Thứ Hai, 08/07/2024 06:08 SA
Về thăm Khu Lưu niệm Nguyễn Du
Chủ Nhật, 12/04/2009 14:21 CH

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân- Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều”- Nhà thơ Tố Hữu đã viết như vậy. Qua Nghi Xuân, không mấy ai không nhớ về Nguyễn Du, bởi đây chính là quê hương của đại thi hào dân tộc. Ngày nay về Nghi Xuân, chúng ta sẽ biết thêm được nhiều hơn về tác giả Truyện Kiều, nếu có dịp đến thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du.

 

tuong-dai-090411.jpg

Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du – Ảnh: H.NGỌC

Từ Hà Nội, chúng tôi vào Hà Tĩnh, qua thành phố Vinh, qua cầu Bến Thủy khoảng 200m, theo hướng dẫn của các đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh, rẽ  sang tay trái, xuôi theo đường hữu ngạn sông Lam chừng 5km là đến Khu di tích Nguyễn Tiên Điền, nơi đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới, tác giả kiệt tác Truyện Kiều an nghỉ ngàn thu.

 

Nhà báo Lê Hữu Quý- Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh và cán bộ ở Khu lưu niệm cho chúng tôi biết: Khu lưu niệm Nguyễn Du ngày nay tọa lạc trên khuôn viên của khu dinh thự xưa kia của dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

 

Ông tổ của họ Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Nhiệm, quê ở trấn Sơn Nam (Hà Tây) là người phò Mạc, chống lại Chúa Trịnh, nhưng bị thất bại. Từ Hà Tây, Nguyễn Nhiệm đi về phương Nam tìm vùng đất mới. Đến trấn Nghệ An, ông đi thuyền theo sông Lam, đến bến Giang Đình, chợt thấy nơi đây có thế đất hướng ra biển Đông, lưng dựa vào 99 ngọn núi Hồng cao ngất, có con sông xanh bắt nguồn từ núi Hồng uốn lượn chảy quanh trước khi hợp lưu với sông Lam, nên cho dựng trại khai khẩn. Vừa tổ chức sản xuất nông nghiệp, vừa bốc thuốc cứu dân, Nguyễn Nhiệm sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

 

Hàng trăm năm sau (đời thứ 6 và thứ 7), khi những hậu duệ của Nguyễn Nhiệm là Nguyễn Nghiễm, rồi tiếp đó là Nguyễn Khản làm đến chức tể tướng dưới triều Lê là giai đoạn dòng họ Nguyễn Tiên Điền phát triển hưng thịnh nhất. Khu bãi bồi, nơi mai danh ẩn tích của cụ tổ Nguyễn Nhiệm xưa kia, giờ trở thành dinh thự nguy nga của gia tộc họ Nguyễn. Một con đường cái quan dài 7 km được xây dựng nối liền từ đường Thiên Lý (quốc lộ số 1) đi về phía Đông dẫn về khu dinh thự.

 

Năm Tân Hợi (1791), khu dinh thự phồn hoa này bị tàn phá. Mãi đến những năm 40 của thế kỷ trước, khi Truyện Kiều trở thành tác phẩm bất hủ trên văn đàn và Nguyễn Du trở thành  Đại thi hào của dân tộc, Hội Khai trí Tiến Đức đã quyên tiền giao cho Nghè Mai, một hậu duệ của họ Nguyễn Tiên Điền và là thành viên của Hội Khai trí, chuyển ngôi nhà thờ trong vườn riêng của vợ chồng Nguyễn Du ra khu đất của gia tộc họ Nguyễn để các nho sĩ và nhân dân ngưỡng mộ Truyện Kiều đến thắp hương tưởng niệm nhà thơ.

 

Tháng 7/1953 thêm một trận bom tàn phá của máy bay thực dân Pháp, khu dinh thự vốn đã trở thành phế tích gần như bị xóa sổ, chỉ sót lại duy nhất đàn tế Nguyễn Quỳnh, 2 ngôi nhà Tư văn và nhà thờ Nguyễn Du.

 

Năm 1965, sau khi Hội đồng Hòa bình thế giới ra nghị quyết kỷ niệm 200 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du trên toàn thế giới, Khu lưu niệm Nguyễn Du được thành lập. Tuy nhiên, do giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh ác liệt nên trong khoảng 10 năm, từ 1965 đến 1975, khu di tích này vẫn chưa có điều kiện để nâng cấp, tôn tạo. Sau khi đất nước được thống nhất, mãi đến những năm 90 của thế kỷ nước, Khu lưu niệm Nguyễn Du mới từng bước được trùng tu, tôn tạo.

 

Sau đợt trùng tu, tôn tạo (2001-2004), trên khu lưu niệm, bên cạnh những di tích vốn có từ trước như: đền thờ Nguyễn Huệ (Anh cả của Nguyễn Nghiễm, bác ruột Nguyễn Du), mộ và đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du), nhà thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du) và khu mộ Nguyễn Du..., xuất hiện thêm công trình Trung tâm văn hóa Nguyễn Du mà nổi bật nhất là tượng Đại thi hào bằng đồng cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m; cùng hệ thống nhà trưng bày, thư viện, phòng hội thảo… Hiện nay, khu di tích có trên 2.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có trên 500 bản truyện Kiều xuất bản qua các thời đại với những cuốn thư pháp Truyện Kiều lớn nhất, dài nhất Việt Nam… Phòng trưng bày ở đây với 3 chủ đề chính: quê hương- dòng họ; thân thế- sự nghiệp Nguyễn Du; ảnh hưởng của Truyện Kiều đối nhân dân trong nước và thế giới sẽ  cho chúng ta có được một cảm nhận tổng quan về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

 

Tham-quan-090411.jpg
Tham quan Khu lưu niệm  Nguyễn Du  - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

Mộ Nguyễn Du cách khu lưu niệm khoảng 1km. Nguyễn Du mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820 tại Kinh đô Phú Xuân, thi hài được an táng ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến mùa hè năm Giáp Thân (1824), Nguyễn Ngũ, con trai Nguyễn Du chuyển hài cốt về  xứ Đồng Mái, sau lại di dời về xứ Đồng Thánh gắn với khu vườn lúc Nguyễn Du còn sống tại Tiên Điền. Gần 100 năm sau, con cháu cải táng đến xứ Đông Cùng, là vị trí ngôi mộ hiện nay.

 

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai dự án xây dựng Khu văn hóa Nguyễn Du theo hướng vật thể hóa và tạo hình hóa. Khu văn hóa Nguyễn Du sẽ tái tạo lại không gian xã hội thu nhỏ về Truyện Kiều- Nguyễn Du- Tiên Điền bởi những vườn, nhà, cụm tượng. Diện tích quy hoạch tổng thể của Khu văn hóa Nguyễn Du là  308 ha, nằm trong giới hạn của xã Tiên Điền và được cấu trúc bởi 6 không gian chính: Khu lưu niệm Nguyễn Du, không gian Truyện Kiều, không gian Nguyễn Du, không gian văn hóa Tiên Điền- Nghi Xuân, không gian cộng đồng làng Tiên Điền, không gian du lịch.

 

Xưa kia, Nguyễn Du từng tiên liệu rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân Khấp Tố Như”. Với Khu lưu niệm này, không phải đợi đến “tam bách dư niên hậu”, mà hiện nay ngày nào cũng có người đến đây, để viếng nhớ nhà thơ.

 

 

NGỌC NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek