Chủ Nhật, 06/10/2024 17:29 CH
Người góp công chấn hưng âm nhạc dân tộc
Thứ Ba, 04/08/2009 07:05 SA

Trước tình trạng nhiều ca khúc dành cho giới trẻ có lời lẽ sáo rỗng, nhạt nhẽo, nhiều người tỏ ra lo lắng, đổ lỗi cho thị hiếu tầm thường của khán giả. Còn nhạc sĩ Thao Giang nghĩ rằng phải làm sao để thanh niên không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống. Đó cũng là lý do để ông và một số người giàu tâm huyết với âm nhạc truyền thống thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

 

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KHÓ KHĂN

 

Nhac-si.090804.jpg

Nhạc sĩ Thao Giang

Ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Thao Giang trong khuôn viên đình Hào Nam, nơi nhân dân cho mượn để hoạt động, tôi nhận thấy ông và người đồng nghiệp của mình - giáo sư Phạm Minh Khang - rất lạc quan. Dù kinh phí hoạt động của trung tâm rất eo hẹp, nhưng các ông vẫn đi các tỉnh sưu tầm nghiên cứu, giảng dạy học sinh và được các em học sinh tin tưởng. Sau khi nảy sinh ý nghĩ táo bạo, nhạc sĩ Thao Giang đã nhờ Báo Thanh Niên đăng tin, tuyển người học miễn phí những dòng âm nhạc truyền thống. Ban đầu, ông rất lo chẳng có ai đến học dù dạy miễn phí. Nhưng không ngờ có hơn 100 người đến đăng ký học, chủ yếu là thanh niên. Nhạc sĩ Thao Giang nghĩ rằng, hóa ra lớp trẻ không quay lưng với âm nhạc truyền thống. Họ vẫn yêu thích, chỉ có điều người ta chưa “bắt mạch” được thôi. Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được thành lập từ năm 2005. Theo nhạc sĩ Thao Giang, các ông đã làm đúng, đi đúng hướng. Trung tâm có ba nhiệm vụ chính: sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc giới thiệu; dàn dựng, biểu diễn; đào tạo và truyền dạy. Tiêu chí mà Thao Giang và những người đồng nghiệp của ông đặt ra là: Cụ thể hóa tôn chỉ, mục đích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Bên cạnh Thao Giang có những Thanh Ngoan, Minh Khang, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Văn Ty… hết mực ủng hộ, giúp đỡ. Sau đó là những người học trò sớm bộc lộ tài năng, có tâm huyết khiến ông vững tin hơn. Như thế, đủ để động viên Thao Giang tiếp tục dấn bước. Những ngày đầu thành lập trung tâm, khó khăn trăm bề: thiếu địa điểm, kinh phí, nhân sự, chỉ có mỗi… quyết tâm. Chật vật lắm mới xin được giấy phép thành lập, nhưng thành lập xong thì chẳng có địa điểm nên trung tâm ở nhờ trong… gara ôtô của một cơ quan. Năm 2007, không ai cho ở nhờ nữa, họ đi thuê địa điểm với giá 2 triệu đồng/tháng và cũng chỉ trụ nổi tám tháng. Tháng 8/2008, giáo sư Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang lại đi tìm địa điểm mới cho trung tâm. Họ được người dân cho mượn đình Hào Nam để hoạt động.

 

Điều mà trung tâm làm được, là đã khôi phục loại hình hát xẩm có nguy cơ thất truyền, khôi phục và tổ chức được ngày giỗ tổ nghề xẩm, đào tạo thế hệ trẻ... Theo nhạc sĩ Thao Giang, lễ giỗ tổ được phục dựng theo đúng nghi thức và trình tự như lời kể của các cụ già, có sự giám sát và cố vấn của các nhà nghiên cứu. Trình tự các nghi thức hầu như đã được tái hiện đầy đủ, gồm lễ dâng hương với tiền trống hậu chiêng, dâng văn bàn thờ, trình tấu những bài ca, làn điệu cơ bản của nghệ thuật xẩm và vinh danh những người làm nghề. Trung tâm đã tìm được gần 100 nghệ nhân ca trù, xẩm, chầu văn, trống quân, đồng thời đào tạo hàng trăm học sinh có năng khiếu, có triển vọng và yêu nghệ thuật truyền thống.

 

CÁI TÂM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ

 

Thao Giang quê ở Thanh Oai - Hà Nội, học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) từ năm 1958 rồi được giữ lại làm công tác giảng dạy sau mười năm rèn giũa. Ông cũng có nhiều thời gian ra nước ngoài học hàm thụ, biểu diễn giao lưu để học hỏi kinh nghiệm.

 

Theo nhạc sĩ Thao Giang, loại hình âm nhạc truyền thống rất riêng của Hà Nội là xẩm tàu điện. Xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc, sau đó xẩm tàu điện tham dự một liên hoan dân ca toàn quốc và gây được chú ý. Càng tìm hiểu xẩm và điệu tàu điện, Thao Giang càng đam mê. Có lẽ vì yêu xẩm mà hơn hai chục năm trước, nhạc sĩ Thao Giang đã bỏ cả cương vị Phó khoa Âm nhạc truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội để dồn sức nghiên cứu mong có ngày chấn hưng xẩm.

 

Hiện nay, công việc sưu tầm, nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nhạc sĩ Thao Giang dường như đã giao phó mình cho công việc này rồi. Ông dùng lương ở Học viện Âm nhạc làm kinh phí đi đường. Mấy năm trời làm việc ở trung tâm, chẳng bao giờ ông nghĩ đến chuyện tiền lương, hơn thế ông còn phải bỏ tiền túi ra để trung tâm hoạt động. Các học trò rất kính nể một người thầy như thế.

 

Chương trình Hà thành 36 phố phường vào các tối thứ bảy trên phố Hàng Đào - chợ Đồng Xuân ngày một phong phú, có thêm nhiều gương mặt trẻ. Bốn năm qua, hoạt động liên tục là một nỗ lực không ngừng của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, trong đó có đóng góp to lớn của Thao Giang. Gánh xẩm vì thế có tên “Gánh xẩm Thao Giang”. Khi tôi hỏi, khán giả đến với “Gánh xẩm Thao Giang” thế nào, ông nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên vì khán giả đến ngày một đông, đặc biệt là giới trẻ. Người ta cứ nói công chúng quay lưng với nghệ thuật cổ truyền nhưng tôi thấy không phải vậy. Quan trọng là phải biểu diễn làm sao cho người ta không thấy chán. 70 học viên trong lớp học đầu tiên của chúng tôi đã ra trường và lớp kế cận vẫn đang say sưa học”. Tôi biết, chỉ có ít người nhưng trung tâm vẫn hoạt động tốt, các buổi dạy và trình diễn vẫn đảm bảo chất lượng. Được như vậy là nhờ tất cả các thành viên đều nhiệt tình, tâm huyết.

 

 Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Thao Giang làm phó giám đốc đã “khai sinh” giải thưởng âm nhạc mang tên ông tổ nghề xẩm Trần Quốc Đĩnh. Thao Giang nói: “Hiện tại, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản âm nhạc dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, trong khi kết quả của những người làm công tác này rất ít được người dân biết đến. Lập ra giải thưởng, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần khích lệ những người hết mình vì âm nhạc truyền thống và công chúng biết đến những đóng góp của họ”.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek