Sau hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát, gần đây phong trào văn hóa văn nghệ ở các địa phương đã khởi sắc trở lại. Thắp lên và thổi bùng ngọn lửa của phong trào này là những hạt nhân văn nghệ quần chúng (VNQC) giàu nhiệt huyết và niềm đam mê.
Cũng từ phong trào và những sàn diễn của sân khấu không chuyên đã xuất hiện và nuôi dưỡng nhiều hạt nhân trẻ, tạo sức sống mới cho hoạt động VNQC.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2022, do Sở VH-TT-DL tổ chức đã thu hút gần 200 nghệ nhân, diễn viên không chuyên của 7 đơn vị nghệ thuật trong tỉnh tham gia. Trong đó, có người là giáo viên, công chức, lao động tự do, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang... Chính những hạt nhân trong phong trào VNQC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh là những người trực tiếp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến công chúng và du khách thập phương loại hình nghệ thuật mang đặc trưng xứ Nẫu đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi ngày càng lan tỏa.
Trong liên hoan Nghệ thuật truyền thống nhân dịp giỗ Tổ Sân khấu năm 2022 và chào mừng ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIII được tổ chức tại Đền thờ Lương Văn Chánh cũng vậy. Chương trình được tổ chức bởi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Hòa có đến 12 câu lạc bộ (CLB) dân ca, đờn ca tài tử, tuồng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, quy tụ hơn 100 diễn viên, nhạc công tham gia. Các nghệ sĩ không chuyên đã mang đến liên hoan những trích đoạn tuồng, dân ca kịch bài chòi, cùng những bài bản đờn ca tài tử đặc sắc, được chọn lọc trong nhiều lần biểu diễn, như Tam hùng kiệt (tuồng), Câu thơ yên ngựa, Tấn công liên lâu thành (dân ca kịch bài chòi); Mừng ngày giỗ tổ (ca cổ)…
Hay gần đây, trong khuôn khổ của lễ hội Đền Lương Văn Chánh, chương trình nghệ thuật không chuyên do các nghệ sĩ nghiệp dư của huyện Phú Hòa biểu diễn cũng đã thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.
Anh Huỳnh Trọng Thống, cán bộ văn hóa của huyện Phú Hòa chia sẻ: Không chỉ bài chòi, tuồng mà từ lâu nghệ thuật đờn ca tài tử cũng là những món ăn tinh thần không thể thiếu của đa số người Phú Yên. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, phong trào văn hóa văn nghệ ở tỉnh ta phát triển rất mạnh; nhiều xã, hợp tác xã thành lập đoàn hát và tổ chức lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Trước sự xâm nhập và phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật, VNQC có phần mai một, giảm sút nhưng đã dần khôi phục trở lại. Đó chính là nhờ có những người luôn dành tâm huyết, nhiệt tình cho phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Nghệ sĩ, cô giáo Hoàng Cầm trên sân khấu. Ảnh: HIẾU VY |
Những hạt nhân nòng cốt
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống của mọi người trở lại trạng thái bình thường mới, tại Bảo tàng tỉnh, vào tối thứ bảy hàng tuần và những dịp lễ, ánh đèn sân khấu lại sáng. Anh chị em diễn viên, nhạc công từ các CLB trong tỉnh lại hội tụ về đây trình diễn những trích đoạn tuồng, làn điệu bài chòi, những bài ca vọng cổ phục vụ du khách và người dân địa phương.
Là cô giáo dạy tiếng Anh tại một trường THCS ở huyện Tuy An, nhưng nhiều người còn biết đến chị bởi giọng ca trong sáng, mượt mà từ những làn điệu bài chòi. Đó là cô giáo Hoàng Cầm, một trong những hạt nhân VNQC của tỉnh hiện nay. Chị đến với nghệ thuật bài chòi bằng tình yêu mãnh liệt và niềm đam mê cháy bỏng. Không chỉ biểu diễn, chị còn viết kịch bản, dàn dựng, thực hiện nhiều clip, tham gia các hội thi cấp tỉnh, đạt giải cao. Trong đó, tiểu phẩm tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái Hòn Yến đạt giải nhất; 2 tiểu phẩm tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em đạt giải nhì và giải ba; tiểu phẩm Gia đình đọc sách đạt giải nhì; hội thi Nhà nông đua tài đạt giải nhì. Chị cũng là một trong những thành viên của đoàn Phú Yên tham gia liên hoan Dân ca bài chòi tại Bình Định; giới thiệu di sản bài chòi trong chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh và gần đây là tham gia tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 tại Hà Nội… “Từ khi còn bé xíu, tôi đã thích nghe hát và hay hát. Niềm đam mê ấy cứ thôi thúc và tôi thấy vui, thư thái mỗi khi được hát, được ngân ca những làn điệu bài chòi mình yêu thích. Tôi mạnh dạn tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương và chính những tràng pháo tay của mọi người là động lực để tôi vừa giữ nghề giáo vừa gắn bó với sân khấu và nghệ thuật bài chòi”, Hoàng Cầm tâm sự.
Hay nghệ sĩ Đào Thu Sen, tuy đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn là linh hồn của CLB Tuồng truyền thống 10/5 (huyện Phú Hòa), thường đảm nhiệm những vai đào chính trẻ trung. Canh cánh với sân khấu Tuồng, bà đang dốc tâm huyết truyền nghề cho con, cháu và thế hệ đàn em. Người kế cận bà là nghệ sĩ Phương Liên cũng là một người giàu tâm huyết, vừa biết diễn tuồng, biết hát bài chòi và ca vọng cổ.
Nghệ nhân Dương Kim Hoàng (TP Tuy Hòa), một trong hai nghệ nhân của Phú Yên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2022, là nhạc công đàn sến và đàn ghi ta cổ gạo cội. Đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn có mặt ở hầu hết các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh và nhiều địa phương. Ông cũng đã góp mặt trong chương trình của đoàn Phú Yên tham gia tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vừa qua.
Còn nói đến phong trào VNQC của TX Đông Hòa, một trong những người được nhắc đến đầu tiên là anh Bình Thảng. Nhiều năm qua anh như con ong chăm chỉ, con tằm cần mẫn miệt mài nhả tơ. Là Chi hội phó Chi hội Sân khấu của tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca TX Đông Hòa, anh luôn đem hết khả năng và nhiệt huyết truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh. Anh cũng thường xuyên có những sáng tác mới, tham gia các cuộc thi VNQC đạt giải cao.
Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Thanh Kính (huyện Tây Hòa), vừa là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Nhà văn hóa Diên Hồng, vừa là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Hòa Phong, quê anh. Không chỉ giữ lửa đam mê và nhiệt tình truyền dạy những bản đờn ca tài tử cho những ai yêu thích, anh còn thường xuyên giao lưu với các nghệ nhân ở phương Nam để giữ nghề, nâng cao trình độ.
Hạt nhân VNQC lớn tuổi nhất là nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Năm nay tuổi đã 73 nhưng ông vẫn là cây sáng tác kịch bản tuồng, bài chòi, viết ca cổ sung mãn và là người nhiệt tình truyền dạy các loại hình nghệ thuật này cho lớp trẻ.
Và nhiều hạt nhân VNQC khác ở nhiều địa phương trong tỉnh, bằng trái tim và tâm hồn nghệ sĩ, họ vẫn đang ngày đêm lặng lẽ giữ lửa cho phong trào văn hóa văn nghệ luôn cháy mãi và ngày càng tỏa sáng, góp phần bảo tồn, quảng bá, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại từ ngàn xưa.
Để góp phần giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhiều anh chị em nghệ sĩ đã phải lao động miệt mài, dốc lòng, dốc sức vì niềm đam mê cháy bỏng của mình. Họ giống như những con tằm chăm chỉ, tuy ăn lá dâu nhưng nhả ra cho đời những sợi tơ vàng.
Anh Huỳnh Trọng Thống, cán bộ văn hóa huyện Phú Hòa |
HIẾU VY