Một tấm gương tốt, một gia đình hạnh phúc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người và xã hội là nơi thử thách, đánh giá sự trưởng thành của nhân cách đó. Cho nên, mỗi đứa trẻ nếu mỗi ngày thấy được những hành động làm gương trong gia đình thì sẽ học tập và noi theo, hình thành, phát triển nhân cách tốt.
Bác Hồ từng nói “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sáng”. Việc giáo dục trẻ thông qua các tấm gương là việc làm thiết thực. Hiện có rất nhiều biện pháp để giáo dục trẻ, một trong những biện pháp hữu hiệu trong gia đình chính là sự làm gương của người lớn, nhất là ông bà, cha mẹ.
Người lớn cần làm gương
Gia đình ông Võ Thành Nhơn (khu phố 1, phường 4, TP Tuy Hòa) gồm 3 thế hệ ông bà, cha mẹ và các cháu với 6 thành viên cùng sinh sống. Vậy nên sự hòa thuận và gương mẫu luôn được vợ chồng ông đặt lên hàng đầu. “Ngoài xã hội mình phải luôn gương mẫu, chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong công tác xã hội và các phong trào thiện nguyện.
Trong gia đình, vợ chồng tôi luôn đi đầu trong mọi việc, dạy con cháu cách sống lễ nghĩa để chúng nhìn vào mình mà làm theo. Từng thành viên trong gia đình tích cực tham gia các phong trào lớn do khu phố, phường phát động như: đóng góp Quỹ Vì người nghèo; hưởng ứng Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường; góp tiền mua gạo giúp đỡ người nghèo; vận động các thành viên gia đình, người thân và bà con khu phố ủng hộ tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên đán… Thông qua đó giáo dục con cháu biết sống vì cộng đồng, xã hội, sống thiện lương”, ông Nhơn chia sẻ.
Còn ông Huỳnh Văn Tánh, thương bệnh binh, cán bộ hưu trí ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa kể: “Để phát triển kinh tế gia đình, sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về trồng cây gây rừng, tôi đã vận động các hộ dân trong xã và xin phép chính quyền địa phương thành lập trang trại, tổ hợp tác. Lúc đầu có 21 hộ tham gia, đến nay phát triển lên 56 hộ. Theo đó, nhiều hộ từ nghèo khó đã ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả. Hiện tại trong tổ hợp tác không còn hộ nghèo”.
Qua 20 năm thành lập, 10 nhiệm kỳ ông Tánh được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác trang trại. Ở đó ông luôn tìm tòi, suy nghĩ những cách làm hay để hướng dẫn, tạo điều kiện, giúp đỡ bà con nắm bắt khoa học kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cây giống, con giống, cho bà con mượn hoặc đứng ra tín chấp cho bà con vay vốn. Con cháu thấy ông chí thú làm ăn nên noi theo, cùng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.
Thực tế cho thấy, trong gia đình, cha mẹ là người mà các con gần gũi nhất, có tình cảm nhiều nhất, đặc biệt cơ chế học tập của những đứa trẻ chủ yếu lại là bắt chước nên việc cha mẹ và những người lớn trong gia đình làm gương cho trẻ là việc hết sức cần thiết. Cha mẹ nên làm gương giúp cho con hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, người cao tuổi có vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình, nhất là khi họ còn tiếp tục làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương. Ông bà, cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong định hướng, giáo dục con cháu, động viên thế hệ trẻ phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với niềm tin phấn khởi tự hào và tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, nhiều người cao tuổi đã tích cực tham gia, phát triển kinh tế, là những điển hình tiên tiến, cần được phát triển, nhân rộng trong xã hội. Đó là những tấm gương sáng để học tập, soi chung.
Chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc
Theo các chuyên gia về gia đình, một gia đình thực sự hạnh phúc là khi có người làm gương về sự hiếu thảo đối với cha mẹ và những người lớn khác trong gia đình, họ hàng; làm gương về việc tự học tập của cha mẹ; làm gương về tinh thần tự giác rèn luyện thân thể; và cuối cùng là làm gương về lời nói, hành vi cử chỉ khi giao tiếp, ứng xử với người khác một cách chuẩn mực. Cha mẹ nên cho con tiếp xúc với nhiều tấm gương sáng trong dòng họ, thôn xóm hay có thể là những tấm gương được tìm thấy trong những cuốn sách.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL, để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững cần những chuẩn mực, những tấm gương để soi chiếu. Bộ VHTT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
“Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động người dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa gương mẫu tiêu biểu để định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái nhấn mạnh.
PHẠM THÙY