Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi hình thành nên lối sống và nhân cách của mỗi con người. Để xây dựng nhân cách người Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, sự dạy dỗ trong gia đình đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam.
Uốn tre uốn thuở còn măng
Là cán bộ phụ trách đài truyền thanh, dân số, gia đình và trẻ em của phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chị Nguyễn Thị Mỹ Chi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để có thể vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan vừa chu tất việc nhà. Với trách nhiệm của mình, chị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng cho phụ nữ về cách nuôi con tốt, dạy con ngoan theo phương pháp khoa học để các con phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng chị Chi luôn nâng niu và trân trọng những giá trị tình cảm, sự yêu thương, chia sẻ, tạo dựng một gia đình hạnh phúc với mong muốn có nền tảng tốt để con cái học tập, noi theo. “Ông bà mình đã đúc kết: Uốn tre uốn thuở còn măng. Vì vậy, vợ chồng tôi rất chú ý chăm sóc, dạy cách nói năng lễ phép, giáo dục đạo đức, tính thật thà khi con còn nhỏ. Trong gia đình, ông bà cha mẹ phải xưng hô đúng mực. Khi thấy các con có biểu hiện sai, thiếu chuẩn mực, chúng tôi nhắc nhở để con sửa ngay, nếu không sẽ hình thành thói quen xấu, vì đây là lứa tuổi dễ bắt chước”, chị Chi chia sẻ.
Nuôi dạy con cái nên người cũng là mục tiêu hàng đầu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn (huyện Tuy An). Trong gia đình chị, cha mẹ không đánh đập, la mắng con cái mà phải tìm hiểu lý do cụ thể để có biện pháp giáo dục, để con hiểu ra vấn đề; thường xuyên tâm sự, trao đổi với con, giải thích cho con những điều con muốn biết để con hiểu rõ và không bị thất vọng, hụt hẫng. Đặc biệt, vợ chồng chị luôn tạo điều kiện tốt nhất, tình cảm yêu thương và những gì tốt đẹp nhất để con phát triển toàn diện.
Chị Loan bày tỏ: “Tôi luôn dành thời gian trò chuyện, tâm sự để tạo thói quen cho con có thể dễ dàng cởi mở, chia sẻ với cha mẹ những khi gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt cũng như trong tất cả các mối quan hệ. Vợ chồng tôi cố gắng dạy cho con những điều cơ bản trong cuộc sống để con không bị bỡ ngỡ khi đến độ tuổi trưởng thành”.
Ông bà, cha mẹ là tấm gương
Theo các chuyên gia, giáo dục trong gia đình gắn với quá trình nuôi dưỡng là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trong đó giáo dục đạo đức, lối sống là nội dung quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay, giáo dục gia đình ở Việt Nam đang gặp không ít thách thức. Các nhà giáo dục cũng đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái hiện nay như: đôi khi không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng; tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức; phó thác việc dạy con cho lực lượng khác ngoài gia đình đã khiến vai trò và bổn phận của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh nhìn nhận: Để giáo dục cho con cháu giá trị gia đình truyền thống từ những việc làm nhỏ nhất hằng ngày trong gia đình thì ông bà, cha mẹ là tấm gương về đạo đức, lối sống. Bởi họ không chỉ có sự trải nghiệm về cuộc đời, đã trở thành trụ cột tinh thần trong gia đình, mà còn có ưu thế về kỹ năng, thuyết phục con cháu và tạo sức đề kháng đối với những tác động từ bên ngoài để hình thành nhân cách cho con cháu theo hướng tích cực. Đặc biệt, người cao tuổi còn có khả năng và kinh nghiệm trong việc điều hòa các mối quan hệ giữa các thành viên để tạo không khí gia đình trong ấm, ngoài êm. Họ có nhiều thời gian gần gũi với các cháu, trông nom, dặn dò các cháu khi cha mẹ chúng bận rộn... “Người cao tuổi vừa phát huy được những giá trị của gia đình truyền thống, vừa nắm bắt được mạch chuyển động của cuộc sống hiện đại để chọn lọc những giá trị tốt đẹp, tiến bộ nhằm vun đắp gia đình phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại”, ông Thành nói.
THIÊN LÝ