Thứ Bảy, 05/10/2024 02:25 SA
Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trưởng đoàn khai quật di tích Thành Hồ:
Bất ngờ về kỹ thuật xây dựng Thành Hồ
Thứ Ba, 09/12/2008 19:30 CH

Nhiều phát hiện mới tại khu di tích Thành Hồ (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) khiến các nhà nghiên cứu của trung ương cũng như ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên bất ngờ về cách xây dựng thành. Báo Phú Yên đã phỏng vấn tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trưởng đoàn khai quật di tích Thành Hồ chung quanh vấn đề trên.

 

phat-hien-081209.jpg

Phát lộ đường đi trong Thành Hồ – Ảnh: K.CHI

 

* Ông nhận xét gì về kiến trúc Thành Hồ và những hiện vật vừa được tìm thấy tại di tích?

 

- Quần thể dấu tích kiến trúc và hơn trăm ngàn hiện vật vừa tìm thấy tại di tích đã cho thấy lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài của nền văn hóa Chămpa.

 

Trên diện tích khai quật gần 500m2 với 10 hố, chúng tôi phát hiện rất nhiều hiện vật có giá trị. Thành Hồ có từ lúc nào, chấm dứt lúc nào? Năm xây dựng đầu tiên? Kiến trúc bên trong? Cấu trúc của thành? Đó là những câu hỏi khó trả lời. Chúng tôi chụp ảnh Thành Hồ qua vệ tinh bằng những thiết bị hiện đại và từ đó cũng đã trả lời được nhiều nghi vấn. Trong đợt khai quật này, may mắn lớn nhất là tìm thấy được một chiếc bình.

 

Căn cứ vào loại hình, có thể xác định được niên đại để biết chính xác hơn. Qua đợt khai quật, chúng tôi phát hiện một số kiến trúc có dấu ấn của Ấn Độ giáo khá sớm, ví dụ như máng nước thiêng làm bằng gạch. Trong thành có máng nước thiêng, trên bậc cao, ngay trên đỉnh Hòn Mốc có cái tháp, chứng tỏ tháp xây dựng muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ XII, còn thành có sớm hơn rất nhiều. Bên kia sông cũng có tháp bà. Hai thế đối xứng, tôi cho rằng đó là cách để giữ thành, canh giữ sông Đà Rằng, giữ mặt đường thủy. Họ chỉ canh mặt phía bắc, phía nam là sông, không có đường thủy, phía tây là núi, tựa núi nhìn sông nên thế của Thành Hồ rất hay. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu nếu có điều kiện.

 

* Từ kết quả khai quật, ông có thể cho biết mối quan hệ giữa Thành Hồ với những di tích Chămpa  khác trong khu vực miền Trung?

 

- Đây là lần đầu tiên chúng tôi khai quật Thành Hồ. Tôi thấy Thành Hồ có mối quan hệ với các thành khác ở Bình Định. Lúc đầu tôi suy nghĩ, tại sao Thành Hồ lại không sử dụng đồ gốm Bình Định, vì gốm Chămpa Bình Định rất nổi tiếng. Nhưng khi phát hiện ra chiếc bình thì tôi thấy người Chăm tại Thành Hồ vẫn sử dụng gốm Bình Định hay ngói mặt hề. Điều đó cho thấy mối quan hệ của các nền văn hóa Chămpa, như trong lịch sử đã ghi... Các hiện vật đã chứng minh chúng có mối quan hệ chung trong khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ trước khi có tháp thì có những nơi để hành lễ; linga bằng thủy tinh có thể có mối quan hệ giữa Thành Hồ và Cát Tiên.

 

hay-Thang-081209.jpg

Tiến sĩ Đặng Văn Thắng kiểm tra hiện vật phát hiện tại di tích Thành Hồ – Ảnh: K.CHI

 

* Theo ông, cần làm gì để gìn giữ và phát huy các giá trị di tích Thành Hồ, hướng đến kỷ niệm 400 Phú Yên hình thành, phát triển và phục vụ cho năm du lịch quốc gia 2011?

 

- Trước hết, nên hạn chế việc xây dựng các công trình, đặc biệt không nên đụng đến những khu đất cao nhất trong thành, vì đó còn những di tích mà chúng ta chưa khai quật hết. Nếu xây dựng những công trình kiên cố trên đó thì sẽ ảnh hưởng đến di tích. Đồng thời, bảo vệ những phần đất mà dân đang ở để bảo quản di tích. Tốt nhất là nên khai quật toàn diện khu đất đó và biến thành khu du lịch vì theo tôi, Thành Hồ là một trong những thành hiếm về văn hóa Chămpa cổ, là thành đẹp, kiểu xây dựng thành như thế chắc sẽ bền vững. Không nên cho dân trồng trọt, khai thác bờ thành.

 

* Kết quả nổi bật của việc nghiên cứu và khai quật Thành Hồ là gì, thưa ông?

 

- Điểm đặc biệt nhất chính là chi tiết xây thành. Trong suốt quá trình khai quật, tôi không ngờ kiểu xây thành hay như thế. Việc sử dụng đá vôi là kỹ thuật mà tôi chưa thấy ở những thành khác. Họ kết hợp với đất sét để làm đất xây thành. Họ dùng đất sét dẻo quánh để tạo độ cứng nên thành rất bền vững. Họ còn tạo một lớp đất ở hai bên để bờ thành không bị xói lở, rất hay. Chúng ta đã rất kính nể kỹ thuật xây dựng tháp Chăm nhưng khi khai quật Thành Hồ, tôi càng kính nể hơn. Tôi đã trở lại thành Cổ Loa, thành Hồ ở Thanh Hóa để xem thử và so sánh cách xây dựng  giữa các thành. Tôi tin Thành Hồ tại Phú Yên sẽ bền vững với thời gian. Chính thành Cổ Loa chúng ta cũng đã giữ được đến bây giờ, tuy chỉ còn một số đoạn nhưng vẫn còn tốt. Vậy tại sao Thành Hồ với cách xây dựng độc đáo lại không bền vững hơn được?

 

* Xin cảm ơn ông!

KIM CHI (thực hiện)

 

              

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mạch nguồn dân ca chảy mãi
Chủ Nhật, 07/12/2008 14:34 CH
Báo chí phải viện dẫn nguồn tin sử dụng
Chủ Nhật, 07/12/2008 10:58 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek