Dành nhiều tình cảm cho con người và vùng đất Phú Yên, nhạc sĩ Đức Trịnh đã sáng tác một số ca khúc và nhạc múa đặc sắc về nơi này. Tác phẩm của ông góp phần để các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển mang về những tấm huy chương rực rỡ trong các sân chơi chuyên nghiệp toàn quốc.
Lần này trở lại xứ hoa vàng cỏ xanh, tác giả Miền xa thẳm, Nhà em ở lưng đồi, Ngược dòng Hương giang... nghĩ đến việc sáng tác một ca khúc có thể chạm đến trái tim của đông đảo người nghe, vượt ra khỏi địa phận Phú Yên, và ai cũng có thể hát được.
Bên lề tập huấn chuyên môn khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2024, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chia sẻ về lần trở lại Phú Yên của hội và của ông.
* Thưa nhạc sĩ, đây là lần đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tập huấn tại Phú Yên. Ban Chấp hành hội mong muốn điều gì qua hoạt động chuyên môn này?
- Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức tập huấn tại nhiều địa phương, nhưng ở Phú Yên thì đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức, dành cho các nhạc sĩ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Mục đích của hoạt động tập huấn là tạo cơ hội để các nhạc sĩ trau dồi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác khí nhạc và ca khúc.
Một thời gian dài sau khi được đào tạo, có thể các anh chị sẽ quên đi ít nhiều. Còn những người như tôi và anh Đỗ Hồng Quân - đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia, vì công việc nên thường xuyên trau dồi, nâng chuyên môn, kiến thức. Mặt khác, chúng tôi sống ở Thủ đô, có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với các nhạc sĩ quốc tế, việc trao đổi, cập nhật cũng dễ dàng hơn.
Chương trình tập huấn có những chuyên đề rất thiết thực đối với các nhạc sĩ trong khu vực. Anh Đỗ Hồng Quân (PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - PV) nói về nghệ thuật xây dựng và phát triển chủ đề trong sáng tác tác phẩm khí nhạc; tôi nói về nghệ thuật xây dựng và phát triển chủ đề trong sáng tác ca khúc; TS Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu Kế hoạch tổ chức các hoạt động 50 năm nền văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất.
Đặc biệt, chị Minh Châu (nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - PV) nói về việc ứng dụng công nghệ số trong âm nhạc, còn anh Mai Kiên nói về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc. Mục đích của chúng tôi là trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời hâm nóng lại sự sáng tạo đối với các nhạc sĩ.
Nhiều nhạc sĩ đến từ 13 tỉnh thành trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham gia tập huấn. Có thể sau đợt này sẽ có nhiều bài hát về Phú Yên ra đời.
* Ông đã sáng tác một số ca khúc, nhạc múa rất đặc sắc về Phú Yên. Từ những ấn tượng, cảm xúc nào mà một nhạc sĩ quê ở Bắc Giang, sống tại Hà Nội lại có những tác phẩm âm nhạc mang đậm hơi thở của vùng đất này, thưa nhạc sĩ?
- Tôi chơi thân với các bạn ở Phú Yên. Tôi lưu lại ở Phú Yên lâu nhất là trong 2 mùa giải Sao Mai, cách đây hơn 10 năm. Từ đấy tôi thân với các bạn làm nghệ thuật ở Phú Yên, đặc biệt là các Nghệ sĩ Nhân dân: Hữu Từ, Cao Hữu Nhạc, Thanh Hải. Tôi có một số học trò ở đây. Tôi được đưa đến nhiều nơi rất đẹp ở Phú Yên: đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Vũng Rô… Tôi có tình cảm đặc biệt với con người và mảnh đất Phú Yên. Theo tôi, Tuy Hòa có lẽ là một trong số rất ít nơi còn giữ được vẻ đẹp của thiên nhiên trong thành phố. Tuy Hòa có nhiều cây xanh; biển đẹp. Con người thì đáng yêu. Vì có nhiều tình cảm với Phú Yên nên có dịp là tôi đi Phú Yên chơi.
Tôi đã sáng tác mấy bài về Phú Yên, được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trao tặng thưởng. Ca khúc mới nhất mà tôi viết về Phú Yên là Gió hát bình minh. Sáng tác ca khúc để đi thi thì tác phẩm phải hoành tráng, sử dụng nhiều kỹ thuật, giúp ca sĩ bộc lộ khả năng của họ. Thế còn sáng tác ca khúc cho quần chúng nghe và để đi vào lòng quần chúng thì lại phải khác, cho nên mình cũng phải nghiên cứu. Tôi muốn Phú Yên sẽ có một bài hát vượt khỏi địa phận của tỉnh; người yêu nhạc ở những nơi khác cũng yêu thích và hát, như những bài hát về Huế, Hà Tĩnh, Thái Bình...
* Ông có điều gì cần lưu ý với các nhạc sĩ?
- Trong sáng tác ca khúc, đôi khi các nhạc sĩ ở những tỉnh ở xa trong khu vực ít chú ý đến việc phát triển chủ đề. Nếu không phát triển chủ đề mà cứ viết theo cảm xúc miên man thì người nghe sẽ không hiểu anh muốn nói về điều gì.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Đức Trịnh (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Trịnh) sinh năm 1957, giữ cương vị Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ năm 2009-2017. Ông được phong hàm thiếu tướng, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Từ năm 2010-2022, nhạc sĩ Đức Trịnh làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tháng 1/2022, ông được Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam bầu làm Chủ tịch hội.
Nhạc sĩ Đức Trịnh sáng tác nhiều ca khúc và khí nhạc. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2012.
Với Phú Yên, nhạc sĩ Đức Trịnh đã sáng tác các ca khúc: Dấu tích thời mở cõi, Gió Tuy Hòa, Gió trên Thạch Bi Sơn, Gió hát bình minh (lời: Lê Cảnh Nhạc)... và các tác phẩm nhạc múa. |
YÊN LAN (thực hiện)