Thứ Tư, 02/10/2024 13:24 CH
Nhà thơ Yến Lan - đi xa nên về muộn?
Chủ Nhật, 19/10/2008 15:00 CH

Yến Lan đến với Thơ mới rất sớm, không chỉ với một Bến My Lăng bất hủ. Nhưng tập Giếng loạn thất lạc khiến tầm vóc Yến Lan bị thu lại đáng kể. Đời ông và đời thơ từ thuở bắt đầu đến khi kết thúc có quá nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên với nhiều người, Yến Lan vẫn là một bậc thầy trong thơ Việt Nam hiện đại.

 

Yen-Lan-1.jpg

Nhà thơ Yến Lan cùng vợ và con gái út (ảnh chụp khoảng năm 1971)

 

BẬC THẦY CỦA THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

 

Trong bản in lần đầu của Thi nhân Việt Nam do nhà Nguyễn Đức Phiên xuất bản năm 1942, hai tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân nhận định mấy dòng về thơ Yến Lan như sau: “…Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không…”. Thi nhân Việt Nam là tác phẩm kinh điển đúc kết phong trào Thơ mới được nhìn bởi đôi mắt xanh của hai nhà phê bình tầm cỡ nhưng cũng chỉ thấy “cơ hồ ngạt thở”, rõ ràng thơ Yến Lan không phải một sớm một chiều mà hiểu được chân giá trị. Chính vì thế, vị trí Yến Lan cùng Bến My Lăng trong làng Thơ mới cũng rất khiêm nhường.

 

Nhưng với nhiều người, Yến Lan vẫn là một bậc thầy trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Chế Lan Viên, một trong những người bạn thân thiết của Yến Lan, đề tựa cho tập Lẵng hoa hồng xuất bản năm 1986, ngoài ghi nhận những thành tựu của bạn, còn chân thành nhìn nhận: “… Làm sao tôi lại không giới thiệu Yến Lan hoặc làm sao giới thiệu Lan lại không phải là tôi nhỉ. Hai chúng tôi lớn lên giữa thành Bình Định, dắt dìu nhau đi những bước đầu trong văn học, đúng hơn là Lan dắt dìu tôi, vì tôi thua Lan 4 tuổi, học dưới Lan 3 lớp, khi Lan đọc cho tôi Gió mùa thu, Lá vàng rụng bay của Tản Đà thì tôi chưa biết Tản Đà là ai… Nhưng Lan đâu có gặp nhiều ngẫu nhiên may mắn như tôi, Lan đã phải đương đầu với nhiều khó khăn ở trong cuộc sống. Năm 1937 tôi mới có Điêu tàn. Nhưng năm 1935, khi nền Thơ mới còn chập chững Lan đã có nhiều tìm tòi táo bạo… Thực ra, Lan xứng đáng nằm trong các loại tuyển chính thống cùng với Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính kia”. Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ, thì “những tìm tòi táo bạo” chính là tập thơ Giếng loạn mà vì không may đã bị thất lạc. Sinh thời, Yến Lan cho rằng nếu còn tập Giếng loạn thì tầm vóc của ông đã được nhìn nhận khác hơn.

 

Không chỉ có người cùng thời mới tôn vinh Yến Lan như vậy, thế hệ hậu bối như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng bái Yến Lan làm sư phụ. Trong một bức thư gửi Yến Lan vào năm 1972, Trần Đăng Khoa viết: “Chú Yến Lan kính mến! Cháu được anh cháu tin cho biết, chú đang chăm sóc tập thơ của cháu. Cháu rất mừng. Cháu xin cảm ơn chú… Cháu rất thích tập thơ Tôi đến tôi yêu của chú, cháu đã ảnh hưởng chú nhiều, không biết chú có để ý không. Cháu muốn gặp chú lắm. Bố mẹ cháu mời chú về nhà cháu chơi… Kính chúc chú nhiều sức khỏe, dạy dỗ và chăm sóc cháu học tốt và tập làm thơ. Cháu Trần Đăng Khoa - Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương, 14/11/1972”.

 

Nhà thơ Trúc Thông, một tác giả cách tân thơ ở Việt Nam hiện nay, nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan đầy cảm phục: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm…”. Tôn vinh Yến Lan như một bậc thầy trong thơ ca thì nhiều lắm, trong khuôn khổ một bài báo khó nói ra hết.

 

ĐI XA NÊN VỀ MUỘN...

 

Đến với Thơ mới rất sớm, không chỉ một Bến My Lăng bất hủ, nhưng tập Giếng loạn có trước cả Điêu tàn lừng lẫy của người bạn cùng quê Chế Lan Viên lại thất lạc khiến tầm vóc Yến Lan bị thu lại đáng kể.

 

Ngay trong những ngày tháng 8/1945, Yến Lan là người sớm nhất trong lứa bạn cùng thời làm thơ phục vụ cách mạng tại địa phương. Ông đã viết Bình Định 1945, Bình Định 1947 cùng nhiều ca dao, hò vè cổ động nhân dân đứng lên chống ngoại xâm. Trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến, ông cùng với khoảng 16 nhà thơ khác tham gia soạn Cương lĩnh mặt trận Tổ quốc diễn ca để truyền bá trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn tác phẩm của Yến Lan.

           

Chế Lan Viên nhận xét: Yến Lan đi xa nên về muộn! Ông đi xa, rất xa trong nghệ thuật một cách âm thầm, đến hơi thở cuối cùng. Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường...  

 

“Chức tước” to nhất của ông vào khoảng năm 1947 - 1949 là Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch kháng chiến. Sau năm 1975, khi về lại quê nhà, ông được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Văn nghệ Bình Định.

 

Một điều mà sinh thời Yến Lan và gia đình luôn ray rứt, đó là quyền tác giả với vở kịch thơ Bóng giai nhân, sáng tác và biểu diễn lần đầu năm 1940 tại Huế. Trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, phần danh mục tác phẩm đã xuất bản của cả Nguyễn Bính lẫn Yến Lan đều ghi kịch thơ Bóng giai nhân do hai ông viết cùng nhau. Trên một số sách, báo xuất bản lâu nay có nơi còn ghi Nguyễn Bính viết theo ý tưởng của Yến Lan. Dẫu biết rằng thêm hay bớt một tác phẩm trong sự nghiệp đồ sộ của hai ông vẫn không tôn vinh thêm hay hạ thấp giá trị của bất kỳ ai, nhưng văn học sử cần ghi nhận rõ ràng, khách quan.

 

Vậy tại sao có tên Nguyễn Bính trong vở kịch thơ này? Trong một bức thư viết tay ngày 13/3/1988 gởi cho nhà nghiên cứu Khổng Đức - Đinh Tấn Dung, Yến Lan viết: “Từ trước đến nay Bóng giai nhân phải mang tên hai tác giả là do lúc ở Huế, tôi và Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở chung một nhà, để tên hai nhà thơ cho hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó”.

 

Nhà thơ Hoàng Cầm kể, khoảng những năm 1940 tại Hà Nội, Bóng giai nhân được diễn tại Nhà hát Lớn với các diễn viên là nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Sau này, Hoàng Cầm mượn kịch bản Bóng giai nhân từ Vũ Trọng Can đem về Kinh Bắc, làng Phù Lưu cùng Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chù… diễn. Hoàng Cầm viết: “Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên… tôi mạnh bạo hỏi vị “thượng khách, tân khách” Nguyễn Bính viết Bóng giai nhân từ bao giờ? Sau một tợp rượu rất hào sảng, Nguyễn Bính nói: “Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối vừa hào sảng vừa tình tứ. Tớ đọc xong còn nói đùa: Thôi, hay lắm rồi! Để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho một chữ được”. Hoàng Cầm khẳng định tác giả Bóng giai nhân đích thực là Yến Lan, vì: “Rõ ràng cái văn phong trong kịch bản là văn phong của nhóm thi sĩ Bình Định hồi bấy giờ”.

 

HÒA AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Việt Nam đăng cai tổ chức Miss World 2010
Thứ Năm, 16/10/2008 13:30 CH
Thu dịu dàng
Thứ Tư, 15/10/2008 10:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek