Thứ Hai, 25/11/2024 22:36 CH
Đặc sắc lễ hội đầu xuân
Chủ Nhật, 05/02/2023 11:00 SA

Thi đấu môn đẩy gậy tại lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu xuân.

 

Sau 2 năm chờ đợi vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, người dân đã có dịp được trẩy hội đầu xuân.

 

Miền văn hóa độc đáo

 

Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa, Phú Yên đang lưu giữ và duy trì hoạt động của hơn 40 lễ hội các dân tộc với các loại hình như: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo. Trong đó có hơn 10 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm; một số lễ hội thiên về phần lễ, như các lễ hội gắn với tôn giáo, tín ngưỡng; một số lễ hội thiên về phần hội, như các lễ hội gắn với hoạt động thể thao đặc trưng vùng miền (Đua thuyền Đầm Ô Loan, Sông nước Đà Nông, Đua ngựa Gò Thì Thùng...). Trong đó, lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương là một số ít lễ hội tiêu biểu được tổ chức đầy đủ các phần lễ và phần hội.

 

Hàng năm, lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh diễn ra vào tháng 2 âm lịch. Từ năm 2017, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thời gian từ 4-5 ngày, với rất nhiều hoạt động diễn ra, thu hút khoảng 10.000 lượt du khách về tham gia và số lượng năm sau cao hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ rằng lễ hội này đã có sức lan tỏa, tạo ấn tượng tốt trong lòng người dân và du khách.

 

Tại huyện Tuy An, lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương được tổ chức từ ngày 27-28 tháng Giêng hàng năm tại di tích Đền thờ Lê Thành Phương ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Từ chiều ngày hôm trước đã diễn ra nghi thức cúng giỗ với lễ rước sắc, rước linh vị từ mộ và đền thờ Lê Thành Phương với sự tham gia của họ tộc Lê, ban tổ chức cùng đại diện các sở, ngành và địa phương... Tất cả nghi lễ ấy tạo nên nét trang nghiêm, thành kính. Sau phần lễ, những trò chơi dân gian như bài chòi, cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy dây, nhảy thụng... diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, Trường đại học Phú Yên cho biết: Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ, tôn vinh công trạng của các nhân vật lịch sử; là sự ghi nhận của các thế hệ đối với những người đã có công mở mang bờ cõi, bảo vệ giang sơn của quê hương mình. Lễ hội ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên và cả nước. Lễ hội mang tính cộng đồng cũng như biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, ở đó mọi người thể hiện mối quan hệ giao tiếp, sự tự hào đối với quê hương, ứng xử tốt đẹp giữa các cá nhân với nhau. Đây chính là bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước.

 

Trò chơi dân gian tại lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Thực hiện nếp sống văn minh

 

Sau 2 năm tạm hoãn nhiều hoạt động lễ hội do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, nhiều người bày tỏ sự phấn khởi khi được tham gia các hoạt động vui xuân, đón tết. Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cùng chồng và các con tham gia hội Đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan bày tỏ: “Lỡ hẹn với lễ hội 2 năm nay nên xuân này, tôi quyết định cùng các thành viên trong gia đình đến xem và cổ vũ cho các vận động viên từ rất sớm. Gia đình tôi vừa du xuân, vừa được gặp gỡ bạn bè và thưởng ngoạn nét đẹp văn hóa độc đáo của lễ hội trong những ngày đầu năm mới”.

 

Theo Sở VH-TT-DL, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, ngành Văn hóa đã chỉ đạo các địa phương có tổ chức lễ hội trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của Đảng và Nhà nước về lễ hội, về giá trị lịch sử của di tích, lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Việc tổ chức các lễ hội mừng xuân và các ngày kỷ niệm phải thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc… diễn ra trong lễ hội.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: “Hơn hết, việc tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, di tích phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách khoa học, thận trọng trước khi tuyên truyền để bảo tồn nét đặc trưng của lễ hội, tránh sao chép, bắt chước các lễ hội khác mà địa phương không có. Đồng thời tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội để nâng cao nhận thức của người dân và du khách khi tham gia lễ hội; vận động người dân và du khách tham gia lễ hội, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích...”.

 

Dù dưới tác động của kinh tế thị trường, việc gìn giữ nét truyền thống ở các lễ hội xưa bị mai một, song ý thức của cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong tổ chức và tham gia lễ hội. Người Phú Yên luôn tôn vinh những nhân vật lịch sử, những người có công lớn đối với đất nước, quê hương và họ muốn bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống qua lễ hội để giáo dục, truyền lại cho con cháu mai sau.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, Trường đại học Phú Yên

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek