Thứ Ba, 26/11/2024 07:24 SA
Độc đáo lễ K’toang của đồng bào Chăm
Thứ Bảy, 21/01/2023 10:00 SA

Cũng như người Kinh dựng nêu đuổi ma quỷ, đồng bào Chăm ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có lễ Tống quái (tức lễ K’toang theo tiếng Chăm). Đây là một nghi lễ độc đáo mang đậm giá trị văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm chỉ còn diễn ra ở thôn Hà Rai.

 

Già La Mo Xuân Lĩnh cùng các chàng trai nhảy múa điệu Tống quái trong lễ K’toang. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Như chính tên gọi của nó, lễ Tống quái mang ý nghĩa tống khứ tà ma, dịch bệnh, xui rủi, hoạn nạn ra khỏi buôn làng để đón nhận những điều tốt lành, may mắn; đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Nghi thức cuối cùng của lễ hội Đâm trâu

 

Trong không gian ma mị, già La Mo Xuân Lĩnh - thầy cúng và các chàng trai khỏe mạnh trong buôn làng sẽ cùng nhảy điệu Tống quái. Lúc tiếng trống, chiêng dồn dập, thôi thúc rộn ràng, thầy cúng và mọi người cùng nhảy rung lên mạnh dần như nhập đồng. Sau đó, thầy cúng và người nhảy đi vòng quanh cây nêu. Khuôn mặt của họ đen nhẻm, dữ tợn. Thầy cúng lẩm bẩm bài cúng với ý nghĩa xua đuổi tà ma, không cho chúng lại gần con người. Những nhóm người đứng xem phía ngoài không ngớt trầm trồ.

 

Am tường rất nhiều lễ cúng của buôn làng nhưng già La Mo Xuân Lĩnh cũng không biết lễ K’toang bắt đầu từ khi nào, chỉ biết lễ này đã có từ lâu đời. Lễ K’toang được thực hiện sau lễ hội Đâm trâu vào tháng tư âm lịch hằng năm và là nghi thức cuối cùng của lễ hội này. “Lễ vật cúng có thể nhiều hay ít nhưng nhất định phải có một con gà trống, một ché rượu, một chén cháo, một chén gạo, một chén muối... để dâng lên các vị thần. Buôn làng có một điệu múa Tống quái dành riêng cho nghi lễ này, gồm một người múa chính và bốn người múa phụ. Khi múa, họ phải bôi tro, bôi than lên mặt cho đen để dọa những con quái, xua đuổi, tống khứ chúng ra khỏi làng”, già La Mo Xuân Lĩnh cho biết.

 

Trong nghi thức cúng lễ K’toang của người Chăm, dân làng chọn một người có uy tín mặc trang phục truyền thống của dân tộc, tượng trưng cho người của Yàng (còn gọi là Oi quai) cử xuống nghe lời khấn nguyện và nhận lễ vật của buôn làng. Thầy cúng cũng phải do dân làng chọn ra từ các già làng. Lễ vật cũng vậy, đều phải là số lẻ vì người Chăm quan niệm đồ lễ là số lẻ, thần cho một phần nữa là đủ. Trong lễ cúng, người Chăm chỉ cầu vừa đủ không bao giờ xin nhiều vì họ sợ lòng tham sẽ làm thần linh nổi giận không cho nữa.

 

Đàn cúng, cây nêu được sử dụng trong nghi lễ làm từ cây tre và gỗ, trang trí với hai màu chủ đạo là đen và đỏ. Đây là hai màu đặc trưng của đồng bào Chăm. Xung quanh cây nêu là những sợi chỉ treo những hình thù độc đáo, mô phỏng những hình tượng, dụng cụ thường xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của người Chăm. Sau khi đất nước giành độc lập, cây nêu của đồng bào Chăm có thêm lá cờ Tổ quốc thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ.

 

Đồng bào Chăm thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân trình diễn lễ K’toang tại ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI - năm 2022. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Ước vọng sự tốt đẹp

 

Theo anh Ma Biệt, lễ K’toang có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, mang bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Chăm Đồng Xuân và được đồng bào Chăm ở thôn Hà Rai gìn giữ lâu nay. Lễ được tổ chức trang nghiêm ở buôn làng thể hiện trách nhiệm, lòng thành kính, mong muốn tốt đẹp của dân làng trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Ngày nay, lễ cúng ngày càng được nhiều người biết đến hơn thông qua các ngày hội VH-TT-DL các dân tộc.

 

Anh Ma Biệt chia sẻ: “Tôi và nhiều thanh niên được học những nghi thức quan trọng của lễ K’toang từ các bậc cao niên trong buôn làng. Trong lễ hội Đâm trâu, chúng tôi sẽ trực tiếp nhảy múa điệu Tống quái. Qua mỗi lần lễ hội, tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa tốt đẹp của nghi lễ này”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: Đồng bào Chăm Phú Yên là một cộng đồng thuộc dân tộc Chăm ở nước ta. Họ sinh sống ở miền núi, gần gũi với các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên; có đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc. Bà con đồng bào Chăm tiếp thu nhiều phong tục, văn hóa độc đáo của các dân tộc xung quanh, đồng thời cũng để lại những ảnh hưởng văn hóa của mình tới các dân tộc khác.

 

Theo ông Thái, cùng với sự phát triển của xã hội, lễ K’toang hay Tống quái và nhiều lễ khác của người đồng bào Chăm ngày nay đã bị mai một. Tuy nhiên, lễ K’toang vẫn được duy trì tại thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Mặc dù có sự giản tiện trong cách tổ chức để phù hợp với cuộc sống mới nhưng ý nghĩa cuối cùng mà đồng bào Chăm mong muốn qua lễ Tống quái vẫn là ước vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, không bị tai ương, dịch bệnh, điều xấu mang đi, điều lành mang đến. Lễ Tống quái cùng với nhiều lễ hội khác trong năm góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh và làm phong phú thêm kho tàng sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân Phú Yên nói riêng, của người Việt nói chung.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek