Ngày 3/6, UBND huyện Tuy An tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn và Lăng Phú Thường.
Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn nằm dọc theo bờ biển, còn có tục danh là Gành Hòn Đá Mũi. Chạy theo hướng đông - tây, bắt đầu từ phía tây thôn Hội Sơn (xã An Hòa Hải) gành đá này kéo dài đến miếu Bà của thôn Giai Sơn (xã An Mỹ), có độ cao thấp dần, gồm những khối đá bazan được tạo thành do quá trình phun trào núi lửa diễn ra cách ngày nay hàng triệu năm. Cấu tạo các khối đá kích thước khác nhau, nhiều màu sắc như nâu, đen sẫm, bị cắt xẻ bởi hệ thống khe nứt. Còn lăng Hội Sơn được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức, là nơi ngư dân làng biển này thực hành tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng đã được tu bổ vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn không những có giá trị về thắng cảnh, giá trị văn hóa mà còn mang các giá trị khoa học, nhất là giá trị về địa chất, địa mạo; tiềm năng để phát triển du lịch.
Lăng Phú Thường được xây dựng từ thời vua Gia Long (1802-1820), nhưng khi đó chỉ là một ngôi miếu quy mô nhỏ, lợp bằng tranh rạ rồi tô bồi thêm bằng vách vôi, sau tiến dần lên lợp ngói vảy, duy trì mãi đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị bom đạn phá hủy. Sau ngày giải phóng (4/1975), người dân làng Phú Thường đã trùng tu, sửa chữa lại lăng như hiện nay. Ngoài chức năng thờ cúng, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, lăng Phú Thường là cở sở cách mạng của đội công tác xã An Hòa (nay là An Hòa Hải), gần lăng về hướng đông có hang Bà là nơi trú ẩn của đội công tác và các lực lượng cách mạng, khi địch càn quét.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với quần thể Gành Đá - Lăng Hội Sơn và Lăng Phú Thường cho lãnh đạo huyện Tuy An và xã An Hòa Hải.
THIÊN LÝ