Ở Phú Yên, dân tộc Ba Na có hơn 4.800 người, sống rải rác ở 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Người Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở các địa phương miền núi Phú Yên, họ đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử và kiến lập nên nền văn hóa phong phú giàu bản sắc.
Cuối thế kỷ XIX ở làng Chăm Diêng, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) đã có người Ba Na sinh sống. Tuy nhiên, người làng Chăm Diêng chịu không nổi sự đàn áp của thực dân Pháp, nên họ phải sơ tán đi các nơi, tìm chỗ đất an lành để mưu sinh. Người Ba Na làng Chăm Diêng tỏa ra hình thành làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh và làng Đồng, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Một số khác chạy lên Hòn Ông, xã Sơn Phước; Suối Đá, Đá Bàn, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa). Thậm chí, họ vào tận chân núi Mẹ Bồng Con, Suối Biểu, Hòn Nhọn (huyện Sông Hinh) cư trú.
Sống theo buôn làng
Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nơi cư trú của người Ba Na là ở vùng đồi núi, có thảm động thực vật phong phú, đa dạng, độ che phủ của núi rừng còn nhiều, có nguồn nước quanh năm không cạn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc... Và đây là nét chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên.
Ngôi nhà truyền thống của người Ba Na là nhà sàn với hai kiểu khác nhau: ngôi nhà sàn nhỏ và ngôi nhà sàn lớn. Trước đây kiểu nhà sàn lớn thích hợp cho một gia đình chung sống nhiều thế hệ, có tính chất phổ biến ở người Ba Na. Hiện nay, ngôi nhà sàn dài của người Ba Na đã mai một đi rất nhiều.
Theo ông Lê Mo Tư ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), trong các ngôi nhà truyền thống của người Ba Na, nhà rông thể hiện rõ đặc tính tộc người nhất, mang đặc trưng riêng cũng như vẻ đẹp độc đáo, chan hòa cùng với núi rừng, cây cỏ, lẫn con người. Trước đây, nhà rông của người Ba Ba được xây dựng khá to và sang trọng, đứng nổi bật giữa làng với hai mái vòm và cao vút. Mỗi làng có một ngôi nhà rông riêng, xây cất theo quy mô lớn nhỏ khác nhau, với những cách bài trí hoa văn trong nhà khác nhau. Mộc mạc, đơn sơ nhưng tinh tế và sinh động như cuộc sống của người Ba Na. Nhà rông còn là nơi làm việc, hội họp, nơi bàn việc chung, nơi thanh niên chưa vợ và trai góa vợ đến ngủ đêm. Nhà rông cũng là nơi tiếp khách các buôn làng xa… “Đó còn là nơi tổ chức các lễ hội cộng đồng, ở nơi đó đêm đêm bên ánh lửa bập bùng với giọng kể trầm lắng, các già làng kể cho con cháu nghe về nguồn gốc, về sinh hoạt, về những con người anh hùng tham gia nghĩa binh chống giặc ngoại xâm, diệt trừ hổ, báo… Chính vì lẽ đó mà mỗi người dân Ba Na đều tự hào, kiêu hãnh về ngôi nhà rông của buôn làng mình, của dân tộc mình”, ông Lê Mo Tư nói.
Bà Sô Thị Lửa ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) cho hay: Đơn vị xã hội cơ bản của người Ba Na là làng (Plei). Điều hành bộ máy tự quản của cộng đồng bao gồm: chủ làng và những người giúp việc cho chủ làng. Bộ máy tự quản của người làng Ba Na tồn tại và phát huy được năng lực là nhờ biết dựa vào các luật tục vốn có từ ngày xưa, do ông bà truyền lại. Như thế, luật tục của người Ba Na là sợi dây ràng buộc, liên kết, hướng dẫn con người đi vào những khuôn phép nhất định của cộng đồng, mà trong đó quan hệ cộng đồng là đặc điểm nổi bật nhất trong xã hội người Ba Na, được thể hiện trong sản xuất như vần đổi công, cho mượn giống lúa, bắp, hợp sức làm nương rẫy…
Thiếu nữ Ba Na bên ngôi nhà rông xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ảnh: LÊ KHA |
Thờ thần linh
Theo ông Ra Lan Tiền, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Gia Trụ, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), người Ba Na quan niệm vạn vật hữu linh, vì vậy trong tâm linh của họ có nhiều vị thần (Giàng) khác nhau: thần núi, thần sông, thần đất, thần cây, thần nước… Trong hệ thống thần linh đó có thần ác, đó là những thần thường mang lại rủi ro, ốm đau, bệnh tật, mất mùa…; có thần thiện giúp cho họ mạnh đôi vai, khỏe đôi chân, bếp chủ, bếp khách nơi mình cư trú luôn đỏ lửa, dân làng có cuộc sống đủ đầy.
Người Ba Na tin rằng, người chết tuy mất đi về thể xác, nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại, ở trong nhà mồ. Đối với người Ba Na, lễ bỏ mả được coi như lần cuối cùng tiễn biệt người đi xa mãi mãi, vì thế họ tổ chức khá chu đáo. Gia đình nào khá giả thì mổ bò, heo, năm bảy ché rượu, còn gia đình chật vật ít lắm cũng con gà, ché rượu. Lễ bỏ mả họ thức thâu đêm nhảy múa theo nhịp cồng chiêng, họ bảo thể hiện như vậy là để cho người chết được vui về cõi vĩnh hằng.
“Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, người Ba Na Phú Yên đã từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiếp cận phương thức thâm canh trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Tuy có sự giao thoa văn hóa đa dạng, nhưng người Ba Na ở Phú Yên vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Tại nơi cư trú, người Ba Na tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như cùng chung tay bảo vệ buôn làng được yên bình, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, ông Ra Lan Tiền cho biết.
Tuy có sự giao thoa văn hóa đa dạng, nhưng người Ba Na ở Phú Yên vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Tại nơi cư trú, người Ba Na tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như cùng chung tay bảo vệ buôn làng được yên bình, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Ông Ra Lan Tiền, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Gia Trụ, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) |
TRẦN LÊ KHA