Chủ Nhật, 06/10/2024 17:23 CH
Giấc mơ của những người phụ nữ
Thứ Năm, 06/08/2009 07:08 SA

Có thể thấy khát vọng yêu thương và bình đẳng giới được thể hiện một cách chân thực, sinh động trong tập truyện ngắn Giấc mơ ban ngày (*) của cây bút nữ Phương Trà.

 

Bia-sach-cua090806.jpg

Bìa tập truyện ngắn Giấc mơ ban ngày

Có thể nói đây là một tập truyện ngắn viết về đề tài phụ nữ, vì đa số nhân vật chính là nữ. Phần lớn trong số họ đều có hoàn cảnh đáng thương, như người đàn bà cô đơn trong Mùa gió nam, Sông không trở lại… Người cô đơn đã thấm thía nỗi buồn, người có chồng cũng chẳng hạnh phúc hơn. Cô Huyền vì không chịu ly hôn nên bị chồng giết chết (Không dấu vết). Người đàn bà vô danh trong Đi qua biển rộng sông dài bị chồng bạc đãi, truyền HIV. Chị định lao mình vào đoàn tàu lửa để kết thúc cuộc đời nhưng đã biết dừng lại đúng lúc khi nghĩ đến con thơ. Đáng thương hơn cả là người đàn bà Đi trong sương mù. Chị như cành cây khô bị chồng đánh gãy hằng ngày. Thế rồi chị vùng lên phản kháng - lần đầu tiên người đàn bà yếu ớt vùng lên phản kháng - để “bứt hết những sợi dây chằng chịt lùng nhùng đeo bám từ nghìn năm nay”. Chị như cái cây “muốn rướn những cành khẳng khiu lên, xòe những chiếc lá héo úa ra để đón lấy ánh nắng mặt trời… Song những cành khẳng khiu đã kiệt sức sau nỗ lực cuối cùng”. Truyện kết thúc bằng hình ảnh “Bốn đứa con gái run rẩy kiếm tìm một chút hơi thở trên cái hình người đó. Tiếng khóc của chúng như từ một nơi nào đó rất xa vọng lại... Người đàn bà vẫn đang bay trên đôi cánh tự do. Phía trên kia, trời xanh trong như nước mắt…”. Tác phẩm nói về nỗi đau của người phụ nữ trong những gia đình “chồng chúa vợ tôi”.       

 

Bên cạnh những phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp toàn diện, cũng có nhiều phụ nữ băn khoăn đứng trước sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, nhưng điều đáng quý là cuối cùng các nhân vật đều hướng thiện. Người Đàn bà nhẹ dạ vì ghen tuông đã làm lật thuyền để hại tình địch, nhưng rồi chính chị là người cứu cô gái ấy khỏi chết đuối. Một cô gái giang hồ đã nhận tiền của kẻ xấu để thực hiện âm mưu hủy hoại thanh danh một cảnh sát, nhưng rồi cô nhận ra rằng tình yêu có thật trong cuộc sống này. Người đàn bà trong Tinh mơ thức giấc muốn trả thù đời, truyền căn bệnh thế kỷ cho người đàn ông mới quen. Nhưng cô đã biết dừng lại trước lúc trượt vào tội lỗi, khi nghĩ đến vợ con anh ta…

 

Xét về mặt nghệ thuật, cây bút Phương Trà viết truyện khá nghề. Bố cục câu chuyện thường không theo trật tự lớp lang mà tản mạn. Tác giả buộc người đọc phải chắp vá các tình tiết để tạo ra một cốt truyện hoàn chỉnh giống như trò chơi ghép hình. Chẳng hạn chuyện điều tra vụ án chồng giết vợ rồi dựng hiện trường giả trong Không dấu vết. Tác giả dùng thủ pháp che giấu bí mật, kết thúc truyện thường gây bất ngờ cho bạn đọc như trong Giấc mơ ban ngày, Sông không trở lại… Nhưng tiêu biểu hơn cả là truyện Rừng thao thức gió, từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn nhân dịp kỷ niệm 395 năm Phú Yên. Tuy không ưa “gã ngụy quân ngụy quyền” nhưng vì lòng trắc ẩn, cô Mận vẫn cho anh ta ở nhờ nhà mình. Hóa ra anh ta không phải đi tìm trầm mà tìm hài cốt của một liệt sĩ cách mạng - người vì cứu anh ta mà phải vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng. Ông Bảy An, người có đứa con trai duy nhất tham gia kháng chiến rồi mãi mãi không trở về, vậy mà vẫn cho một người lính của chế độ cũ “ăn nhờ ở đậu”. Hiểu và cảm thông với những nỗi đau, những mất mát do chiến tranh, họ khép lại quá khứ, cùng nhau vun đắp tương lai. Cách kết thúc có hậu như thế đã nâng cao tầm tư tưởng và giá trị nhân văn của tác phẩm.

 

Phương Trà cũng có nhiều sáng tạo trong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật. Nhiều câu văn giàu ẩn ý, góp phần diễn tả thêm sâu sắc những ngóc ngách tâm hồn của nữ giới: “Cơn mưa ngoài kia ngừng lại khi con ngốc tôi chợt hiểu điều người ấy muốn nói. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy những chiếc lá đang hết mình xanh” (Giấc mơ ban ngày). Biện pháp nhân hóa được sử dụng khá nhiều làm cho những vật vô tri vô giác cũng có tâm tính như con người: “Bóng tối trùm xuống công viên. Hàng trăm ngọn đèn như hàng trăm con mắt liếc về phía người đàn bà, dò xét”, “Con đường vắng cong lên trong cái nắng gắt gỏng”… Phương ngữ Phú Yên cũng xuất hiện nhiều, có tác dụng tạo không khí truyện. Nhiều chỗ, lời của tác giả và lời nhân vật hòa vào nhau rất nhuần nhuyễn: “Người ta tính, tre đó bây giờ tiền không. Chị nói tiền mà làm chi, chủ yếu là giữ đất. Chu cha, người thì không giữ được lo giữ đất để làm gì. Chị cười, ừ hén. Cười mà trong mắt như có khói” (Mùa gió nam).

 

Nhìn chung, nỗi niềm của người phụ nữ đã được thể hiện khá thành công trong Giấc mơ ban ngày. Với tập truyện này, Phương Trà đã góp thêm một gương mặt đầy nữ tính trong làng văn xuôi Phú Yên.

———————————

(*) Tập truyện ngắn Giấc mơ ban ngày của Phương Trà - NXB Hội nhà văn, H. 2009 

 

PHẠM NGỌC HIỀN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek