa có tác phẩm Việt hóa nào cho người xem cảm giác gần gũi, quen thuộc như chính bản thân đời sống Việt. Khán giả cũng không đòi hỏi tới mức thế. Tuy nhiên, tạo cho được văn hóa, tinh thần Việt trong lớp vỏ ngoại đó đã là thành công lớn của những người làm công tác “Việt hóa” kịch bản nước ngoài, đó cũng là điều khán giả mong muốn ở những nhà làm phim.

 

HÀ GIANG (Theo SGGP)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek