Việc dành thời gian, khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ em đọc sách không chỉ là xây dựng, hình thành nhân cách của trẻ với những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà còn tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội.
Tạo thói quen đọc sách để giúp trẻ phát triển toàn diện tri thức và nhân cách. Ảnh: THIÊN LÝ |
Sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, giúp người đọc nâng cao kiến thức, cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, mở rộng vốn từ ngữ, cải thiện trí nhớ, giúp hoàn thiện nhân cách...
Cha mẹ là tấm gương
Từ xưa đến nay, trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ trong gia đình là quan trọng và không thể thay thế được. Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó; Giỏ nhà ai, quai nhà nấy, hay Phụ từ, tử hiếu như quy luật, triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại quả đức cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau.
Hiện nay, trẻ em có thể tiếp cận được nhiều thông tin qua các kênh khác nhau nhưng các em lại chưa đủ khả năng chọn lọc, phân tích cái gì là tích cực nên làm theo và cái gì tiêu cực cần tránh. Vì vậy, ông bà, cha mẹ cần quan tâm và trực tiếp giáo dục con từ khi con còn bé, tạo điều kiện cho trẻ làm quen với sách, hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả sẽ giúp trẻ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu; trung thực, tốt bụng với giả dối, bạo lực..., từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện cả tri thức và nhân cách.
Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) từ lâu đã có niềm đam mê đọc sách. Dù công việc bận rộn nhưng chị đều dành thời gian để khám phá từng trang sách yêu thích. Chị thường đặt mua nhiều cuốn sách với các lĩnh vực khác nhau. Không chỉ đọc cho riêng mình, chị còn thường xuyên chia sẻ những kiến thức hay, bổ ích cho người thân và bạn bè. Con gái nhà chị cũng được mẹ rèn cho thói quen đọc sách từ nhỏ nên rất thích những cuốn sách mà mẹ tặng. “Tôi nghĩ, việc hình thành được thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ sẽ rất tốt cho con. Vì vậy, tôi thường đọc sách cùng con và định hướng cho con những điều hay lẽ phải từ trong sách”, chị Thu chia sẻ.
Hơn nữa, một thực tế là ngày nay trẻ em thường dành nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, xem tivi, chơi trò chơi điện tử… hơn là ngồi đọc sách. Điều này khiến phụ huynh lo lắng, trăn trở, trong đó có vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa ở phường 6 (TP Tuy Hòa). “Có lần vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với các con. Chúng thừa nhận đọc sách không thú vị như xem ti vi, chơi điện thoại. Chính vì vậy, vợ chồng tôi muốn tách con khỏi các thiết bị điện tử qua việc đọc sách. Tuy nhiên, do chúng tôi không hình thành được thói quen đọc sách cho con từ nhỏ nên cả hai đứa đều không chủ động cầm cuốn sách. Đây là điều mà vợ chồng tôi cảm thấy trăn trở”, anh Hòa nói.
Góp phần phát triển nhân cách
Nhiều nghiên cứu giáo dục cho rằng, lười đọc sách khiến tâm hồn trẻ dần khô cứng, vô cảm với thế giới xung quanh. Vì vậy, cha mẹ nên xem việc cho con chơi với sách và đọc sách cùng con là một thói quen, đừng quá áp lực, coi đọc sách là một phương pháp giáo dục. Cha mẹ hãy nghĩ rằng đọc sách là một điều bình thường và đương nhiên phải có trong cuộc sống của trẻ. Nếu trẻ không biết đọc thì cũng không sao cả. Cha mẹ sẽ đọc cho con và hướng dẫn con thưởng thức những cuốn sách hay, hấp dẫn.
Theo bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tránh bị lạc hậu trong thời đại 4.0. “Những quyển sách hay có thể ảnh hưởng sâu rộng tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách của trẻ. Lan tỏa và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi học sinh là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Trong đó gia đình có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở trẻ”, bà Huệ nhìn nhận.
Với lợi ích của việc đọc sách và để giúp trẻ tiếp cận với nhiều sách hay trong mùa hè một cách thoải mái, Thư viện tỉnh đã tổ chức hoạt động hè và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Hè vui đọc sách” diễn ra từ nay cho đến hết ngày 20/8/2023. Hoạt động này và hội thi Gia đình đọc sách nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong thanh thiếu niên, học sinh; tạo môi trường thuận lợi để bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận với sách báo, củng cố, mở rộng kiến thức. Qua đó giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho mọi gia đình và trẻ em.
THIÊN LÝ