Thứ Hai, 07/10/2024 04:24 SA
Họa sĩ Phạm Cung:
Tận tụy một đời bên phái đẹp
Thứ Sáu, 24/04/2009 19:00 CH

Họa sĩ Phạm Cung đang hoàn tất loạt tranh vẽ “minh họa” các thiên truyện thơ như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm… và một tác phẩm “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh của nhà thơ Phạm Thiên Thư để  mừng sinh nhật 75 của ông. Loạt tranh này ông tốn hai năm ròng để vừa đọc lại tác phẩm vừa tư duy ra sắc màu.

 

hs-090423.jpg

Họa sĩ Phạm Cung

Ông già tự nhận mình “sói  đầu cười chuyện nhân  gian” Phạm Cung sinh ra ở Quảng Ngãi, học mỹ thuật ở Sài Gòn nhưng nửa chừng thì thôi học đi vẽ tự do theo “cái gu” thẩm mỹ rất riêng. Tranh của ông như nhiều người nhận xét mang phong cách dân gian hiện đại. Thoạt nhìn tranh của Phạm Cung, dù vẽ bằng sơn dầu nhưng dễ lầm tưởng là tranh lụa. Còn ông nói: “Tranh của tôi theo trường phái bán cổ điển”. Và bây giờ ông “minh họa” lại những tác phẩm văn học xưa cũng nằm trong dòng chảy bán cổ điển mà ông đã đuổi bắt hết một đời.

 

Những tác phẩm văn học trên dày cộm, do vậy Phạm Cung chỉ vẽ mỗi tác phẩm thành 6 bức tranh. Ông cho biết: “Tôi chỉ vẽ tượng trưng chứ không thể sắc màu hóa hoàn toàn các câu thơ”. Riêng Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, ông vẽ bằng 6 câu thơ: “Một mình trước ngọn đèn khuya/ Sẵn đây ta thắp một vài nén hương/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ/ Cũng may dây cát được nhờ bóng cây/ Chàng Vương quen mặt ra chào/ Bốn dây như khóc như than. Những nhân vật trong Kiều được Phạm Cung cho mặc trang phục nhà Minh, vì rằng Nguyễn Du mở đầu Kiều: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Và như văn học sử thừa nhận, Truyện Kiều của Nguyễn Du được phỏng tác từ Đoạn trường tân thanh của Tàu. Nhưng đến tác phẩm “hậu Kiều” của Phạm Thiên Thư thì “ông già sói đầu” lại vẽ với một nhãn quan cực kỳ khác. Ở đó nhân vật Từ Hải không còn chỉn chu “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” mà… đội mũ phớt, áo phanh ngực. Bởi trong Đoạn trường vô thanh, Phạm Thiên Thư tả tính cách họ Từ: “Trơ trơ lưng thẳng nghênh đầu/ Rằng: Tà - Chính để mai sau sẽ bàn” hoặc “Tưởng khi cờ cuộn mây vương/ Thành cao ném một ngọn thương san bằng”.

 

tranh-090423.jpg

Một số tác phẩm của họa sĩ Phạm Cung  - Nguồn: TN

 

Họa sĩ Phạm Cung nói mình “minh họa” vì theo quan niệm của ông, “minh họa” là làm “sáng tỏ thêm” những gì ngôn từ không nói hết. Những họa phẩm của Phạm Cung từ ngày ông bắt đầu cầm cọ đến hôm nay đều tuân thủ một nguyên tắc: Làm cho cái đẹp càng đẹp hơn. Khi nhắc lại trường phái bán cổ điển trước mặt ông, ông cười tươi rói nói vui: “Tôi theo phái đẹp thì có chứ không theo trường phái nào hết”. Trong “kho tranh” của Phạm Cung, nhiều nhất vẫn là tranh vẽ người đẹp ở mọi tư thế, mọi góc cạnh. Phạm Cung “gừng càng già càng cay”, cũng như người đẹp dẫu đang âu sầu cũng đẹp. Nhiều lần Phạm Cung nói: “Thế giới mà thiếu người đẹp thì tôi chết mất”. Và tất nhiên, vắng bóng người đẹp thì không thể có chất xúc tác để “ông già” vẽ tranh ca ngợi nhan sắc. Kiều và các nhân vật nữ trong các truyện thơ lần này cũng vậy, đó là những “người yêu” mà Phạm Cung hằng ngày mộng tưởng.

 

Cũng xin nói thêm, triển lãm sắp tới của Phạm Cung không chỉ có người đẹp mà còn có tượng. Đó là tượng những người bạn thân thiết của ông.

 

THANH KIỀU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek