Thứ Bảy, 05/10/2024 02:26 SA
Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3:
Thêm một cửa sổ được mở!
Thứ Ba, 09/12/2008 14:30 CH

Khó có thể đưa ra một cái nhìn toàn diện về những vấn đề được đưa ra trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội từ 5-7/12 bởi phạm vi của nó quá rộng. Có thể nói hội thảo lần này đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, trước cánh cửa hội nhập.

 

Hoi-thao-081209.jpg

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

LUÔN THIẾU THỜI GIAN

 

Chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần này có quy mô cực lớn. Có tới 18 tiểu ban được thành lập để thảo luận về tất cả các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam: Lịch sử truyền thống, Lịch sử hiện đại, Văn hóa Việt Nam, Giao lưu văn hóa, Kinh tế Việt Nam, Xã hội Việt Nam, Nông thôn-nông nghiệp Việt Nam, Đô thị và đô thị hóa, Ngôn ngữ và tiếng Việt, Văn học và nghệ thuật, Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, Quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước và khu vực, Các nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu Việt Nam và phương pháp khai thác, xử lý thông tin, Những vấn đề lý thuyết và phương pháp đào tạo Việt Nam học trên thế giới và Việt Nam, Những nghiên cứu tổng hợp về Thăng Long-Hà Nội, khu vực Nam Bộ và các khu vực khác của Việt Nam.

 

Sự tham dự của hơn 500 học giả trong nước và quốc tế, trong đó đa số là các phó giáo sư và giáo sư đầu ngành cho thấy quy mô và tầm cỡ của sự kiện đặc biệt này. Những vấn đề nghiên cứu đa dạng về Việt Nam học của cả các học giả trong nước, nước ngoài đã cung cấp cả những cái nhìn bên trong và bên ngoài về Việt Nam.

 

Mặc dù có tới 8 phiên họp diễn ra liên tục trong vòng 3 ngày nhưng chừng đó thời gian không đủ để các học giả thể hiện hết vấn đề mình quan tâm. Gần như ở tất cả các tiểu ban đều không thể giới thiệu hết được các tham luận các học giả đã đăng ký, phần trao đổi thảo luận luôn sôi nổi và rơi vào tình trạng thiếu thời gian bởi có quá nhiều vấn đề được đưa ra trong khuôn khổ mỗi phiên họp.

 

Rất nhiều kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học về nhiều vấn đề đã được đưa ra nhưng rất tiếc, nó mới chỉ được gói gọn trong khuôn khổ của cuộc hội thảo lần này. GS Phạm Tất Dong, trưởng tiểu ban Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nói: “Số báo cáo dự kiến thảo luận là 29 nhưng rất tiếc có 5 nhà khoa học xin vắng mặt nên chúng tôi chỉ thực hiện được 24 báo cáo. Tuy rằng rút bớt 5 tham luận nhưng thời gian báo cáo vẫn thiếu. Chúng tôi đánh giá các bài viết của các giáo sư trong nước và nước ngoài là những bài viết cẩn thận, là tư liệu cần để tham khảo. Thảo luận như vậy nhưng lại vắng bóng các nhà quản lý.

 

Chúng tôi mong muốn các ý kiến của chúng tôi sẽ được ban tổ chức chuyển đến các vị đó”. Điều đáng nói là thời gian dành cho thảo luận luôn chiếm phần nhiều ở mỗi tiểu ban và các nhà khoa học cũng không ngần ngại chất vấn nhau về những vấn đề gây tranh cãi.

 

HỌC GIẢ NGÀY CÀNG TRẺ HÓA

 

Là cuộc hội thảo quy tụ những nhà nghiên cứu về ngành Việt Nam học nên các học giả nước ngoài am hiểu về Việt Nam đa số đều nói rất tốt tiếng Việt. Chính vì thế, việc các học giả nước ngoài đọc tham luận vanh vách bằng tiếng Việt như vị tiến sĩ người Nga Sokolov Anatoli bàn về “Văn hóa Việt Nam: Toàn cầu hóa và thị trường” là hình ảnh thường thấy ở các tiểu ban.

 

Hội thảo lần này đã cho thấy một dấu hiệu mới là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các học giả trung niên và trẻ tuổi bên cạnh những “cây đa cây đề”. “Điều tôi muốn lưu ý trong hội thảo lần này, ít nhất là ở hai tiểu ban của tôi, là số học giả lớn tuổi rất ít. Nhưng điều rất đáng mừng là số học giả trung niên và đặc biệt là học giả trẻ tuổi chiếm ưu thế hoàn toàn. Họ có những báo cáo xuất sắc, nhiều tìm tòi và đề xuất mới mẻ. Điều này cho thấy bước tiến của ngành Việt Nam học, cho thấy sự ra đời và trưởng thành của một thế hệ trẻ tuổi nghiên cứu của Việt Nam”, GS Sử học Phan Huy Lê, đại diện cho tiểu ban Lịch sử truyền thống và hiện đại Việt Nam nói.

 

Chủ đề của Hội thảo Việt Nam học lần này là Việt Nam: hội nhập và phát triển. Do vậy, tiểu ban Giao lưu văn hóa cũng dành được sự chú ý đặc biệt với sự tham gia của hơn 100 báo cáo gửi đến. Nhiều khái niệm mới cũng đã được đưa ra như: toàn cầu hóa văn hóa đa tuyến và toàn cầu hóa văn hóa đơn tuyến mang màu sắc Mỹ hóa văn hóa thế giới.

 

“Gần như tất cả các ý kiến ở cả hai tiểu ban 3 và 4 đều có những bài tham luận đề cập trực tiếp đến vấn đề văn hóa Việt Nam trong vấn đề hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Gần như tất cả các ý kiến đều cho rằng bên cạnh vấn đề toàn cầu hóa nói chung mà thực chất là toàn cầu hóa về kinh tế, thế giới cũng đang diễn ra làn sóng toàn cầu hóa về văn hóa. Đó là thực tế không thể đảo ngược và Việt Nam nên chủ động hội nhập, chủ động đón nhận làn sóng toàn cầu hóa này” - GS Ngô Đức Thịnh, trưởng tiểu ban Văn hóa Việt Nam và Giao lưu văn hóa, nhận xét.

 

Ở tiểu ban Đô thị và Đô thị hóa, có học giả còn cho rằng đô thị Việt Nam phát triển thiếu lý luận đến mức có quá nhiều đô thị, quá nhiều quy hoạch dẫn đến rối loạn. GS Đỗ Thị Minh Đức, trưởng tiểu ban Đô thị và Đô thị hóa, nói: “Nhiều tác giả nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị ở các nước và đặt ra các vấn đề cho Việt Nam như giải quyết nạn quá tải ở các đô thị lớn, làm sao để kết hợp phát triển đô thị với nông thôn”. Chủ đề “nóng” rất được quan tâm tại cuộc hội thảo lần này là quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước trong khu vực.

 

Kết quả nghiên cứu về Việt Nam của các học giả trong - ngoài nước đã cùng nhau mở ra một cửa sổ để chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu biết toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam hòa nhập với thế giới.    

Theo VNN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mạch nguồn dân ca chảy mãi
Chủ Nhật, 07/12/2008 14:34 CH
Báo chí phải viện dẫn nguồn tin sử dụng
Chủ Nhật, 07/12/2008 10:58 SA
Phim cuối tuần: Trò chơi
Chủ Nhật, 07/12/2008 07:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek