Thứ Tư, 04/12/2024 15:24 CH
Khám phá thành Cổ Loa - kinh đô nhà nước Âu Lạc
Chủ Nhật, 01/12/2024 10:01 SA

Rước kiệu ở lễ hội Cổ Loa. Ảnh: thanhcoloa.vn

Thành Cổ Loa còn có tên là Loa Thành, tọa lạc tại huyện Đông Anh, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20km. Thành Cổ Loa gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây Loa Thành và chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Tòa thành được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, là kinh đô của nhà nước Âu Lạc.

 

Pháo đài quân sự

 

Cổ Loa là tòa thành có quy mô cấu trúc thuộc loại lớn và độc đáo nhất nước ta. Khu tòa thành có diện tích khoảng 500ha, bên trong có 60 di tích cổ, trong đó có 7 di tích được xếp hạng quốc gia; thành Cổ Loa là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (2012). Bên cạnh đó, nơi đây đang bảo tồn một hệ thống di sản phi vật thể gồm các tập tục, lễ hội dân gian giàu bản sắc.

 

Cổ Loa có vị trí quan trọng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ, nằm ở tả ngạn sông Hoàng, là nhánh lớn của sông Hồng nối liền với sông Cầu; một vùng đồng bằng trù phú. Khi xây dựng, người Việt đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo chiều cao của các gò đồi, các con sông, các bức tường thành uốn lượn theo địa hình.

 

Theo quốc lộ 3 lên Thái Nguyên, đến km17 có con đường rẽ vào thành Cổ Loa. Từ xa ta đã nhìn thấy những tường thành cao lớn với màu xanh cây lá giữa đồng chiêm xen giữa các vực sâu và đầm lầy. Nước từ các đầm hồ tạo thành một con sông nhỏ, gọi là sông Vàng dẫn ra đầm Cả, rồi xòe ra bao lấy quanh thành.

 

Giếng Ngọc nằm giữa hồ Bán Nguyệt và ngay cửa đền vua An Dương Vương. Ảnh: thanhcoloa.vn

 

Theo sử sách, Cổ Loa có 9 vòng thành xây kiểu xoắn trôn ốc, nhưng nay chỉ còn lại 3 vòng thành gọi là thành nội, thành trung và thành ngoại.

 

Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt rộng 6-12m, chân thành rộng 20-30m, thành có chu vi 1.650m với diện tích 2km2 . Trên 4 mặt tường thành có 18 ụ đất nhô cao gọi là “hỏa hồi”, thành chỉ có một cửa mở về phía Nam.

 

Thành trung là những đoạn thành uốn lượn nối liền các gò đất tự nhiên thành một dãy tường thành khép kín, dài 6.500m, thành cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m; có 4 cửa mở ra ngoài ở các hướng đông, bắc, tây bắc và tây nam.

 

Thành ngoại cũng là thành đất, nối các gò đất tự nhiên lại với nhau, uốn lượn có độ dài tới 8.000m, cao trung bình 3-4m, có nơi cao tới 8m.

 

Nhìn chung thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào sâu đến đó, thành đắp đến đâu lũy xây đến đó. Mặt ngoài thành dốc thẳng đứng, mặt trong thoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Tổng khối lượng đất đào, đắp ước khoảng 2,2 triệu m3.

 

Cổ Loa được biết đến là một trong những đô thị đầu tiên trong lịch sử nước ta, là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Với việc phân bổ khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một minh chứng về sự phân hóa xã hội bắt đầu có giai cấp. Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật trong kiến trúc và xây dựng đô thị.

 

Kiến trúc và lễ hội

 

Bên cầu Vực, trên nền quán Ba, năm 1959 khai quật một khu vực có mũi tên đồng, gần đó là di chỉ Bãi Mèn và di chỉ Đồng Vông; sông Vàng còn có tên là sông Hoàng Giang, nay đã có cầu bê tông bắc qua và con đường đi vào nội thành.

 

 

Cổ Loa được biết đến là một trong những đô thị đầu tiên trong lịch sử nước ta, là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Với việc phân bổ khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một minh chứng về sự phân hóa xã hội bắt đầu có giai cấp. Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật trong kiến trúc và xây dựng đô thị.

 

 

Ở đầu cầu bên kia có giếng nước trong xanh bốn mùa, bên giếng nước có ngôi miếu cổ thờ thần Kim Quy (sứ giả của nước), người đã chỉ cho vua Thục cách xây xoắn ốc thành Cổ Loa. Nơi đây còn có cây đa, bên cạnh là chợ Sa họp 1 tháng 6 phiên. Đi qua khỏi chợ là thấy một cổng khắc dòng chữ Trấn Nam Môn (cửa phía Nam) vào nội thành.

 

Men theo tường thành đi vào xóm Chà, nơi tập trung một quần thể kiến trúc trải dài trên một mặt bằng rộng lớn. Dưới tán lá xanh của cây đa nghìn tuổi có ngôi đình tên là Ngự Triều Di Quy, nơi vua An Dương Vương thiết triều, gặp gỡ quần thần, đã được trùng tu 2 lần vào các năm 1687 và 1907.

 

Qua gốc cây đa nghìn tuổi là am Bà Chúa, nơi thờ Mỵ Châu, trong am có hòn đá hình dáng người phụ nữ không có đầu, biểu tượng hình công chúa Mỵ Châu bị vua cha trừng phạt.

 

Đi vào bên trái là đến đền thượng, nơi thờ An Dương Vương. Đây là quần thể kiến trúc được xây dựng trên quả đồi trông xuống giếng Ngọc (còn gọi là giếng Trọng Thủy). Theo huyền thoại thì tại đây oan hồn Mỵ Châu đã dìm chết người chồng phản phúc; lại có một thuyết khác, khi Mỵ Châu bị cha giết trôi ra biển Đông, loài trai ăn phải máu của nàng, ai lấy được ngọc trai ấy đem về rửa tại giếng nước này thì ngọc sẽ tỏa sáng long lanh.

 

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía Bắc. Ảnh: thanhcoloa.vn

 

Cổng đền Thượng xây bằng gạch kiểu tam quan, có gác cao, cửa gỗ, hai bên bậc dẫn có tay vịn bằng đá chạm rồng. Theo văn bia thì đền được tạo dựng năm 1687, trong đền có tượng vua Thục ngồi trong ngai lớn, hai bên có 2 con ngựa chầu bằng gỗ sơn son, bên cạnh là cây nỏ lớn, biểu tượng chống ngoại xâm. Hằng năm đền chỉ mở cửa một lần vào dịp hội từ ngày mùng 6 đến 15 tháng Giêng.

 

Theo lệ làng, ngày hội, trai làng từ 18 tuổi trở lên đều phải góp cỗ thờ, cỗ làng làm xong rồi rước ra đền An Dương Vương. Cỗ làng phải có bánh chay và bánh khảo, để tưởng nhớ món lương khô của người lính bảo vệ kinh thành nhà nước Âu Lạc năm xưa. Ngày mùng 8, đám rước cỗ được cử hành trang trọng từ đền ra đình có đội múa vòng, đội trống và phường bát âm đi cùng rất long trọng và hoành tráng.

 

Có một cuộc rước khác nhưng là lễ chính trong ngày hội, đó là lễ rước vua sống. Lễ này có sự tích khi An Dương Vương xây Loa Thành thường bị ma quái phá hỏng, yêu quái trú tại làng Nhồi, nhờ có Trấn Thiên Huyền Vũ phù hộ mới xây nên thành. Dân làng Nhồi lập đền thờ, vua Thục thường tới đây bái tạ.

 

Lễ hội rước vua sống, hội làng chọn một trai làng có đức, có tài và sống thanh khiết, vào hội ông mặc triều phục, ngồi trên kiệu, phía sau có nỏ thần, khi rước ra đến đền Nhồi thì vua xuống bái tạ. Đoàn hành lễ gồm có dân các làng được bố trí theo thứ tự.

 

Thành Cổ Loa có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, thể hiện sức sáng tạo và trình độ kiến trúc của người Việt cổ. Ngày nay, Loa Thành là điểm tham quan hấp dẫn của người dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek