Chủ Nhật, 16/06/2024 09:09 SA
Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Người kể Những đứa trẻ trong sương
Chủ Nhật, 30/07/2023 08:00 SA

Đạo diễn Hà Lệ Diễm (giữa) tại Liên hoan phim Tournai Ramdam 2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Với những giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương đã giúp nhà làm phim Hà Lệ Diễm trở thành gương mặt nhận được sự quan tâm, yêu thích của giới chuyên môn và khán giả. Nhân dịp đạo diễn Hà Lệ Diễm có chuyến công tác tại Phú Yên, chúng tôi có cuộc trò chuyện về hành trình làm phim và những dự định sắp tới của chị.

 

Làm phim cùng nhân vật

 

* Xin chào đạo diễn Hà Lệ Diễm! Trước tiên, xin chúc mừng thành công của bộ phim Những đứa trẻ trong sương trong thời gian vừa qua. Có thể thấy đây là bộ phim tài liệu đặc biệt, nhất là về thể loại. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

 

- Cảm ơn chị đã có lời chúc mừng bộ phim. Phim Những đứa trẻ trong sương được quay theo cách quay phim tài liệu trực tiếp, tức là quay những gì đang diễn ra và sắp diễn ra. Đoàn phim rất nhỏ gọn, thường là một người, cùng lắm là hai người, một người cầm máy quay, một người cầm thiết bị thu thanh. Trong quá trình quay, mình dựa rất nhiều vào hiện trường, vào nhân vật.

 

Thường những người làm phim tài liệu trực tiếp sẽ đi theo một hoặc hai nhân vật hoặc nhiều hơn. Họ sẽ có một câu chuyện cá nhân mà thông qua đấy, người xem có thể hiểu được về một vùng đất, một dân tộc, một đất nước. Tôi thích cách làm phim này vì cho mình nhiều không gian và thời gian với nhân vật của mình. Quan trọng nhất là người làm phim tài liệu phải chọn được địa điểm nên di chuyển, đứng ở đâu trong không gian của nhân vật để không làm phiền nhân vật.

 

* Vậy quá trình quay bộ phim diễn ra như thế nào?

 

- Khi quay Những đứa trẻ trong sương, tôi đi theo hành trình và câu chuyện của nhân vật Di từ lúc nhỏ cho đến khi trở thành một cô gái. Tôi quay mất 3 năm rưỡi, mỗi năm tôi lên Sa Pa 5-6 lần, mỗi lần ở lâu nhất là 1 tháng, nhưng quay ít thôi, tầm 7-8 lần, mỗi lần quay tầm một buổi. Hoặc là quay buổi sáng của Di, kết thúc một ngày của Di, hoặc quay Di làm một công việc gì đấy, quay Di trong mối quan hệ với mẹ, bạn bè, các bạn khác giới… Cách quay này kể được rõ nhất cá tính của con người đấy, nhân vật đấy.

 

Tôi muốn quay sự thay đổi của Di từ một cô bé trở thành người lớn, tôi sẽ có những suy đoán về sự thay đổi đấy. Tôi không có kịch bản mà chỉ có những gạch đầu dòng, những dự đoán các phần quay tiếp theo, ngay cả nhân vật cũng không biết. Di không biết mình sẽ bị kéo (tục kéo vợ - PV), và bị kéo thì không biết sẽ làm như thế nào. Mọi người hay bảo đây là kiểu quay không có kịch bản, có gì dựng nấy nhưng không phải như thế. Chúng tôi sẽ phải luôn trả lời câu hỏi tại sao mình muốn quay nhân vật này, muốn kể câu chuyện này.

 

* Các nhân vật của chị thể hiện như thế nào trước máy quay?

 

- Đối với người làm phim, chúng tôi luôn tin rằng nhân vật luôn biết là họ đang được quay phim, họ ý thức được và đóng góp cho bộ phim. Nhiều lần nhân vật gợi ý cho tôi về những phần quay tiếp theo. Nhiều khi tôi nảy ý tưởng và hỏi ý kiến, mọi người sẽ bảo nên làm thế nào, khi nào có thể quay.

 

Nhiều khi mọi người hiểu việc tôi xuất hiện với máy quay là tôi đang làm phim. Di cũng biết là đang quay phim, có thể đồng ý hoặc không cho quay. Tôi rất thích cách quay này. Tôi gọi đây là cách làm phim với nhân vật.

 

Đạo diễn Hà Lệ Diễm trong chuyến công tác tại Phú Yên mới đây. Ảnh: BÍCH DUYÊN

 

Cảm xúc của nhân vật là điều quan trọng nhất

 

* Trong Những đứa trẻ trong sương, câu chuyện chị muốn kể là về sự lớn lên của một cô bé, hay là về tục kéo vợ?

 

- Tôi muốn kể về sự thay đổi của một cô bé trong hành trình lớn lên từng ngày. Còn tục kéo vợ, nó xảy ra ngoài dự đoán của Di, và của tôi, làm cho câu chuyện thú vị hơn, kịch tính hơn.

 

Tôi không muốn mọi thứ được cắt nghĩa quá rõ ràng nhưng nhiều khi tôi phải lên tiếng để tránh ảnh hưởng đến nhân vật. Phim của tôi không phải là phim về tục kéo vợ, mà là phim về Di. Tôi chỉ kể những gì xảy ra với Di và làm thay đổi cô bé thôi. Kéo vợ là giọt nước làm tràn ly, khi xảy ra, nó bắt người con gái phải trưởng thành như một phụ nữ, phải nói sao cho tử tế, nói sao để nhà trai không cảm thấy bị xúc phạm, mà mình vẫn từ chối được người bạn trai rất yêu mình… Điều này rất khó, ngay cả đối với một người lớn.

 

* Có cơ hội tiếp xúc với nhiều bé gái khi đến Sa Pa, nhưng tại sao chị lại quyết định làm phim về Di?

 

- Di là một cô bé rất tò mò. Di tò mò lớn lên trông sẽ như thế nào nên Di đồng ý cho tôi quay. Không chỉ vậy, Di là một cô bé có thể cho mình bước vào nhiều thế giới khác nhau của cô bé, như Di trong mối quan hệ với bố mẹ, với cô giáo… Di cho phép mình bước vào thế giới đấy mà không ngại ngùng gì cả. Có máy quay hay không có máy quay, Di đều cư xử như nhau, khác với các bé gái khác. Ngay cả bố mẹ Di cũng là những người như thế. Họ rất thoải mái, thậm chí còn gợi ý cho tôi quay cái này, quay cái kia. Bố mẹ Di cũng không ngại nói ra ý kiến của mình. Mẹ Di ít nói do ít biết tiếng Việt nhưng cũng là người rất thích nói chuyện. Tôi thấy là được cả nhà luôn ấy! (cười).

 

* Khi quay Di, chị quan tâm đến điều gì nhất?

 

- Khi làm kiểu phim này, tôi quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của nhân vật. Bộ phim không quan trọng bằng tương lai và cảm xúc của nhân vật. Nhiều khi phải tìm hiểu xem trong thời điểm quay phim, điều gì quan trọng với nhân vật. Điều gì quan trọng với nhân vật thì quan trọng với bộ phim. Tôi phải luôn để ý điều gì quan trọng với Di. Cảm xúc của Di quan trọng hơn cả bộ phim. Xác định được điều đó, tôi cảm nhận và ý thức được rõ ràng mình phải quay cái gì.

 

Không muốn tự giới hạn chính mình

 

* Bộ phim tài liệu đầu tay Con đi trường học từng đạt giải Cánh diều bạc 2013 khi chị chỉ mới 23 tuổi là câu chuyện về người dân tộc thiểu số. Những đứa trẻ trong sương cũng vậy. Vậy đây có phải là đề tài chị theo đuổi không?

 

- Quả thật, vùng núi yên tĩnh thuận lợi cho việc quay phim. Tôi cũng luôn thích những câu chuyện về phụ nữ và trẻ em, và đó luôn là ưu tiên số một của tôi. Nhưng nếu một ngày tôi gặp một người LGBT, một cụ già… mà họ có câu chuyện hay, mình nhất định phải kể thì tôi vẫn sẽ kể. Với câu chuyện của chị Ngoan (Con đi trường học), tôi cảm thấy mình nhất định phải kể và tôi đã kể.

 

* Dự định sắp tới, chị sẽ kể những câu chuyện nào tiếp theo?

 

- Hiện tại tôi vẫn đang tìm kiếm, khảo sát đề tài. Tôi đi khắp nơi. Tôi cũng không định sẵn mình sẽ kể câu chuyện gì. Tôi giữ cho mình như vậy để không tự giới hạn mình.

 

* Cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ những điều thú vị về hành trình làm phim của mình. Chúc chị tiếp tục gặt hái nhiều thành công!

 

Đạo diễn Hà Lệ Diễm, người dân tộc Tày, sinh năm 1992, quê tỉnh Bắc Kạn. Chị tốt nghiệp khoa Báo chí - Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó học làm phim tài liệu và quyết định đi theo con đường làm phim tài liệu độc lập.

 

Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) đã đạt 34 giải thưởng quốc tế. Đây cũng là bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách rút gọn Oscar 2023 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

 

BÍCH DUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek