Rằm tháng Giêng năm nay, cả nước lại tổ chức ngày Thơ Việt Nam, sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Ngày Thơ Việt Nam trở lại, không chỉ chứng minh chúng ta đã cùng nhau bước qua giai đoạn căng thẳng ứng phó virus Corona, mà còn tiếp tục khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam thời hội nhập.
Lấy cảm hứng bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Thơ Việt Nam bắt đầu từ mùa xuân 2003, với tiêu chí một sự kiện văn hóa định kỳ thường niên trên quy mô toàn quốc. Qua 2 thập niên, ngày Thơ Việt Nam đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống tinh thần của giới cầm bút và người dân.
Ngày Thơ Việt Nam năm nay tái ngộ với nhiều sự chờ đợi từ công chúng. Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chi 1 tỉ đồng và mời đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng ngày Thơ Việt Nam ở khu vực trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngày Thơ Việt Nam năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng, với chủ đề “Khát vọng phương Nam”. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh thành đều lấy chủ đề “Nhịp điệu mới” theo gợi ý của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tính từ ngày Thơ Việt Nam đầu tiên vào dịp Nguyên tiêu 2003 đến nay, thì câu chuyện đáng băn khoăn nhất của những người yêu thơ vẫn là địa điểm tổ chức. 3 nơi lý tưởng để làm địa điểm tổ chức ngày Thơ Việt Nam là Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, núi Bài Thơ ở Quảng Ninh và núi Nhạn ở Phú Yên. Vì khó khăn về địa điểm, nhiều địa phương tổ chức ngày Thơ Việt Nam trong những khuôn viên khá chật chội và đơn điệu.
Không thể phủ nhận, ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca, để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được tao ngộ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và không khí nghĩa tình. Từ lễ hội thi ca, những trái tim tha thiết yêu đời và yêu người tìm thấy tri âm và tìm thấy chính mình. Từ lễ hội thi ca, những câu thơ rạo rực bay ra khỏi trang sách chật chội, để tâm tư của mỗi nhà thơ đến trực tiếp với công chúng rộng rãi, mở rộng hơn biên độ giàu có của ngôn ngữ Việt Nam và làm sâu sắc hơn thông điệp về sức sống cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Từ lễ hội thi ca, những câu thơ chân thành không chỉ thiết lập sự đồng cảm giữa những số phận riêng tư, mà còn vun đắp ý thức đồng bào cùng chung nòi giống Tiên Rồng.
Ngày Thơ Việt Nam là một ngày hội cho công chúng, chứ không phải một ngày dành riêng cho những người làm thơ. Đọc thơ, ngâm thơ, vịnh thơ… chỉ nên là một phần quan trọng, chứ không thể là phần duy nhất trong ngày Thơ Việt Nam. Triển lãm thơ, trưng bày thơ, sắp đặt thơ, video-art thơ… dễ tạo hưng phấn hơn cho những người đến với ngày Thơ Việt Nam. Nếu muốn bàn chuyện thơ hay hoặc thơ dở, thơ xuất sắc hoặc thơ nhan sắc… thì chuyển qua hội thảo, tọa đàm những nhà chuyên môn.
Ngày Thơ Việt Nam phải mang tầm vóc một lễ hội văn hóa. Nghĩa là ngày Thơ Việt Nam không nhằm để các nhà thơ khoe tài, mà là dịp gắn kết công chúng với thi ca. Một khi đã là lễ hội văn hóa thì phải có tổng đạo diễn, phải có một người vừa yêu thơ vừa am tường về sân khấu. Vị tổng đạo diễn đưa ra ý tưởng xuyên suốt, từ chất liệu của các nhà thơ mà cung ứng và điều phối hoạt động cho cả không gian ngày Thơ Việt Nam một cách khoa học và nghệ thuật. Tính độc đáo của từng ngày Thơ Việt Nam sẽ thu hút công chúng và trực tiếp tôn vinh thi ca.
Sau 3 năm trở lại, ngày Thơ Việt Nam đã mang màu sắc mới mẻ hơn và phấn khởi hơn. Một thực tế không thể phủ nhận là ngày Thơ Việt Nam đã mang lại hương vị trong lành và quyến rũ rất khó quên vào dịp đầu xuân cho đời sống tinh thần người Việt Nam.
Tối rằm tháng Giêng, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 khai mạc tại Hoàng Thành Thăng Long. Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Quản lý khu di tích Hoàng Thành Thăng Long chào đón tất cả những người yêu thơ đến với thơ. Diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 15 tháng Giêng, ngày Thơ Việt Nam năm nay có các hoạt động chính: Khai trương Đường thơ, Đường sách, tọa đàm chủ đề “Thơ hiện nay với hôm nay” và nhiều hoạt động phong phú khác. Dịp này, những người yêu thơ còn được thăm “Nhà ký ức” do Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện với những hiện vật và hình ảnh sống động về các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng. |
TUY HÒA