Năm 1970, cuốn tự truyện Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Ký được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Hơn 50 năm trôi qua, có thể nói, Tôi đi học đã trở thành tác phẩm giá trị viết về trẻ khuyết tật của văn học Việt Nam. Song từ đó, những sáng tác về trẻ khuyết tật lại không thật sự nhận được sự quan tâm đúng mức, và đó vẫn là mảng đề tài còn bỏ ngỏ.
Một số tựa sách thiếu nhi viết về trẻ khuyết tật. Ảnh: BÍCH DUYÊN |
Đi tìm nguyên nhân
Với đặc thù là một tác phẩm ngôn từ, văn học có khả năng chuyển tải những vấn đề về trẻ khuyết tật một cách mềm mại, uyển chuyển, giàu cảm xúc và dễ chạm đến tâm hồn lẫn trí tuệ của người đọc hơn so với các dạng văn bản, tài liệu khác. Thế nên, bên cạnh những tài liệu mang tính học thuật, chuyên ngành, những sáng tác về trẻ khuyết tật sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức về trẻ khuyết tật không chỉ đối với chính trẻ, mà còn đối với ba mẹ, thầy cô, bạn bè và xã hội.
Nhìn vào thị trường sách văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại, sách viết về trẻ khuyết tật có thể kể đến một số tác phẩm nổi bật như Tay chị tay em, Hoàng tử Rơm của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, tự truyện Không gục ngã của nhà văn Nguyễn Bích Lan, bộ truyện tranh Khác biệt mới tuyệt làm sao của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Vũ - Linh Vương... Ngoài ra, đề tài trẻ khuyết tật cũng xuất hiện rải rác ở một số tiểu truyện trong một số tác phẩm truyện dài hoặc tuyển tập truyện ngắn, như Rồi nắng cũng lẻ loi của nhà văn Nguyễn Chí Ngoan… Tuy nhiên, số lượng những tác phẩm như thế chiếm tỉ lệ rất thấp.
Số lượng tác phẩm ít nên việc phản ánh về trẻ khuyết tật trong văn học thiếu nhi Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Những dạng khuyết tật được phản ánh chưa đa dạng trong khi số lượng và các dạng khuyết tật của trẻ lại không hề ít. Các hội chứng trẻ tự kỷ, down, chậm phát triển… hiếm khi được đề cập. Khi viết về trẻ khuyết tật, ngoại trừ những tác phẩm mang tính chất tự truyện phản ánh chân thực, sâu sắc đời sống của trẻ thì những tác phẩm được viết từ điểm nhìn bên ngoài lại khá sơ lược, đôi khi thiếu tính xác thực. Những tác phẩm như thế không chỉ mang tới cái nhìn có phần hời hợt về trẻ khuyết tật mà còn không thể đạt được hiệu quả thẩm mỹ, giáo dục cần thiết của một sáng tác về mảng đề tài này.
Thực tế sáng tác văn học thiếu nhi ở Việt Nam cho thấy sự thiếu vắng những người viết thật sự quan tâm đến vấn đề trẻ khuyết tật. Viết cho thiếu nhi vốn dĩ rất khó, viết cho trẻ khuyết tật lại càng khó khăn. Người viết không chỉ phải am hiểu tâm lý trẻ thơ mà còn phải thấu hiểu tình trạng khuyết tật của trẻ, những vấn đề trẻ phải đối mặt và cả khả năng mà trẻ có thể có. Sự thành công của những tác phẩm tự truyện như Tôi đi học, Không gục ngã… cho thấy nếu không có những trải nghiệm cá nhân của chính tác giả thì việc tiếp cận và thể hiện vấn đề này thực sự là một thử thách đối với người viết. Phải chăng đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu vắng của các tác phẩm viết về trẻ khuyết tật trong văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay?
Một em nhỏ đọc sách viết về trẻ khuyết tật của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa. Ảnh: BÍCH DUYÊN |
Tâm huyết, thấu hiểu... để phản ánh chân thực
Ở Nhật Bản, Hội Cha mẹ có con khuyết tật tứ chi đã cho ra đời một số sách về trẻ khuyết tật tứ chi, trong đó có quyển sách Bàn tay kỳ diệu của Sachi đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Ở Anh, Mỹ… cũng đã có nhiều nghiên cứu văn học viết, cách sử dụng văn học viết về trẻ khuyết tật trong nhà trường để nâng cao nhận thức về trẻ khuyết tật trong giáo viên và học sinh… Các nhà nghiên cứu cũng lập ra danh mục tác phẩm viết về trẻ khuyết tật, phân loại theo dạng khuyết tật… để người đọc có thể tìm hiểu và tiếp cận dễ dàng hơn. Trong khi chờ đợi những sáng tác của các nhà văn Việt Nam, việc lựa chọn những tác phẩm nổi bật viết cho trẻ khuyết tật ở nước ngoài (tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu) để dịch và xuất bản sẽ góp phần làm phong phú hơn mảng sách về trẻ khuyết tật trong nước. Những tác phẩm dịch như vậy không chỉ tạm thời bổ khuyết cho sự thiếu hụt của sáng tác trong nước mà còn cung cấp những kinh nghiệm hữu ích cho nhà văn Việt Nam khi sáng tác mảng đề tài này.
Nhưng lấp đầy một khoảng trống không đơn thuần chỉ là viết nhiều hơn, mà cần hướng đến viết hay hơn. Sáng tác về trẻ khuyết tật cần được nhìn nhận nghiêm túc, đòi hỏi cao độ sự hiểu biết và thấu hiểu của người viết. Một trong những khuynh hướng viết về trẻ khuyết tật là thi vị hóa, lãng mạn hóa khuyết tật nhằm mang đến một cái nhìn nhẹ nhàng đối với khuyết tật của trẻ. Trong Khác biệt mới tuyệt làm sao, chú nhóc kỳ lân có cái sừng búa đẽo khác biệt với mọi người, bị trêu chọc và vô cùng buồn khổ. Tuy nhiên sau đó, nhờ khả năng tạo ra những cái sừng xinh đẹp cho các bạn bị gãy sừng, cậu đã được mọi người yêu thương và trân trọng. Câu chuyện đề cập đến một trong những vấn đề mà trẻ khuyết tật phải đối diện trong đời sống, đó là sự phân biệt đối xử của những người xung quanh bởi sự khác biệt về cơ thể của mình. Nhóm tác giả khá tinh tế trong việc phản ánh và chia sẻ khó khăn đó của các em, nhưng cách hóa giải những phân biệt lại không thực tế.
Sự thấu hiểu sẽ là một trong những tiền đề quan trọng đưa đến những thay đổi tích cực trong nhận thức, hành động của trẻ và mọi người đối với vấn đề khuyết tật. Vì vậy, viết về đề tài này, người viết cần phải lựa chọn cách viết chân thực hơn, tìm hiểu sâu dạng khuyết tật của trẻ, nắm bắt và chuyển tải một cách tinh tế, sâu sắc thế giới nội tâm của trẻ để khi đọc, chính bản thân trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu của mọi người đối với mình, những người khác trẻ lại được hiểu sâu hơn về trẻ. Đọc Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Ký, Không gục ngã của Bích Lan…, người đọc có thể hiểu được những khó khăn, vất vả, đau buồn, nỗ lực… của một người bị khuyết tật một cách sâu sắc, bởi đó chính là những trải nghiệm thực tế của chính người viết.
Ngoài ra, viết về trẻ khuyết tật, người viết cũng phải gợi mở được những khả năng mà trẻ khuyết tật có thể sở hữu một cách thực tế. Trong Tay chị tay em, nhân vật chính ý thức rất rõ cánh tay bị khuyết tật của mình không có khả năng làm bất cứ việc gì, đôi khi lại còn gây ra những khó khăn trong sinh hoạt, học tập, nhưng đồng thời cũng biết dùng cánh tay khỏe mạnh để làm tốt, thậm chí làm tốt hơn những bạn trang lứa một số việc, như viết chữ đẹp, làm văn hay, làm toán giỏi… Chính việc nhận ra những khả năng mà một người khuyết tật có thể làm sẽ có tác động tích cực đến nhân sinh quan của trẻ, giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn, lạc quan hơn và sẽ thêm nghị lực để cố gắng vượt qua những trở ngại mà khuyết tật mang lại.
Để cho ra đời những tác phẩm có thể làm cầu nối gắn kết trẻ khuyết tật với mọi người trên cơ sở của sự thấu hiểu, sẻ chia và tôn trọng, các nhà văn cần dành nhiều tâm huyết hơn nữa. Đó cũng là kỳ vọng mà xã hội mong đợi ở văn học và nhà văn trong việc góp phần thúc đẩy hiểu biết về trẻ em khuyết tật thông qua những tác phẩm về mảng đề tài còn rất nhiều khoảng trống này.
BÍCH DUYÊN