Thứ Hai, 25/11/2024 01:27 SA
Nét đẹp trong lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Ba Na
Thứ Năm, 16/03/2023 13:00 CH

Già Đoàn Văn Tươi (cầm mic) trong lễ cúng mừng lúa mới. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong các lễ cúng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và đồng bào Ba Na nói riêng có một lễ cúng nghe quen mà lạ và hết sức độc đáo, đó là lễ cúng mừng lúa mới. Đây là lễ cúng vô cùng quan trọng trong đời sống của người Ba Na, nhằm tỏ lòng thành kính đến các đấng thần linh, cầu cho mùa lúa mới bội thu, dân làng no ấm, sung túc.

 

Có mặt tại xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, chúng tôi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Ba Na của xã miền núi này thực hiện lễ cúng mừng lúa mới với những nghi thức hết sức độc đáo.

 

Nghi thức độc đáo

 

Để chuẩn bị cho lễ cúng mừng lúa mới, đồng bào Ba Na phải tính toán và chuẩn bị mọi thứ từ trước. Quy mô của lễ cúng phụ thuộc vào mùa lúa được thu hoạch trước đó. Các lễ vật trong lễ cúng được tái hiện này gồm: một nồi đầy cơm lúa mới, một đôi đũa vót có bông trên đầu cắm trên nồi cơm, một tô gạo lúa mới, một khoanh sáp, ba miếng trầu cau, một chén nước lã, một chai rượu và một cái ly đựng rượu. Đặc biệt, lễ vật còn có một con gà trống được đặt trên giàn cây nêu và ít tiết gà pha với nước lạnh.

 

Theo già Đoàn Văn Tươi, nghệ nhân ở thôn 1, cây nêu được làm từ một cây mò o chẻ làm 4 chân, tượng trưng cho nhà thần trời. Trên đó có một giàn đan bằng mò o, hình vuông 4 góc có cắm hoa; hai bên là cây rừng, tượng trưng cho thần núi, thần suối và một cây cắm ở giữa có bông lúa, tượng trưng cho các thần: lúa, mía, sắn, bắp, hoa màu. Giàn nhà thần trời có một cầu thang bước lên để vào nhà. “Cây nêu được chuẩn bị và dựng kỹ lưỡng. Theo phong tục tập quán từ xưa của người Ba Na, cây nêu là vật không thể thiếu và có ý nghĩa rất quan trọng trong các lễ cúng. Nó thể hiện sự kế thừa từ đời này sang đời khác”, già Tươi giải thích.

 

Sau khi lễ vật được bày biện xong, thầy cúng tiến về phía cây nêu lấy sáp thắp lên ngọn lửa, lấy chai rượu rót vào ly và bới ba vá cơm mới đặt lên đầu ông Táo. Sau đó, thầy cúng hốt gạo trong chén rải lên trên giàn nhà thần và hú mời thần trời, thần lúa, thần đất, thần gạo, thần núi, thần suối, thổ địa, ông Bụt, bà Bụt, ông Táo, bà Táo cùng các thần linh đã có công làm ra lúa gạo, hoa màu nuôi sống con người trên thế gian này.

 

Kết thúc lễ cúng, thầy cúng lấy tiết gà đã hòa với nước đổ trên bông lúa rồi hứng bàn tay ở dưới và khấn: “Hú hồn lúa, nhờ thần trời phù hộ, mưa thuận gió hòa, bà con dân làng được mùa, lúa đầy kho, đầy nhà”.

 

Gìn giữ bản sắc

 

Sau phần lễ, phần hội góp thêm màu sắc và sức sống mới cho ngày vui của buôn làng. Các cô gái Ba Na tay trong tay nhịp nhàng, uyển chuyển với điệu múa xoang hòa cùng tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm rộn ràng, náo nức báo hiệu một mùa lúa mới bội thu. Trong niềm hân hoan của đồng bào Ba Na, các du khách cùng uống rượu cần, nhảy múa, hát ca và nắm chặt tay hòa chung không khí rộn ràng của ngày hội.

 

“Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân tái hiện lễ cúng mừng lúa mới trong không gian trống đôi, cồng chiêng rộn rã. Tôi thấy rất thú vị và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về các phong tục, tập quán của đồng bào DTTS nơi đây”, chị Nguyễn Thị Thúy đến từ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, bày tỏ.

 

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, lễ cúng mừng lúa mới là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào DTTS miền núi Phú Yên, trong đó có đồng bào Ba Na. Lễ cúng nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa thóc đầy nhà. “Lễ cúng mừng lúa mới còn là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng gắn kết, giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại, thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên theo quan niệm vạn vật hữu linh. Với ý nghĩa đặc sắc đó, cho đến hôm nay, dù đời sống hội nhập và phát triển nhưng lễ cúng này vẫn được gìn giữ, phát huy trong lớp lớp thế hệ con cháu đồng bào DTTS ở địa phương”, ông Huỳnh Việt Hùng nói.

 

Ông Lê Văn Điệp ở thôn 5, xã Đa Lộc chia sẻ: “Việc duy trì các lễ hội truyền thống, trong đó có lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Ba Na huyện Đồng Xuân góp phần duy trì, phát triển giá trị không gian văn hóa của đồng bào DTTS nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Người dân địa phương chúng tôi rất vui mừng khi lễ hội này giúp du khách hiểu hơn về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na, góp phần lan tỏa và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc tới cộng đồng”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek