Thứ Hai, 25/11/2024 04:45 SA
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Mê mải đi tìm cái đẹp trong đời sống
Chủ Nhật, 12/03/2023 13:18 CH

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, bên bức chân dung nhà văn mà ông vừa vẽ xong. Ảnh YÊN LAN

Ở tuổi 75, họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẫn tràn đầy năng lượng sáng tạo, vẫn say sưa đi tìm cái đẹp trong đời sống, vẫn hào hứng vẽ chân dung bạn bè văn nghệ sĩ mà ông gặp trong những chuyến thâm nhập thực tế sáng tác. Họa sĩ người Tày hồn nhiên như cỏ cây, nhưng bên trong ẩn chứa một ngọn lửa.

 

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp quê ở Lạng Sơn. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) phân công về Hà Giang, công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin. Hành trình sáng tạo của Vi Quốc Hiệp bắt đầu từ đây. Trong các tác phẩm hội họa của mình, ông ca ngợi vẻ đẹp con người ở vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn...

 

Năm 1978, họa sĩ Vi Quốc Hiệp được điều động tới Lâm Đồng. Cao nguyên Langbian trở thành quê hương thứ hai, thành một dòng cảm hứng bất tận trên hành trình sáng tạo đa sắc, đa thanh của ông.

 

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp vừa đến Phú Yên thâm nhập thực tế sáng tác và ấp ủ dự định về một triển lãm mỹ thuật cùng các đồng nghiệp trên xứ hoa vàng cỏ xanh tươi đẹp. Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với họa sĩ người Tày về những dấu ấn trên hành trình sáng tạo của ông.

 

Phụ nữ luôn đẹp

 

* Thưa họa sĩ, ông đã tổ chức nhiều triển lãm tranh chân dung phụ nữ và tạo dấu ấn ở mảng đề tài này. Vì sao ông say sưa ký họa chân dung phụ nữ?

 

- Tôi luôn tâm đắc vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam - vẻ đẹp không chỉ ở hình thức mà còn ở phong thái, cốt cách, tâm hồn. Phụ nữ Việt Nam không chỉ biết vì chồng, thương con mà còn tham gia bảo vệ đất nước. Đó là vẻ đẹp của sự anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang. Mình là nghệ sĩ, cảm nhận vẻ đẹp đó thì ca ngợi bằng tác phẩm hội họa.

 

Bức tranh vẽ phái đẹp đầu tiên của tôi là bức Nữ dân quân Tày - Đồng Văn, đã được ghi vào sách Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam với dòng chữ “là một trong những bức tranh đẹp của hội họa nước ta”. Hồi đó, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công công tác tại Hà Giang. Một lần, đến chơi nhà họa sĩ Hoàng Quốc Cứu ở Đồng Văn, gặp vợ anh ấy - chị Hoàng Thị Phiên, tôi ấn tượng với gương mặt ửng hồng và bộ áo chàm hơi bạc mà chị Phiên đang mặc, bèn xin phép vẽ chân dung chị ấy. Bức tranh được triển lãm tại Hà Nội, năm 1974.

 

Sau bước khởi đầu đó, đi đến đâu tôi cũng vẽ chân dung, vẽ từ bà cụ già cho đến trẻ em, từ những phụ nữ mộc mạc, chất phác ở vùng cao cho đến những cô gái ở thành thị. Năm 2002, được sự hỗ trợ của bạn bè yêu mỹ thuật, tôi tổ chức triển lãm tranh đầu tiên của mình về phái đẹp, tại Hà Nội. Triển lãm có tiêu đề Người đẹp Việt Nam qua mắt Vi Quốc Hiệp. Trong mắt tôi, phụ nữ luôn đẹp!

 

* Có khi nào sự rung cảm trước vẻ đẹp phụ nữ vượt ra khỏi khung tranh, thưa ông?

 

- Cũng có nhiều lúc cảm xúc bay bổng theo người mẫu, nhưng mà tôi chuyển thành thơ (cười). Mình đã có gia đình rồi, không thể nào vượt qua giới hạn được. Tôi vẽ phụ nữ là ca ngợi vẻ đẹp của họ. Trái tim có xao xuyến thì đưa niềm xao xuyến đó vào bức tranh, và đưa vào thơ. Tôi có thói quen là vẽ khoảng nửa tiếng thì đọc một bài thơ cho người mẫu nghe để họ đỡ buồn chán; trong lúc nghe thơ, mắt họ mơ màng, mình vẽ đẹp hơn. Đó là cách của tôi. Tôi thuộc rất nhiều thơ.

 

Có một cô gái Thái ở Thái Nguyên. Khi vẽ, tôi đọc thơ cho cô ấy nghe và trao đổi về thơ, vì cô ấy cũng thích thơ. Trước khi trở về Đà Lạt, tôi bảo: “Có khi năm sau chú lại ra”. Cô ấy nói: “Người Kinh hay hẹn, không chắc sẽ trở lại đâu”. Câu nói đó làm tôi nhớ đến một cô gái Thái mà mình từng gặp ở Sơn La, hơn 20 năm về trước. Khi đó cô ấy khoảng 19, 20 tuổi. Tôi vẽ chân dung và chúng tôi chia tay khi cô ấy mang trong lòng một nỗi buồn riêng. Tôi nói với cô ấy: “Mai mốt bọn anh về, có dịp bọn anh lại lên”. Cô ấy nói: “Người Kinh hay hẹn lắm, chắc không lên đâu”... Về Đà Lạt, tôi làm bài thơ Lời hẹn hoa ban gửi ra Thái Nguyên tặng cô ấy: Sợ lỡ hẹn với núi/ Lòng đâu dám ước ao/ Không muốn bận lòng suối/ Anh mượn lối qua cầu/ Đường về em đầy gió/ Anh chẳng được như mây/ Để gửi em chút nhớ/ Trong trào cuộn mây bay/ Anh chỉ là tia nắng/ Đơn lẻ giữa rừng hoa/ Em như cành ban trắng/ E ấp vùng núi xa/ Hoa ban màu tinh khiết/ Tự ngàn xưa trắng rồi/ Mặc ai lòng nuối tiếc/ Giữa rừng hoa bồi hồi/ Nhớ cái lạnh Tây Bắc/ Châu Mộc trong xa xưa/ Nếp sàn ai bếp lửa/ Ấm lòng lữ khách xa/ Quê em cao vợi cao/ Qua bao đồi núi thẳm/ Em sáng tựa ánh sao/ Trong muôn cành ban trắng/ Mai anh về xứ ấm/ Gió gửi lời nhắn theo/ Xa vùng cao đất lạnh/ Còn nhớ cánh ban reo.

 

* Bài thơ thật hay! Thưa họa sĩ, vợ ông nói gì về việc chồng mình thường xuyên vẽ chân dung phụ nữ, và về những bài thơ tình như Lời hẹn hoa ban?

 

- Vợ tôi có đặc điểm này: Rất hiểu biết. Cô ấy người Hà Nam. Chúng tôi gặp nhau tại Hà Nam, yêu rồi lấy nhau. Cô ấy nể tài tôi, tôi thì thấy cô ấy hiểu biết, nói chuyện rất hợp. Vợ tôi là một nhà thơ, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng. Cô ấy hiểu công việc của tôi.

 

Thu vàng Đà Lạt - tranh sơn dầu của họa sĩ Vi Quốc Hiệp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Dồi dào năng lượng sáng tạo

 

* Không chỉ được yêu mến qua các bức ký họa chân dung phụ nữ, họa sĩ Vi Quốc Hiệp còn được biết đến qua những bức tranh vẽ biệt thự cổ ở Đà Lạt. Có gì liên quan giữa phụ nữ với biệt thự cổ, thưa ông?

 

- Năm 1978, tôi được Bộ Văn hóa - Thông tin điều vào Lâm Đồng. Khi đó tôi đang trong mạch sáng tác về đồng bào các dân tộc thiểu số. Dạo chơi quanh Đà Lạt, tôi thấy những ngôi biệt thự cổ sao mà đẹp thế! Những ngôi nhà xinh xắn, trang nhã, chung quanh là cây cối. Có những ngôi biệt thự ở trên ngọn đồi, đẹp ơi là đẹp! Thế là tôi mang giá đi vẽ. Có người bảo: “Đấy là ngôi nhà của Pháp. Ông vẽ, thế ông ca ngợi Tây à?”. Tôi bảo không, đây là kiến trúc, là nghệ thuật. Đến năm 1990, tôi tổ chức một cuộc triển lãm, trong đó có trưng bày mười mấy bức tranh vẽ biệt thự cổ ở Đà Lạt. Người ta xem, rất thích. Khi khách du lịch quốc tế đến Đà Lạt, họ mua tranh. Tôi nghĩ: “À, thế này là có đường rồi”. Tôi tiếp tục vẽ. Đến năm 1995, chị Bích Thủy ở Hà Nội vào, làm phim về Đà Lạt. Chị ấy muốn tìm một nhân vật gắn bó với Đà Lạt, và người ta giới thiệu tôi, bảo ông này vừa vẽ vừa làm thơ, sáng tác nhạc. Khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng phóng sự Những biệt thự cổ Đà Lạt qua mắt họa sĩ, rất nhiều người xem và biết đến tôi. Lúc đó tôi còn mơ màng lắm, mới có năm bảy chục bức tranh. Người ta nói tôi là một trong những nhân vật kỳ lạ ở Đà Lạt.

 

* Nhìn lại chặng đường sáng tạo, ông thấy hội họa mang đến cho mình điều gì?

 

- Tôi đã có 23 triển lãm tranh, trong đó 15 triển lãm tại Lâm Đồng, còn lại là triển lãm tại một số tỉnh thành khác và 2 triển lãm tại Hàn Quốc, Thái Lan. Riêng tranh chân dung phái đẹp, tôi có 6 triển lãm tại Hà Nội, Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh. Tôi hạnh phúc khi tác phẩm của mình được những người yêu hội họa đón nhận, trong đó có du khách quốc tế. Tôi mong muốn góp phần lan tỏa văn hóa Việt.

 

* Xin cảm ơn họa sĩ!

 

Không chỉ được biết đến với vai trò họa sĩ, Vi Quốc Hiệp còn làm thơ, sáng tác ca khúc. Ông đã xuất bản 9 tập thơ, có thể kể đến: Lời hẹn hoa ban (NXB Thanh Niên), Ước vọng mùa thu (NXB Văn hóa dân tộc), Thu gọi (NXB Hội Nhà văn), Nổi sóng (2 tập, NXB Hội Nhà văn), Vệt nắng cuối chiều (NXB Hội Nhà văn)...

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek