Mê đắm đờn ca tài tử và cải lương, ông lặn lội đường xa tầm sư học nhạc. Đi qua thăng trầm, ông trở thành người truyền lửa cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật vừa mang tính bác học vừa rất gần gũi. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính.
Lặn lội đường xa tầm sư học nhạc
Thuở nhỏ, tâm hồn cậu bé Thanh Kính lay động mỗi khi nghe bà hát ru, hát dân ca bài chòi. Lớn lên một chút, cậu say mê đờn ca tài tử, cải lương. Ngày đó, cha ông Thanh Kính - cụ Phan Khúc - là nhạc công ở đoàn tuồng Phước Thành nổi tiếng của Chánh ca Chạn (cụ Nguyễn Dương). Trước khi biểu diễn những vở tuồng kinh điển, gánh hát của Chánh ca Chạn biểu diễn đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương... lúc đầu giờ. Trong khi cha chơi trống, đờn cò, cậu bé Thanh Kính đứng bên cánh gà sân khấu, kéo micro và chờ lượm thẻ. Những câu hát mềm mượt, ngọt ngào thấm vào trái tim cậu. Vì vậy, sau những buổi học, sau những buổi đi bán cà rem, cậu tranh thủ học ca. Các con của Chánh ca Chạn là bà Nguyễn Thị Tâm, ông Nguyễn Hữu Phước, ông Nguyễn Hữu Thành, bà Nguyễn Thị Bạch Én... là những người thầy của Thanh Kính.
Theo cha rong ruổi cùng gánh hát của Chánh ca Chạn, thi thoảng cậu bé Thanh Kính được lên sân khấu. Đó là lúc gánh hát cần người đóng vai trẻ nhỏ, và cậu được chọn để biểu diễn. Vai Tấn Lực trong trích đoạn cải lương Nghi Xuân - Tấn Lực được ông diễn năm 12-13 tuổi và ông nhớ đến tận bây giờ!
Đất nước thống nhất, cha con ông Thanh Kính trở về quê nhà ở Hòa Phong (huyện Tây Hòa). Niềm đam mê đờn ca tài tử, cải lương tưởng chừng chìm lấp trong cuộc mưu sinh của một gia đình nông dân trên mấy sào ruộng. Nhưng niềm đam mê đó như ngọn lửa âm ỉ cháy, dẫu bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền. Năm 1988, từ Hòa Phong, ông Thanh Kính cọc cạch đạp xe xuống phường 2, TX Tuy Hòa, tìm đến nhà nghệ nhân Mai Hoàng để học cổ nhạc. “Hồi đó đường sá xấu lắm. Có những hôm học xong, trên đường đi về thì xe đạp bị xẹp lốp, nửa đêm mới về tới nhà”, ông Thanh Kính nhớ lại. Nhưng quãng đường hơn 20 cây số không làm ông nản lòng. Càng học, ông càng nhận ra biển kiến thức đờn ca tài tử, cải lương thật mênh mông!
Năm 2000, ông Thanh Kính khăn gói vô Nam học cổ nhạc. “Sau khi học thầy Bốn Hoàng (nghệ nhân Mai Hoàng - PV), tôi vô Nam học thầy Đặng Long ở Bình Thuận, thầy Phạm Ngọc Phú và cô Cao Thị Thắng ở Bình Dương, thầy Hai Vĩnh và thầy Huỳnh Khải ở TP Hồ Chí Minh. Vô trong đó tôi bán trái cây, bán vé số, giữ xe... để có tiền trang trải cuộc sống. Thầy cô truyền dạy cho tôi bằng tất cả tâm huyết và không có tiền bạc gì”, ông Phan Thanh Kính kể lại.
Những người dạy ông Thanh Kính đều đã được tặng các danh hiệu cao quý. Ông Mai Hoàng được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; ông Đặng Long là Nghệ nhân Nhân dân; ông Hai Vĩnh, ông Phạm Ngọc Phú và vợ - bà Cao Thị Thắng - là Nghệ nhân Ưu tú; ông Huỳnh Khải là Nghệ sĩ Ưu tú.
Nghệ nhân Thanh Kính chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Cải lương vừa bình dân, lan tỏa trong cộng đồng lại vừa có tính bác học và rất phong phú. Kiến thức về cải lương, mình học, khám phá hoài vẫn chưa hết. Cải lương rất gần gũi, đi vào lòng người. Những làn điệu của cải lương mềm mượt và sâu lắng, hợp với tính cách người dân Nam Trung Bộ. Còn đờn ca tài tử là cái gốc của cải lương, càng học càng mê, vì thấy có nhiều điều để mình khám phá. Bài bản hát không bao giờ hết”. Ông Thanh Kính gắng học hỏi để có “vốn liếng” truyền lại cho lớp con cháu, cùng nhau gìn giữ đờn ca tài tử, gìn giữ cải lương. Ông thổ lộ: “Tôi nghèo cũng vì quá đam mê nghệ thuật. Nghèo về tiền bạc nhưng đạt được chút gì đó với nghệ thuật, cũng là niềm vui. Vui nhất là tôi được bà xã ủng hộ hết mình”.
Bà Trần Thị Thu Hà, bạn đời của nghệ nhân Thanh Kính, là một người vợ thấu hiểu niềm đam mê lớn của chồng, nên hết lòng ủng hộ, nhất là khi ông xa nhà, tầm sư học nhạc. Đến năm 2009, ông Thanh Kính mới khép lại những chuyến rong ruổi, đi đi về về giữa Phú Yên và TP Hồ Chí Minh.
Trở về quê hương, ông chia sẻ lại những gì đã học được ở miền Nam để anh em nghệ nhân trao đổi, góp phần phát triển đờn ca tài tử ở Phú Yên. Ông vui vẻ cho biết: “Đến nay, đờn ca tài tử ở miền Nam chơi những gì thì tại Phú Yên cũng chơi được như họ”.
Mê đắm đờn ca tài tử, cải lương và có giọng ca rất ngọt, rất truyền cảm, ông Thanh Kính đã tham gia một số sân chơi, mang về giải thưởng. Năm 2011, ông tham gia Nhạc hội đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh, ca bài vọng cổ Ngược dòng do Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải soạn lời, đoạt huy chương đồng. Năm 2017, nghệ nhân Thanh Kính tham gia hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 2, tổ chức ở Bình Dương. Ông ca bài Không hề phôi pha gồm 21 câu ngũ đối hạ do Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải soạn lời, đoạt huy chương vàng.
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính tại trại sáng tác Văn học nghệ thuật năm 2023 ở Tam Đảo. Ảnh: YÊN LAN |
Truyền lửa
Không chỉ hát hay, nghệ nhân Thanh Kính còn viết lời bài bản nhạc tài tử và viết lời chặp cải lương (một mảng nhỏ trong tuồng tích cải lương, có thời lượng dưới 30 phút). Ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Nhạc cổ thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh. CLB có 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Ông cũng là chủ nhiệm CLB Đàn hát cải lương và dân ca bài chòi Mỹ Thạnh Trung 1. CLB này do ông tham mưu UBND xã Hòa Phong thành lập, hiện có 15-20 người tham gia sinh hoạt định kỳ tại trụ sở thôn. Đóng góp của nghệ nhân Phan Thanh Kính đã được Sở VH-TT&DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ghi nhận bằng những giấy khen, tặng thưởng.
Vợ và các con ông cũng tích cực tham gia CLB. Con gái của ông bà - chị Phan Thị Diễm Ái - chơi cổ nhạc, sử dụng đàn guitar phím lõm, còn chị Phan Thị Hoàng Ân là người dẫn chương trình.
Đáng nói là trong những năm qua, nghệ nhân Thanh Kính đã truyền dạy đờn ca tài tử, cải lương từ vỡ lòng đến nâng cao cho những người yêu thích các loại hình nghệ thuật này, ngoài ra ông còn tập hát dân ca bài chòi. Vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, ngôi nhà của gia đình ông ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong trở thành điểm hẹn của một số người mộ điệu. Những khi mùa màng xong xuôi, việc đồng áng đã ngơi thì có thêm người đến với lớp truyền dạy của ông. Nghệ nhân sinh năm 1956 chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi góp phần gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống”.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, việc truyền dạy cũng không bị gián đoạn. Từ giữa đến cuối năm 2021, ông dạy trực tuyến qua facebook.
Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên cảm nhận: “Anh Thanh Kính là một nông dân nghệ sĩ, vô cùng đam mê đờn ca tài tử, cải lương. Vì quá đam mê nên ảnh tìm thầy để học cho ra bài bản. Ảnh đã truyền lửa đam mê cho các con, cho những người trong thôn xóm, trong CLB”.
Ông Phan Thanh Kính được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019. Ông thổ lộ: “Vui lắm! Tôi đam mê từ nhỏ và phấn đấu học hỏi vì đam mê. Được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là động lực khích lệ để tôi tiếp tục đóng góp”.
YÊN LAN