Chủ Nhật, 24/11/2024 18:07 CH
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: Nhờ thơ kể chuyện đời mình
Chủ Nhật, 29/10/2023 10:00 SA

Bằng nghị lực và niềm say mê sáng tạo, nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân đã vượt lên di chứng sau đột quỵ. Trong vòng một năm rưỡi, ông ra mắt 3 tập sách, vẽ hàng ngàn tranh chân dung, tổ chức 3 triển lãm, đi đến gần 40 tỉnh thành trong nước. Tác giả Ăn tết trong rừng chó sói, Ký sự xuyên Việt, Tôi đi bán tôi... nói rằng ông quyết không để bệnh tật nhấn chìm và không muốn mình bị “bỏ rơi”.

 

Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, lớn lên tại Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, ông cùng gia đình trở về TP Hồ Chí Minh. Làm việc tại Báo Lao Động, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có những năm tháng rực rỡ trong nghề. Phóng sự của ông khiến độc giả lẫn đồng nghiệp say mê. Ông từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo, Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân cũng từng là giảng viên thỉnh giảng môn Phóng sự tại Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.

 

Tháng 6/2023, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký 40 năm đi, yêu và viết. Mới đây, ông có tập thơ với cái tựa không thể ngắn hơn: Tôi.

 

Báo Phú Yên trò chuyện với nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân về tập thơ Tôi và hành trình sáng tạo, vượt lên bệnh tật.

 

“Bản ngã luôn là yếu tố mãnh liệt nhất của tôi”

 

* Thưa nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, ông có thể chia sẻ đôi nét về tập thơ Tôi?

 

- 40 bài thơ trong tập thơ Tôi khái quát quãng đường khá đặc biệt của một người ngấp nghé cửa tử và đã vượt qua. Tôi gom những bài thơ có cùng chủ đề, in trong tập này để mai mốt, khi đọc lại, độc giả sẽ hình dung ra một Huỳnh Dũng Nhân của văn chương.

 

Tôi bắt đầu làm thơ từ lúc 13 tuổi, đến năm 15 tuổi đã có một số bài thơ về mẹ, trong đó có bài thơ Tạ ơn được phổ nhạc. Sau này, tôi viết nhiều bài thơ về gia đình, về những suy tư, trăn trở trước cuộc sống... Nghỉ hưu, tôi có thời gian cho chính mình.

 

Sau khi bị tai biến, tôi càng nghĩ về sự tồn tại, về việc phải vươn lên như thế nào. Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, nhiều người ra đi, tôi cảm nhận sự mong manh, đầy bất trắc trong cuộc sống. Và khi tất cả đã vượt qua, đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi làm thơ.

 

Những bài thơ trong tập Tôi phác thảo chân dung tôi bằng thơ.

 

Cái tôi là một đề tài rất sâu đậm, dữ dội ngay trong ta mà hình như nhiều người cầm bút chưa khai thác hết. Cả trong cuộc đời lẫn trong nghề cầm bút, bản ngã luôn là yếu tố mãnh liệt nhất của tôi. Tôi tự nhủ: Nếu không biết yêu thì mình sẽ không yêu được con người. Tôi cũng tự hứa với mình: Khi chào đời thì tôi khóc. Nhưng mai kia, khi chia tay cuộc đời tôi sẽ phải mỉm cười. Vì tôi đã được sống một cuộc đời ý nghĩa.

 

Tôi in tập thơ này, cho tôi.

 

Bìa tập thơ Tôi của nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: YÊN LAN

 

* Vậy, bức chân dung này khác như thế nào so với bức chân dung nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mà nhiều người từng biết?

 

- Bạn bè đồng nghiệp biết Huỳnh Dũng Nhân là một người đam mê công việc. Đam mê đi, đam mê viết, đam mê cống hiến. Làm báo là phục vụ, không phải cho mình. Sáng tác văn chương thì mới có chút gì đó cho mình. Tập thơ này nói về sự tồn tại của tôi trên cõi đời. Sau này, ai sẽ thấy một Huỳnh Dũng Nhân đầy tâm trạng? Không ai biết được nội tâm của mình, khó chia sẻ lắm! Cho nên tôi gửi gắm vào thơ, gom lại thành một tập thì bạn đọc sẽ cảm nhận được những trăn trở của mình với cuộc đời, và nhận ra chân dung một con người đầy nội tâm.

 

* Thơ là tiếng nói tâm hồn. Trong tập thơ Tôi, ông trải hết lòng mình hay vẫn còn... kìm nén?

 

- Tôi có nhiều trăn trở nhưng không dùng những câu chữ bi quan. Và quan điểm của tôi là mình giãi bày nhưng không làm cho người khác buồn.

 

“Muốn cống hiến thêm chút nữa”

 

* Sau khi nghỉ hưu, đặc biệt là sau biến cố về sức khỏe, ông như một ngọn lửa bùng cháy vượt lên bệnh tật, thử thách và càng yêu cuộc sống. Vẽ tranh, viết văn, làm thơ... có phải ông muốn khẳng định mình trên những con đường khác?

 

- Đúng vậy! Tôi đã làm báo liên tục 40 năm, mọi người biết tôi rồi. Nhưng việc viết văn thì bị cách quãng. Thật ra, khởi điểm của tôi là văn. Cuộc đời đưa đẩy, tôi trở thành nhà báo. Tôi cũng từng học vẽ từ bé. Hồi ấy, một trong ba ước mơ của tôi là trở thành họa sĩ. Tôi lớn lên trong cái nôi báo chí. Bố mẹ tôi làm việc tại Báo Nhân Dân, cả nhà sống trong khu tập thể của Báo Nhân Dân, ra ngõ gặp nhà báo. Thế nhưng trong ước mơ của tôi không có báo với văn.

 

Tôi nhớ mấy cô chú trong cơ quan bố mẹ tôi hỏi: “Lớn lên cháu thích làm gì?”. Tôi trả lời rằng cháu thích làm họa sĩ, đá bóng và lái xe. Từ bé tôi đã thích ô tô và đá bóng. Tôi đá bóng tốt, chỉ tội nhỏ con quá, nếu to con thì có khi đã đi theo con đường cầu thủ chuyên nghiệp.

 

Bài thơ đầu tiên tôi làm năm 13 tuổi, được đăng Báo Quảng Ninh; bức tranh đầu tiên tôi vẽ cũng vào năm 13 tuổi. Nhưng rồi tôi không theo được, cuối cùng lại trở thành nhà báo.

 

* Hội họa mang đến cho ông điều gì, thưa ông?

 

- Khi TP Hồ Chí Minh là tâm dịch COVID-19, tôi vẽ cho đỡ buồn, để bớt trầm cảm. Cứ ngồi lọ mọ vẽ. Ban đầu, tôi vẽ phong cảnh, tĩnh vật, sau đó vẽ chân dung vợ con, thấy cũng được rồi mới vẽ chân dung tặng bạn bè đồng nghiệp.

 

Lúc đầu tay yếu lắm, run rẩy. Ai cũng biết những bức tranh này là sản phẩm của một ông bị đột quỵ. Khi vẽ được một tí thì vui lắm. Có người khen nên tôi cố gắng luyện. Tại sao lại cố đến như thế? Một là để chiến thắng chính mình, hai là thực hiện được ước mơ từ thuở nhỏ.

 

Người ta khen thì mình vui, người ta chê thì mình tiếp tục cố gắng. Nhiều người bảo vẽ tốt đấy, tiến bộ đấy! Chất lượng còn phải bàn, nhưng đã thể hiện được thần thái của nhân vật. Mình tặng tranh, đem lại niềm vui cho bạn bè đồng nghiệp thì trong lòng cũng vui.

 

Tôi có tính liều, cái gì cũng liều. Vẽ như thế mà dám đem đi triển lãm. Tôi có 3 triển lãm tại Hà Nội rồi đấy!

 

* Còn những chuyến đi thì sao?

 

- Tôi đi để gặp lại bạn bè đồng nghiệp, gặp lại các nhân vật tại những nơi mình từng tác nghiệp. Tôi đi để cảm ơn, để hoài niệm và để viết tiếp. Tôi muốn cống hiến thêm chút nữa, trong quãng thời gian cuối đời.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek