Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật tạo hình đã tạo nên một môi trường văn học nghệ thuật phát triển đa dạng và đặc sắc, tạo nên những điểm nhấn độc đáo cho Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh.
Những “viên gạch” vững chắc
Sau nhiều ngày hào hứng tập luyện, các thành viên CLB Dân ca Quan họ thôn Tân An (xã Ea Bar) xúng xính áo tứ thân, ngũ thân bước lên sân khấu biểu diễn bài quan họ cổ Khách đến chơi nhà - Mời nước mời trầu.
Cùng với tiết mục của CLB Hát then thôn Tân Lập (xã Ea Ly) và phần biểu diễn của những CLB khác, các liền anh liền chị chân quê đã làm nên một chương trình văn nghệ đa sắc màu văn hóa chào mừng Đại hội lần thứ IV Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh.
Bà Hoàng Thị Nguyệt, 75 tuổi, Chủ nhiệm CLB Dân ca Quan họ thôn Tân An cho biết CLB được thành lập cách đây 20 năm, hiện có hơn 20 thành viên, hầu hết là người Bắc Ninh, Bắc Giang di cư vào Sông Hinh lập nghiệp. Họ gắn kết với nhau bởi niềm đam mê dân ca quan họ và mong muốn chung tay gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trên quê hương thứ hai.
Dù đã có tuổi, các liền anh liền chị vẫn hát dân ca quan họ rất ngọt và đầy cảm xúc. Khi có người thắc mắc là lời hát được thu sẵn hay sao mà ngọt ngào đến vậy, bà Nguyệt tỏ vẻ phật ý: “Chúng tôi đã luyện tập và hát trực tiếp trên sân khấu đấy chứ! Sáng biểu diễn, tối hôm trước các em vẫn đi cạo mủ cao su”.
Với CLB Hát then thôn Tân Lập, tiết mục Tính then nơi đầu nguồn biểu diễn tại đại hội là kết quả sau nửa tháng cùng nhau tập luyện. Bà Lương Thị Hỷ, người Tày, Chủ nhiệm CLB Hát then thôn Tân Lập chia sẻ: “Ban ngày ai cũng đi làm, đến tối mới rảnh, chúng tôi tranh thủ tập khoảng 2 tiếng. Chúng tôi đam mê vì đó là bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Và sau một ngày lao động mệt nhọc, mình đi tập cho thoải mái tinh thần. Các chị em trong CLB rất nhiệt tình và đoàn kết”. CLB Hát then thôn Tân Lập ra đời vào năm 2014, hiện có hơn 10 thành viên.
Ngoài hai CLB kể trên, Sông Hinh còn có những sân chơi đã đóng góp tích cực vào phong trào, hoạt động của hội văn học nghệ thuật địa phương, như CLB Dân ca Hương Quê thôn Tân An, CLB Âm nhạc truyền thống buôn Ly (xã Ea Trol), CLB Mỹ thuật, CLB Dân ca thị trấn Hai Riêng...
Được thành lập vào năm 2017, CLB Mỹ thuật là một điểm sáng ở loại hình nghệ thuật thị giác. Họa sĩ Lê Thăng Long, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật cho hay: CLB có 7 thành viên. Anh em đều tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, gặp nhau bởi niềm đam mê nghệ thuật nên thành lập CLB để đóng góp vào phong trào hoạt động văn học nghệ thuật chung của huyện.
Mới đây, tại Đại hội lần thứ IV Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh, 6 CLB kể trên được Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh khen thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động văn học nghệ thuật, giai đoạn 2019-2024. Đây là những tập thể nổi bật, tích cực góp phần tạo nên diện mạo riêng biệt, độc đáo cho “bức tranh” văn học nghệ thuật ở huyện miền núi Sông Hinh - nơi có 22 dân tộc anh em sinh sống.
Một “ngôi nhà văn học nghệ thuật” phát triển mạnh mẽ
Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh có 17 CLB, chi hội trực thuộc với 230 hội viên. Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các hoạt động văn học nghệ thuật đã phục vụ tốt sự nghiệp phát triển KT-XH, AN-QP của địa phương.
Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của quê hương Sông Hinh, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc...
Hoạt động của các hội văn học nghệ thuật nói chung và hội văn học nghệ thuật cấp huyện nói riêng có điểm chung là vừa phát triển phong trào (bề rộng) vừa phát triển chiều sâu về chuyên môn. Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh đã có sự phát triển bề rộng với 230 hội viên đang sinh hoạt tại 17 CLB, chi hội chuyên ngành. Về chuyên môn - chiều sâu, hội có những nhân tố tích cực từ CLB Mỹ thuật, từ các chuyên ngành Văn học, Âm nhạc, đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Đây là điều đáng trân trọng. Hội được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện nên hoạt động luôn khởi sắc. Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên |
Ông Phan Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh cho biết: “Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù có những khó khăn nhất định do đại dịch COVID-19 nhưng các CLB trực thuộc, các chi hội, hội viên đều rất tâm huyết, nhiệt tình, năng động, đoàn kết, đam mê, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. thoáng đông về khắc khoải phía mây xa… Hội Văn học Nghệ thuật huyện đã có những đóng góp tích cực trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Hinh lần thứ IX, các kế hoạch, nhiệm vụ hằng năm của UBND huyện; xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật huyện nhà”.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, nguyên Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên cảm nhận: Tại Sông Hinh, hoạt động nghệ thuật thính giác và thị giác rất phong phú. Về nghệ thuật của thính giác, Sông Hinh có hơn chục CLB mang sắc màu văn hóa của 22 dân tộc anh em sống trên vùng đất này, từ văn hóa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên đến văn hóa của các dân tộc bản địa. Về nghệ thuật thị giác, Sông Hinh có CLB Mỹ thuật tập hợp các họa sĩ trẻ được đào tạo rất bài bản. Họ thổi hồn miền núi vào những tác phẩm của mình. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật tạo hình đã tạo nên một môi trường văn học nghệ thuật phát triển đa dạng và đặc sắc, tạo nên những điểm nhấn độc đáo cho Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh, khác biệt với những hội văn học nghệ thuật ở các địa phương khác trong tỉnh.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên nói rằng các CLB được thành lập từ khá sớm, hoạt động rất hiệu quả, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. “Các CLB này đóng vai trò như nền móng vững chắc để xây dựng nên một “ngôi nhà văn học nghệ thuật” phát triển mạnh mẽ, đa sắc màu tại Sông Hinh. Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật huyện có tầm nhìn và phát huy tốt thế mạnh này. Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh đã phát huy được di sản văn hóa bao đời truyền lại”, nhà văn Trần Quốc Cưỡng nhận xét.
YÊN LAN