Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, như tuồng, bài chòi, đờn ca tài tử... đối mặt với không ít thách thức.
Mới đây, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống quy tụ nhiều nghệ nhân dân ca, bài chòi, hò bá trạo, đờn ca tài tử của tỉnh tham gia. Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, nhất là giới trẻ, giúp họ có cơ hội tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung và Phú Yên nói riêng.
Từ tình yêu và đam mê
Phú Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật bài chòi nên loại hình nghệ thuật này chiếm thời lượng đáng kể trong chương trình.
Làng quê náo nức hân hoan/ Gái trai dạo bước thong dong ra... ngoài/ Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Đình làng mở hội lắm người chơi đông/ Gái trai đón tết vui xuân/ Bà con ta đứng từ trong cho tới ngoài lắng mà nghe/ Lắng nghe anh hiệu hô thai/ Củ điều tứ cẳng đến con bài Thất vung... Những câu thai cách tân giới thiệu về con bài Thất vung trong tiết mục Về xứ Nẫu đi đánh bài chòi của nghệ nhân Bình Thảng đã dẫn dắt và đưa khán giả vào không gian nghệ thuật bài chòi đặc sắc.
Không chỉ bài chòi mà nghệ thuật đờn ca tài tử với những bài ca vọng cổ: Tiếng tơ lòng người xứ Nẫu, Về Phú Yên, Em gái miền Trung; rồi hoạt cảnh hò bá trạo do các nghệ nhân Phú Yên biểu diễn cũng thực sự trở thành món ăn tinh thần quý giá sưởi ấm mọi người trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể góp một chút công sức gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Đây là cơ hội để những người như tôi có thể đưa nghệ thuật bài chòi cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đến gần hơn với mọi người, nhất là giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo, gìn giữ từ bao đời nay”, Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Minh (Tuấn Minh) thổ lộ.
Bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, từ tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân trẻ cũng đã thể hiện khá thành công vai diễn, tiết mục của mình, được khán giả tán thưởng bằng những tràng pháo tay. Chị Võ Thị Minh Thư bày tỏ: “Các buổi biểu diễn tại Nhà văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa) nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam luôn chật kín khán giả. Đó là động lực tiếp thêm đam mê và nhiệt huyết cho tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân, theo đuổi nghệ thuật bài chòi”.
Em Nguyễn Hoàng Phong, học sinh lớp 10A Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tâm đắc: “Đến với chương trình nghệ thuật truyền thống, em không chỉ được nghe mà còn được tận mắt nhìn thấy, chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp trong mỗi câu hát. Từ câu thai, điệu hô bài chòi đến điệu múa dân gian hò bá trạo đều là những di sản quý báu được ông cha ta sáng tạo, đúc kết từ xa xưa, để lại cho đời”.
Lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh cho biết: Chương trình nghệ thuật truyền thống kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam được thực hiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống.
Cũng theo ông Lê Trung Hiền, nhiều năm qua, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được “đưa xuống phố”, tổ chức biểu diễn định kỳ ở một số địa điểm trên địa bàn TP Tuy Hòa. Đây là cách làm mới mẻ nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, giúp loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả. “Chương trình nghệ thuật truyền thống đã và đang từng bước thu hút khán giả, điều này khẳng định sức sống văn hóa dân tộc. Từ nghệ thuật biểu diễn, khán giả trong nước và quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc các thế hệ đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử dân tộc”, ông Hiền chia sẻ.
Nghệ thuật truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ, đi sâu vào tâm thức của Nhân dân, có sức sống mãnh liệt, lan tỏa và trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, được cộng đồng và người dân bảo tồn, từng bước phát huy giá trị của nó.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại, đại diện Sở VHTT&DL cho biết, sở sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng các chuyên đề biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Giới thiệu, hướng dẫn, giảng dạy nghệ thuật truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh; tổ chức trình diễn nghệ thuật truyền thống; đề xuất thêm chương trình biểu diễn giao lưu các CLB nghệ thuật truyền thống trong và ngoài tỉnh... Từ đó gây dựng và đẩy mạnh phong trào hoạt động nghệ thuật truyền thống của các địa phương trong tỉnh.
THIÊN LÝ