Chủ Nhật, 06/10/2024 17:26 CH
Thắng tích Thạch Bi Sơn
Thứ Bảy, 28/03/2009 19:15 CH

Thạch Bi Sơn tức núi Đá Bia, là ngọn núi nổi tiếng ở Phú Yên, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là thắng cảnh quốc gia vào năm 2008. Nơi đây gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết đi liền với những nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Phú Yên. Trải qua các thời kỳ lịch sử, núi Đá Bia được biết đến với vai trò là cột mốc trong việc phân định ranh giới giữa các vùng lãnh thổ. Đây cũng là nơi ghi những dấu ấn trong quá trình mở rộng cương vực về phía nam của nước ta.

 

db5-0903258.jpg

Đỉnh Đá Bia trong mây - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

Núi Đá Bia gắn với sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử dân tộc vào thế kỷ XV, dưới triều đại nhà Lê. Đó là sự kiện vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc nam chinh đánh thành Chà Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định), mở rộng bờ cõi về phía nam vào năm 1471. Núi Đá Bia tồn tại cùng truyền thuyết nói rằng, sau chiến thắng tại Chà Bàn, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc bia vào khối đá lớn trên đỉnh núi này để phân định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Điều này, về sau được nhà sử học Lê Quý Đôn ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục như sau: “Núi Thạch Bi ở Phú Yên là chỗ tiên triều phân định địa giới với Chiêm Thành, núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển… Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất từ núi ấy trở về phía tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía bắc, mặt về phía nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất” (1). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng viết: Thế núi tròn và nhọn, đá đỉnh núi đứng sững, sắc đen. Tương truyền Thánh Tông nhà Lê vào nam đánh Chiêm Thành, mở đất đến đây. Trên vách đá cheo leo ở đỉnh núi, nhà vua sai mài sườn núi khắc chữ vào đá để làm chỗ chia giới mốc với Chiêm Thành…” (2)

 

Khi đơn vị hành chính phủ Phú Yên được thành lập vào năm 1611, dãy núi Đại Lãnh – Đá Bia chính thức trở thành ranh giới phía nam, và vùng đất Phú Yên trở thành phên dậu của quốc gia Đại Việt, bấy giờ thuộc xứ Đàng Trong dưới quyền của chúa Nguyễn. Trong lời căn dặn của Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung (năm 1613) với người con kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên khẳng định tầm quan trọng và tiềm lực của vùng đất Đàng Trong, có đề cập địa danh núi Đá Bia: “Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Thạch Bi Sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng…”(3)

 

Sau hơn 40 năm giữ vai trò là vùng đất biên viễn của Tổ quốc, đến năm 1653, khi hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (sau là tỉnh Khánh Hòa) được thành lập, thì dãy Đại Lãnh – Đá Bia trở thành ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa cho đến nay.

 

Vào cuối thế kỷ XIX, các nhà hàng hải người Pháp gọi khối đá trên đỉnh núi Đá Bia là Ngón Tay Chúa (Le Doigt de Dieu), vì đi ngoài biển nhìn vào, nó có hình thù như một ngón tay khổng lồ chỉ lên trời. Đó là mục tiêu để họ làm căn cứ cho tàu hoạt động trên biển. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mô tả núi Ngón Tay Chúa trong sách L’Indochine Grancaise như sau: “Đây, mỏm Va-re-la, núi cao và lớn, màu sẫm, kỳ dị với hòn đá dài và to ở trên đỉnh chỉ thẳng lên trời: Ngón Tay Chúa, mà từ chung quanh cách xa 20 dặm người ta có thể trông thấy. Đó là mũi đất xa nhất về hướng đông của bán đảo Đông Dương; nơi đây tàu Trung Hoa và Nhật Bản đến cập bến. Ban ngày mũi đất rất dễ nhận thấy, cái ngón tay là điểm mục tiêu không bao giờ nhầm…”(4)

 

db11-090328.jpg

Núi Đá Bia (ảnh lớn), chinh phục đỉnh Đá Bia (ảnh nhỏ)  - Ảnh: N.THẮNG

 

Núi Đá Bia còn có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của các thế hệ cư dân địa phương, trong cộng đồng người Chăm xưa và trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Phú Yên hiện nay. Hình tượng núi Đá Bia có mặt trong nhiều thi phẩm của các tác giả nổi tiếng ở địa phương và trong nước, trong những câu chuyện cổ, câu ca, câu hò,… ra đời và tồn tại trong dân gian, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, phản ánh về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Điều đó nói lên rằng, từ xa xưa, núi Đá Bia đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm thức của nhân dân và gắn bó với họ trong suốt quá trình đấu tranh với thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ mảnh đất quê hương cùng cuộc sống của họ trên mảnh đất ấy.

 

Bên cạnh những giá trị về lịch sử – văn hóa, núi Đá Bia là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, địa hình núi đa dạng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái được bảo tồn phong phú và liên tục tái sinh phát triển với nhiều loài động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Đỉnh núi Đá Bia là không gian lý tưởng để thưởng ngoạn phong cảnh. Đứng ở đây có thể hướng tầm nhìn về mọi phía để thu vào tầm mắt bức tranh phong cảnh hùng vĩ, bao gồm đầy đủ các yếu tố núi, sông, hồ, vịnh, ruộng đồng, làng mạc và phố phường bên bờ đại dương mênh mông. Chinh phục đỉnh núi Đá Bia là cơ hội để khám phá và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, đồng thời có thêm sự hiểu biết về đất nước và con người địa phương.

 

———

(1) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, trang 121.

(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, NXB Giáo Dục, 1998, trang 690-691.

(3) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Sử học, Hà Nội, 1962, trang 44

(4) Dẫn theo Võ Liệu, Núi Vọng Phu và Bi Sơn, Tạp chí Giáo dục phổ thông, số 44 ngày 15/8/1959, trang 37-38.

 

NGUYỄN HỮU AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek