Chủ Nhật, 06/10/2024 15:21 CH
Văn học đương đại:
Thiếu vắng đề tài công nông
Thứ Bảy, 08/08/2009 07:20 SA

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nhiều vấn đề về văn học đã được nêu ra. Trong số đó, việc hụt hẫng các tác phẩm văn học về những đề tài cơ sở như công nhân, nông dân, người lao động…được nhắc đến nhiều.

 

Cong-nhan090808.jpg

Người công nhân hôm nay ít được xây dựng thành nhân vật trong văn học- Ảnh: NHẬT NGHIÊU

 

HỤT HẪNG

 

Nhà văn Nguyễn Đức Thiện nhận định: “Đã có một khoảng cách rất lớn giữa người viết văn và giới công nhân”. Nếu trước đây, trong những năm tháng chiến tranh hay trong thời kỳ đầu sau chiến tranh, văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm về người công nhân chính là vì người viết văn lúc đó đã hòa nhập, cùng sống, cùng làm việc với những người công nhân để từ đó có được những chất liệu làm nên các tác phẩm văn học. Hiện tại, sự thâm nhập không còn được như xưa, có rất ít nhà văn xuất thân là công nhân nên khó có thể tìm thấy những sáng tác hay, phản ánh chân thật đời sống người công nhân.

 

Cũng giống như vậy, trong cuộc vận động sáng tác văn học về đời sống nông thôn, người nông dân Việt Nam hiện nay, câu hỏi tìm đâu ra nhà văn gắn bó với cánh đồng, với làng quê cũng khó tìm được lời giải đáp. Dù có nhiều thay đổi, có sự chuyển hướng về nền kinh tế thì cơ bản, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp với gần 70% dân số sống bằng nghề nông. Thế nhưng, hình ảnh người nông dân, xã hội nông thôn lại đang chiếm một vị trí mờ nhạt trong đời sống văn học trong nước. Sau những tác phẩm có đề tài liên quan đến nông thôn như Thời xa vắng (Lê Lựu), Khách ở quê ra (Nguyễn Minh Châu), Dòng sông mía (Đào Thắng… dường như ít còn tác phẩm nào tạo được tiếng vang.

 

Có chăng hay được nhắc đến là một Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, tuy nhiên theo nhiều nhà phê bình văn học thì với Cánh đồng bất tận, tác giả không phải viết về người nông dân hay nông thôn Việt Nam hiện nay mà đơn thuần là một cuộc thử nghiệm trong sáng tác nên yếu tố nông thôn, nông dân như bị tách rời khỏi hiện thực nhằm phục vụ cho ý tưởng thể hiện riêng của tác giả. Như vậy, ở cả hai lĩnh vực lớn nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất của đất nước hiện nay là công nghiệp và nông nghiệp, văn học đều ít thể hiện, thiếu hụt các tác phẩm văn học viết về cuộc sống lao động và con người trong đó.

 

CUỘC THI CHO NGƯỜI TRONG CUỘC

 

Khi đề cập đến sự hụt hẫng, hạn chế này, nhiều ý kiến cho rằng do không hiếm nhà văn hiện nay chạy theo các đề tài thời thượng, câu khách và có nhiều ý kiến cho rằng cần hướng các nhà văn vào những đề tài hiện thực cuộc sống công nghiệp, nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, ngược lại, có nhiều ý kiến khác cho rằng thực tế đời sống văn học Việt Nam hiện nay đang diễn ra theo đúng quy luật của nó. Cần phải chú ý là hầu hết các nhà văn trẻ, những người sung sức nhất trong sáng tác đều đang sống ở thành thị. Các thế hệ nhà văn đàn anh đi trước dù có hay không xuất thân từ nông thôn thì hiện nay phần lớn cũng sống đời sống đô thị.

 

Các nhà văn đã hòa nhập vào môi trường sống của mình và họ cũng đã thực hiện việc sáng tác trên cơ sở những chất liệu sống mà họ có được. Tiến Đạt viết về những cảm nhận trên những nẻo đường mà anh thường trải qua với tư cách một nhân viên công ty du lịch. Vũ Đình Giang viết về cuộc sống của những người trẻ nhập cư mà anh hiểu rõ. Phan Hồn Nhiên có các sáng tác về các bạn trẻ trong thương trường mà chị quen biết… Không thể nói các nhà văn trẻ bỏ quên đề tài nông thôn hay nhà máy mà phải nhìn nhận một thực tế là họ, các nhà văn hôm nay không sống trong những môi trường đó, không thở bầu không khí đó để mà sáng tác. Như thế, ở đây trong những môi trường xã hội, kinh tế mà mình đang sống, các nhà văn đang làm đúng vai trò của mình.

 

Khác với công nghiệp hay nông nghiệp thiếu vắng các tác phẩm văn học, mảng giáo dục lại có sự phát triển khá tốt. Từ những tờ tạp chí chuyên dành cho học sinh, sinh viên sáng tác văn chương về cuộc sống, trường lớp, môi trường giáo dục còn sản sinh ra những nhà văn mà tên tuổi đã được khẳng định như Lưu Thị Lương, Nhật Chiêu, Trần Quốc Toàn… và nổi tiếng hơn là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài ra, hàng năm, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giáo dục vẫn luôn được xem là một cái nôi nhằm tìm ra những cây bút có năng lực đóng góp cho nền văn học trong nước. Ở đây, cách mà cuộc thi viết về giáo dục đã làm có thể là một hình mẫu đầy lạc quan cho việc tìm kiếm các tác phẩm viết về công nhân, nhà máy, nông dân, nông thôn… Đó chính là việc tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động chính những người ở nông thôn, trong nhà máy sáng tác các tác phẩm văn học về những vấn đề đã và đang nảy sinh trong cuộc sống của họ.

 

Với tư thế là người trong cuộc, họ có lợi thế về chất liệu, về cảm nhận mà một nhà văn bên ngoài không thể có được. Điều duy nhất còn vướng mắc là năng lực, trình độ trong việc thể hiện ý tưởng bằng tác phẩm văn học, đây là lúc cần có sự trợ giúp của các hội chuyên ngành mà ở đây là hội nhà văn địa phương và trung ương.

 

Các nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp sẽ trở thành những người đãi cát tìm vàng. Giữa muôn vàn tác phẩm của những cây bút mới, tìm ra những tài năng thật sự, từ đó giúp đỡ về chuyên môn góp phần xây dựng nên tác phẩm hay về các đề tài nông thôn, nhà máy.                     

 

TƯỜNG VY - (SGGP)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek