Thứ Bảy, 18/05/2024 19:48 CH
Tiếng thơ, tiếng lòng của Lê Hào với cuộc đời
Chủ Nhật, 11/06/2023 13:00 CH

Dạy Toán tại Trường đại học Phú Yên, đến với thơ để giải tỏa nỗi niềm và rồi Lê Hào tìm thấy một chân trời sáng tạo. Hai tập thơ Tấm lòng của cây Mắt cỏ ra đời, không chỉ phác họa chân dung một nhà thơ mà còn mang về cho tác giả hai giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

 

Hai tập thơ: Tấm lòng của câyMắt cỏ, đều được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: YÊN LAN

 

Nhà thơ Lê Hào sinh năm 1964, quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Anh tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế năm 1986, công tác tại Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang một thời gian, sau đó có 30 năm gắn bó với Trường đại học Phú Yên.

 

Năm 2018, Lê Hào có tập thơ đầu tay Tấm lòng của cây, được những người yêu thơ đánh giá cao. Tập thơ là tiếng nói của tác giả về đời sống, trong đó có những câu rất thấm “... Một ngày lá vàng rụng xuống/ về với cội nguồn/ thấm vào đất vào thân/ lại sinh ra vô vàn lá khác/ tấm lòng của cây cứ còn/ dẫu đến ngày cây mất...”. Tấm lòng của cây được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải B. Năm 2021, Lê Hào có tập thơ Mắt cỏ, được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải khuyến khích. Không phải cây bút thơ nào cũng có sự khởi đầu ấn tượng như Lê Hào!

 

* Là giảng viên Toán, anh tìm thấy điều gì ở thơ để rồi trở thành một nhà thơ?

 

- Trước đây mình không quan tâm đến thơ. Khi cuộc sống có những nỗi buồn, đêm đêm không ngủ được, mình giết thời gian bằng cách lên mạng đọc thơ, giải tỏa nỗi niềm. Mình thấy thơ cũng hay, có thể giúp giải tỏa và nói lên những suy tư trăn trở. Từ đó mình bắt đầu làm thơ và gởi đăng báo.

 

Lúc đầu, mình tập làm thơ lục bát. Mình thường vô website của những người làm thơ ở Tây Ninh và làm quen với họ. Rồi mình đọc thơ của anh Huỳnh Văn Quốc, Huỳnh Duy Hiếu, em Nguyên Hậu... ở Phú Yên. Sau này, mình đọc thơ tự do và thấy phù hợp với mình hơn. Mình không thích thơ vần điệu, niêm luật nữa.

 

* Thơ của một người làm việc trong môi trường giáo dục, dạy Toán, thì khác biệt như thế nào, thưa anh?

 

- Mình không biết những người làm công việc chuyên môn khác làm thơ như thế nào nên cũng khó mà so sánh. Khi làm thơ, mình đưa vào đó những suy tư, trăn trở; nhìn về quá khứ và nhìn về tương lai. Thơ mình thiên về suy tư.

 

Mình quan niệm thơ phải có cái tứ. Nếu không có tứ thì nó như nhánh cây um tùm, màu sắc hoa hòe nhưng không có hồn cốt. Nên bất cứ bài thơ nào mình cũng có cái tứ và gởi gắm tâm tư, suy nghĩ vào trong đó.

 

* Nhiều người thích thơ anh, song những bạn đọc quen với các thể thơ truyền thống thì bảo rằng thơ anh khó đọc, khó hiểu. Anh nói gì về điều này?

 

- Thơ mình hồi mới làm hơi khó đọc. Sau này thơ mình mềm dần, bây giờ cũng dễ đọc, cũng êm đấy, có cảm xúc và suy tư.

 

Tác giả Lê Hào bên bức tranh do anh sáng tác Thiếu nữ bên thác. Ảnh: YÊN LAN

 

* Tấm lòng của cây là tập thơ đầu tay của anh, được trao giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tấm lòng của cây là tấm lòng của tác giả với thiên nhiên, với cuộc đời hay còn thông điệp nào khác?

 

- Vào thời điểm đó, khi nghĩ về cuộc sống gia đình và cuộc sống bên ngoài, mình thấy hình ảnh của cây gợi lên suy nghĩ về sự hy sinh. Rễ cây luồn dưới những lớp đất để hút chất dinh dưỡng và cây tỏa bóng, đem đến sự tươi mát cho đời. Mình thấy hình ảnh của cây là sự hy sinh. Và mình nghĩ rằng trong cuộc sống, phải hy sinh một cái gì đó thì cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nếu cứ hăng xằng, bon chen, không tha thứ..., thì không bao giờ tìm kiếm được hạnh phúc. Trong thơ, mình hay đưa hình ảnh của cây vào.

 

* Gần đây anh vẽ tranh. Anh yêu thích hội họa và học vẽ từ khi nào?

 

- Hội họa là sở thích của mình từ nhỏ. Hồi còn nhỏ, mình thường dùng phấn vẽ trên các mặt phẳng có thể vẽ được, hay lấy gạch mài ra, vẽ trên nền xi măng, trên những tấm gỗ... Nhiều hôm vẽ say sưa cả ngày. Học xong lớp 10, mình có ý định sẽ học trung cấp Mỹ thuật nhưng rồi không nhớ vì lý do gì mà bỏ ý định đó.

 

Sau này mình lên mạng tìm hiểu cách phối màu, cách vẽ hình khối, thể hiện khoảng cách xa gần...

 

* Anh đến với hội họa có phải vì thơ chưa giúp anh nói hết những gì anh muốn nói?

 

- Ngoài sở thích từ thuở nhỏ, mình thấy thơ và hội họa rất gần nhau. Thơ và hội họa thiên về gợi hơn tả. Mình nghĩ làm thơ cũng như vẽ tranh, phải gợi nhiều hơn tả. Nếu có tả thì tả những điều trong tâm tưởng, trong cảm quan của mình. Bức tranh đầu tiên mình vẽ trên vải - bức Nhịp điệu xuân đã tham gia triển lãm tại Nhà văn hóa Diên Hồng trong dịp tết Quý Mão.

 

Hội họa cũng rất thú vị, có thể bổ sung, hòa quyện với thơ, làm cho cuộc sống sinh động, phong phú hơn. Khi bức tranh của mình được nhiều người nhận xét, mình rất hạnh phúc, giống như khi có một bài thơ được đăng vậy.

 

* Xin cảm ơn anh! 

 

...Trái tim cỏ cây nằm đâu?

có phải trên cái đọt màu xanh non

hay chính là cội rẽ hướng thiện?

một con đường cho nhựa sống đi lên

rẽ qua những con mắt chân thành

và khắc khoải...

 

Lê Hào

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek