Thứ Hai, 07/10/2024 00:33 SA
Ý tưởng về “Dấu chân những người đi mở cõi”
Chủ Nhật, 08/03/2009 14:30 CH

Với hàng trăm bức tượng danh nhân, chính khách, nghệ sĩ cùng nhiều vườn tượng độc đáo ở Đà Nẵng, Gò Vấp, Đà Lạt..., nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nổi tiếng và được ngưỡng mộ từ ý tưởng đến phương thức thể hiện. Ông đang ấp ủ ý tưởng dựng tượng danh nhân Lương Văn Chánh, vị “Thành Hoàng” của đất Phú Yên.

 

pham-van-Hang-4.jpg

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - Ảnh: D.T.X

 

Hai năm trước, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng nhà điêu khắc Lê Hiệp về Phú Yên dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm liệt sĩ trên núi Nhạn. Ông được lãnh đạo tỉnh trao đổi về việc Phú Yên sắp tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm (1611-2011) và việc dựng tượng danh nhân Lương Văn Chánh, người đã thừa lệnh Chúa Nguyễn đưa quân lính, cả gia đình đồng thời chiêu mộ lưu dân vào khai phá, mở mang bờ cõi phía Nam lúc bấy giờ, nay là vùng châu thổ sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên. Tuy chưa chính thức nhận lời nhưng hai năm qua, trong tất bật công việc, hễ có dịp là ông về Tuy Hòa để quan sát, ghi nhận, chụp ảnh, đo đạc… rồi đem về nghiền ngẫm.

 

TỪ CHÂN DUNG MỘT CON NGƯỜI

 

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nói, trong những ngày làm tượng Tả quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định rồi làm tượng Hoàng đế Quang Trung, ông không có nhiều thuận lợi như khi dự định làm tượng danh nhân Lương Văn Chánh, vì các vị trên đều ở trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, hậu duệ đã bị mai một nhiều, thậm chí không còn ai. Việc tìm một nét chung để thể hiện sự gần gũi về dung mạo giữa con cháu với bậc tiền nhân rất khó khăn. Trường hợp danh nhân Lương Văn Chánh lại khác. Con cháu ông còn rất đông, ở quây quần với nhau và giữ gìn được những bản sắc của cha ông. Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc này, con người, dù là cùng dòng tộc thì sau 400 năm với những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội… không thể không có những thay đổi về hình thể, chiều cao... Ông đã chụp hàng trăm bức ảnh chân dung những người họ Lương để tìm một nét chung, nhưng vẫn chưa ưng ý. Ông nhận định: Ông Lương Văn Chánh là người cầm quân, chắc chắn phải học võ, vậy không thể là người ốm yếu. Là người điều khiển dân phu đào mương, đắp đập, phá đá, mở đường, mà thời ấy chỉ có nói to hoặc la thật to để mọi người cùng nghe lệnh (chứ đâu có loa như bây giờ), vậy nên ông Lương Văn Chánh phải là người có lồng ngực nở nang, vóc dáng vạm vỡ. Là người làm quan ở vùng đất mới, sương lam chướng khí, thú dữ đe dọa bốn bề, với gánh nặng đè trên vai cả dân, cả lính, cả gia đình riêng mang theo nên nét mặt ông Lương Văn Chánh phải hằn bao nỗi lo toan chứ không thể như các võ quan khác. Từ những phân tích trên, theo ông, khắc họa được chân dung một bậc văn võ toàn tài như ông Lương Văn Chánh không phải công việc có thể làm trong một sớm một chiều.

 

dang-le-vat.jpg

Dâng lễ vật tại đền Lương Văn Chánh -Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

 

ĐẾN “DẤU CHÂN NHỮNG NGƯỜI ĐI MỞ CÕI”

 

Đến khai phá vùng đất Phú Yên, bên cạnh ông Lương Văn Chánh còn có nhân dân. Phải làm sao ghi nhận được công lao của nhân dân trong suốt 400 năm qua liên tục cùng góp sức làm nên một vùng đất Phú Yên tươi đẹp này. Vậy là cùng với ý tưởng dựng tượng danh nhân Lương Văn Chánh, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cũng nghĩ đến việc thực hiện một vườn tượng (vốn là sở trường của ông) với những bước chân liên tục từ ngàn xưa cho đến mai sau. Ông nói, Phú Yên có rất nhiều đá. Trong những ngày đến đây, ông nhận thấy vùng Hảo Sơn, đèo Cả có vô vàn khối đá lớn, nhỏ đủ kích cỡ. Không quá tốn kém để có thể tạc những bàn chân khổng lồ cỡ một mét, hai mét, ba mét trên những khối đá nặng vài ba chục tấn đặt trong vườn tượng mang tên Bước chân những người đi mở cõi. Giọng ông bỗng trầm tư: Tôi nghĩ, bao nhiêu thế hệ tiền nhân vô danh lẫn hữu danh đã đặt chân trên đất này. Công lao của nhân dân chân cứng đá mềm đi chinh phục, mở cõi cũng xứng đáng được tôn vinh cùng với các bậc vĩ nhân. Tượng sẽ không cao lắm, trẻ con có thể leo lên được, và vô tư nô đùa trên đó. Cứ tưởng tượng cảnh trẻ con được nằm gọn trong bước chân ôm ấp của cha ông mà cảm thấy ấm áp. Tượng sẽ rất gần gũi với nhân dân chứ không cách biệt, xa vời.

 

Vấn đề mà nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng quan tâm nhất là từ nay đến lễ kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên không còn xa. Ông sẽ không còn nhiều thời gian, nếu bắt tay thực hiện.

  

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã làm những tượng đài hoành tráng ở Đà Nẵng, quê hương ông, như tượng đài Mẹ dũng sĩ, chất liệu gò hàn đồng, cao 12m và Đài tưởng niệm bằng bê tông đá, cao 45m; Đài tưởng niệm bên sông Thạch Hãn bằng inox, cao 12m ở Quảng Trị; tượng đài Tấm lòng mẹ bằng bê tông, cao 3m ở Cà Mau, tượng Alexandre de Rhodé, Alexandre Yersin, tượng Hoàng đế Quang Trung…

 

DƯƠNG THANH XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek