Cứ vào cuối năm, theo phong tục đã trở thành một nét văn hóa của dân tộc Việt, mọi người lại xôn xao lo tết. Trước hết là ra sức làm hết việc của năm cũ, kể cả là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, công việc kinh doanh của doanh nghiệp, đến chuyện đồng áng của nông dân và cả nợ nần cần thanh toán…
Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ |
Ai nấy đều cố hoàn thành mọi việc trước tết, để tết đến được nhẹ nhàng, thong thả vui chơi. Trong biết bao bộn bề đó, không nhà nào quên được chuyện hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ. Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ gia tiên thì mỗi họ tộc có một tụ họp, cùng đi sửa sang, tu bổ phần mộ của những người thân đã mất mà mỗi địa phương có từ gọi khác nhau như: tảo mộ, chạp mộ, quét mộ, giẫy mả…
Tôi từ những năm tháng lưu lạc tha phương, lòng đầy ắp hành trang xa xứ nhưng vẫn nhớ mãi không khí đầm ấm, thiêng liêng của ngày tết quê mình. Và không bao giờ tôi quên những ngày cận tết rong ruổi trên đường dài về quê tảo mộ. Có thể do bận rộn công việc, cuộc sống nên không ăn tết ở quê nhưng tôi luôn tranh thủ về tham gia cùng họ tộc đi viếng mộ ông bà cha mẹ, dọn dẹp cỏ rác, sửa sang phần mộ cho tươm tất.
Tôi xem đó là cái nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng kính trọng, thương nhớ đối với những người đã khuất. Để rồi thời khắc giao thừa thắp nén nhang thơm trên bàn thờ rước ông bà về ăn tết cùng con cháu và cảm nhận được rằng trong suốt cả năm cách biệt thì tết là những ngày thiêng liêng nhất để âm dương hòa hợp gia đạo trùng phùng, cầu mong tổ tiên, ông bà cha mẹ phù hộ cho con cháu sang năm mới bình an, khỏe mạnh, hanh thông…
Từ sáng sớm, những người già và trai tráng trong họ vác cuốc xẻng, chổi, khăn lau tập trung về nhà thờ họ rồi cùng nhau đi thăm mộ, vừa giẫy cỏ, vun mộ, quét dọn, lau bia đá, thắp nhang, vừa chuyện trò vui vẻ. Trong lúc đó, phụ nữ ở lại nhà thờ lo nấu nướng để chiều về cả họ cúng kính và chén chú chén anh kể những câu chuyện, những kỷ niệm vui buồn về những người đã từng một thời cùng nắng mưa, sương gió với họ trên cõi đời này.
Sau khi đi thắp nhang chung với họ tộc, gia đình nhỏ của tôi ngồi lại rất lâu bên mộ ba má. Tôi kể cho bọn trẻ nghe những kỷ niệm đáng nhớ về ông bà của chúng. Một bình hoa, một đĩa bánh trái và khói hương nghi ngút trước mộ ông bà trong buổi chiều cuối năm tĩnh mịch, lắng đọng, lòng tôi bồi hồi nhớ ba tôi vào một mùa tết năm xưa khi còn chiến tranh, ở căn cứ kháng chiến.
Tôi, một sinh viên từ vùng quê Tuy Hòa lên học ở Viện Đại học Đà Lạt vừa tuổi 20, từ ngoài thành vào ăn tết trong căn cứ và học một khóa phương thức hoạt động nội thành. Lớp chỉ một thầy, một trò. Hôm đó, một sĩ quan an ninh giảng cho tôi về cách quan sát, phát hiện và đối phó với tình báo mật vụ địch, có thể là trong đám bạn bè, cũng có thể là người đang tìm cách tiếp cận mình…
Chúng tôi ngồi trên sàn của căn lều trao đổi với nhau, ba tôi thì ngồi dưới đất nấu kẹo bằng sữa Ông Thọ với đậu phộng rang trên bếp than hồng ấm áp. Mùi sữa chiên, mùi cà phê lan tỏa thơm ngát. Ba tôi bảo: “Chú cháu mày làm việc đi, tao làm kẹo và chế cà phê phục vụ lớp học đây”. Bỗng “Ầm…”.
Một tiếng nổ rền vang, cây cối đổ ào ào, mảnh kim loại và cành cây văng đến tận nơi chúng tôi ngồi. Hai thầy trò nhảy vội xuống đất nằm úp tránh mảnh. Ba đứng thẳng lên nghe ngóng một lúc. Có tiếng chân chạy và tiếng vũ khí lách cách của lực lượng bảo vệ căn cứ. Ba nói: “Không có gì đâu, tiếp tục làm việc đi”. Và ông đi đâu đó một lúc. Khi quay lại, ba cười bảo: “Một con heo rừng to ủi phải nơi mình bố phòng. Sáng mai có thịt ăn tết rồi”.
Sau chiến tranh, dù công tác bận rộn nhưng tết năm nào ba cũng bảo tôi cùng về quê giỗ ông bà tổ tiên, đi thăm bà con nội ngoại, xóm làng. Ba xa quê hơn nửa thế kỷ nhưng lòng vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà thời trai trẻ ông từng gắn bó với cánh đồng lúa Tuy Hòa rộng mênh mông xa tít đến tận chân trời, với những trưa hè đồng trơ gốc rạ và trời xanh lồng lộng nghe con chim chiền chiện véo von trên cao. Ông thường tâm đắc mấy vần thơ:
Có con chim chiền chiện
Véo von giữa đỉnh trời
Từng giọt thánh thót rơi
Trong muôn ngàn hoa nắng
Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh có người khuyên ông nên chọn nghĩa trang cán bộ hoặc Đà Lạt hoặc Phú Yên làm nơi an nghỉ cuối cùng, ba cười móm mém: “Chết về với đất chứ đòi làm cán bộ nữa sao!” và dặn lại con cháu cho ông về nghĩa trang của dân dưới chân núi Phụng Nguyên, xã Hòa Trị nằm gần bà con lối xóm cho vui.
Ba vĩnh biệt vào mùa xuân 2019, đúng ngày ông cùng đồng đội tiến về giải phóng Đà Lạt 44 năm trước. Bạn bè, đồng đội một thời có mặt đông đủ tiễn ông về quê trong một chiều xuân trời trong xanh, dịu mát. Khi đoàn xe bắt đầu đổ đèo Khánh Vĩnh thì bất ngờ xuất hiện một đàn bướm vàng. Hàng triệu con bướm mùa xuân từ trong rừng túa ra bay theo đoàn xe nhuộm vàng cảnh trời chiều như lưu luyến trên cung đường đưa tiễn ba về. Đoàn xe phải chạy chậm lại để không làm hại đàn bướm đang vây quanh.
Còn má tôi thì phải xa chồng từ tuổi đôi mươi, thời son trẻ trôi đi trong chiến tranh, trong đợi chờ mòn mỏi. Đất nước trên 20 năm chia cắt là trên 20 cái tết má một thân một mình nuôi già dạy trẻ, tham gia công tác bí mật ở địa phương để mong mau đến ngày đoàn tụ. Sau khi trùng phùng, má vui vầy cùng con cháu ở Đà Lạt rồi Sài Gòn nhưng khi lâm bệnh thì đòi về quê. Những ngày còn đi lại được, con cháu đưa bà ra mộ ông và chỉ nơi bà sẽ nằm bên ông sau này, bà tươi cười, tỏ ra mãn nguyện lắm.
Vậy là cả ba lẫn má dù đã có nhiều năm đi khắp bốn phương trời, nhất là ông đã đặt chân đến không biết bao nhiêu miền quê, đã từng gắn bó với nhiều xứ sở, nhưng cuối cùng rồi vẫn muốn trở về quê hương đất Phú yêu thương như ông bà mình thường nói “Lá rụng về cội”.
Tết năm nay, lòng xôn xao khi tôi bước đi trong không gian êm đềm của mùa xuân đang về, trên con đường làng quen thuộc ngày xưa lũ trẻ vẫn tung tăng trong tà áo mới. Mùi khói hương quyện bên lũy tre làng, trong vườn nhà ai đã nở những bông hoa đỏ thắm. Chợt nghĩ: Tết năm xưa tôi về quê thăm mẹ và người con gái nơi phố thị Tuy Hòa. Tết năm nay tôi về thăm ba mẹ nơi nghĩa trang Phụng Nguyên. Chuyến về quê ngày xưa sôi nổi yêu thương, chuyến về quê ngày nay lắng đọng thương nhớ.
Từ nhà thờ họ vọng ra râm ran tiếng cười nói. Một mùa xuân mới đã về trên xóm nhỏ.
TRỌNG HOÀNG