Chủ Nhật, 06/10/2024 11:28 SA
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng:
Hãy viết đúng những gì mình có, đừng vay mượn
Thứ Năm, 13/08/2009 14:00 CH

Với những người yêu thơ ở Phú Yên, Nguyễn Gia Nùng là một cái tên thân thuộc, là “tri kỷ” của Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống. Nhà văn quê Hưng Yên này không chỉ  dành tình cảm hết sức đặc biệt cho đêm hội thơ hằng năm của người Phú Yên, mà còn quảng bá hoạt động văn hóa độc đáo này trên các diễn đàn văn chương. Đến nay, Nguyễn Gia Nùng đã có gần 30 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, ký, chuyên luận... Với nụ cười nhẹ nhàng, nói năng từ tốn, nhà văn 74 tuổi mang đến cho người đối diện cảm giác thật gần gũi khi trò chuyện. 

 

copy.090813.jpg

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng trong đêm thơ Nguyên tiêu 2009 trên núi Nhạn - Ảnh: N.THẮNG

 

* Ông bước vào con đường văn chương bằng những bài thơ, sau đó chuyển sang viết văn xuôi. Phải chăng đối với ông, văn xuôi có một sức hút lớn?

 

- Tôi nghĩ đơn giản: đất nước Việt Nam có nhiều người làm thơ quá. Mà muốn làm thơ hay rất khó, thôi thì viết văn xuôi để ghi lại hiện thực. Nếu thơ không hay thì cũng không mang lại điều gì cho độc giả. Còn đọc văn xuôi, ít ra người ta cũng thấy được cuộc sống mà mình đã ghi lại một cách trung thực.

 

* Hình như những người làm thơ thường thiên về cảm xúc, mơ mộng và cả tin; còn những người viết văn xuôi tỉnh táo hơn?

 

- Làm thơ dựa vào cảm xúc nội tâm, còn viết văn phải công phu hơn nhiều, phải quan sát nhiều. Có câu chuyện vui thế này: Một lần, tôi đi cùng đoàn văn nghệ sĩ đến rừng Cúc Phương. Đến đấy thấy rất nhiều cái lạ, có cây chò hàng ngàn năm tuổi, có những loài chim, loài thú mà mình chưa thấy bao giờ. Trong đoàn có nhà văn, nhà thơ, có nhạc sĩ, họa sĩ. Đi sâu vào rừng, chúng tôi thấy trên một cái cây rất cao có một con chim hót rất hay, bộ lông của nó có màu rất đẹp. Họa sĩ  Mai Văn Hiến bảo: Màu này mà pha được thì rất thú! Nhạc sĩ Đỗ Nhuận vội vàng mang máy ghi âm ra ghi tiếng hót. Nhà thơ hỏi người hướng dẫn: Con chim này thường hót vào thời điểm nào? Còn nhà văn thì hỏi và ghi chép tỉ mỉ rất nhiều chuyện về con chim và môi trường sống. Đấy, cùng một hiện thực, nhưng mỗi người có cách khai thác khác nhau. Theo tôi, trong nghề viết, nhà văn phải lao động cực hơn.

 

* Hiện tại, mảng đề tài nào làm ông quan tâm?

 

- Tôi khai thác những gì đã tích lũy được cả cuộc đời mà do nhiều nguyên nhân nên chưa viết được, bây giờ mình sử dụng cái vốn đó. Vẫn phải bổ sung thêm, nhưng cái chính là viết từ những gì tích lũy được. Ví dụ, hơn 40 năm trước, tôi viết Sao băng - tiểu thuyết đầu tiên về chiến tranh. Khi tôi ngồi viết thì nghe tin những nhân vật nguyên mẫu trong Sao băng lần lượt hy sinh. Tin dội về, thôi thúc mình viết và rất xúc động. Viết Sao băng, tôi rất tâm đắc câu thơ của Tố Hữu: Thà một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn ngàn trang giấy luận văn chương. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có viết: Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi…

 

Bây giờ, có những người viết trẻ hoặc người viết có những tâm trạng gì đấy không được thoải mái, chỉ viết về mặt trái của chiến tranh,  về những người cơ hội, chui luồn trong chiến tranh… Đấy cũng là một mặt nhưng không phải là tất cả. Cuộc đời có mặt sáng mặt tối. Có điều theo tôi, nhà văn nhà thơ làm sao để mỗi tác phẩm đến với người đọc như một người bạn. “Gặp” người bạn đó rồi, người ta suy nghĩ và làm những việc tốt, có ích cho đời, thì đấy mới là người bạn tốt. Tác phẩm, dù hay dở chưa biết, nhưng đọc rồi phải mang lại những điều bổ ích.  

 

* Theo ông, điều gì là quan trọng đối với một người viết văn?

 

- Một người viết văn, theo tôi, trước hết phải hiểu biết - hiểu biết về cuộc đời, phải có tâm hồn và nhất là phải có tài. Có đủ vốn sống, có tâm huyết mà không có tài thể hiện thì cũng chịu. Người viết suốt đời phải tích lũy, phải học không ngừng. Tôi quan niệm người viết văn, làm thơ cũng giống như đám mây tích đầy điện dương. Khi bay qua nơi có những điểm cao tích đầy điện âm, đám mây ấy mới làm nên sấm sét. Còn nếu qua một vùng đất tích rất nhiều “điện” nhưng “anh” lơ mơ thì không thể viết, nếu có cũng mờ nhạt.

 

* Ông đã viết rất nhiều tác phẩm. Có những nhân vật nào, đề tài nào đã viết rồi nhưng ông vẫn còn cảm giác mắc nợ?

 

- Đấy là hình ảnh người lính trong chiến tranh. Tôi không phải là bộ đội nhưng có cái may mắn là công tác ở Nhà xuất bản Lao Động, là một trong những người được đi thực tế hàng năm. Đề tài người lính trong chiến tranh lúc bấy giờ chưa khai thác phần khuất lấp của tâm lý con người. Giờ tôi muốn viết về những nhân vật mình đã tiếp xúc, đã quen thuộc nhưng chưa viết thật sâu về họ. Tiểu thuyết về Trường Sa mà tôi đang viết cũng vậy, không chỉ ca ngợi những người lính bảo vệ Trường Sa. Họ còn là những người canh giữ văn hóa Việt Nam, nhân văn của Việt Nam ở ngoài đó.

 

* Ông có thường đọc tác phẩm của các cây bút trẻ?

 

- Có, tôi có đọc, nhất là văn, còn thơ thì thú thật tôi thấy ít bài hay. Có những bài thơ đọc hai ba lần cũng như chưa đọc, tôi nghĩ chắc người viết cũng chẳng hiểu họ nói gì. Họ muốn lạ hóa, nhưng mà phải biết lạ hóa để làm gì. Riêng văn xuôi thì có nhiều cây bút trẻ viết rất thích, rất tươi trẻ, cách nghĩ, cách khai thác đề tài mới lạ. Tôi nghĩ người nào viết đúng những cái mình có thì sẽ đi đến thành công và đi xa được. Còn ai khoác lên những thứ không phải của mình thì chỉ có được một vài tác phẩm, sau đó sẽ hết. Các cây bút trẻ muốn thành công, hãy viết đúng những gì mình có, đừng vay mượn. 

 

* Xin cảm ơn nhà văn!

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek