Thứ Sáu, 18/10/2024 10:11 SA
Tết này nhiều nơi mở hội bài chòi
Thứ Ba, 10/01/2023 13:00 CH

CLB Bài chòi Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh phục vụ bà con vào mỗi độ tết đến xuân về. Ảnh: THIÊN LÝ

Hội bài chòi dân gian là món ăn tinh thần lôi cuốn nhiều người, nhất là mỗi độ xuân về tết đến. Sau 2 năm tạm ngưng vì dịch COVID-19, dịp tết cổ truyền năm nay, trò chơi dân gian đặc sắc này sẽ có mặt ở nhiều địa phương.

 

Những ngày qua, các câu lạc bộ (CLB) bài chòi trong tỉnh tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng, sẵn sàng cho hội bài chòi xuân Quý Mão năm 2023, đáp ứng nhu cầu vui chơi - giải trí của người dân và du khách thập phương.

 

Sẵn sàng khai hội

 

Ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh, cho biết công việc chuẩn bị từ làm chòi, trang trí, âm thanh, nhạc cụ, các quân bài… đến tập luyện hô hát bài chòi đều được CLB tiến hành khẩn trương. Theo kế hoạch, tại huyện Tuy An, từ mùng 1 tết CLB phối hợp với địa phương tổ chức hội bài chòi ở khu vực đầm Ô Loan (xã An Cư) và từ 19 tết đến hết tháng Giêng diễn ra ở xã An Ninh Đông. “Mỗi độ tết đến xuân về, lòng tôi cảm thấy tràn đầy phấn khởi và hào hứng. Xuân Quý Mão này, tôi và các thành viên trong CLB sẽ nỗ lực cống hiến sức mình để có thể mang đến mọi người hội bài chòi đầy ấn tượng và ý nghĩa. Đến thời điểm này, CLB đã sẵn sàng phục vụ tết”, ông Ẩn trải lòng.

 

Còn anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho hay tết này CLB sẽ biểu diễn tại thôn Hạnh Lâm (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) từ mùng 1 đến mùng 10 tết. Sau đó, CLB sẽ tổ chức hát bài chòi thẻ phục vụ bà con ở một số xã khác trên địa bàn huyện Phú Hòa.

 

Theo anh Vinh, hiện nay ở Phú Yên, chơi bài chòi chủ yếu dùng 11 thẻ cái, 33 thẻ bài con với 3 biến thể mới so với bộ bài gốc. Để chơi, diễn bài chòi, người chơi ngồi trong các chòi được dựng bằng gỗ, tre, mái lợp bằng tranh. Phía trước, các chòi được trang trí cờ hoa và câu đối, mỗi chòi được đặt tên theo can chi. Trò chơi bài chòi được mở màn bằng câu hát của anh/chị Hiệu - người hô bài chòi. Mỗi lần anh/chị Hiệu rút được con bài nào là hô câu thai mang tên con bài đó. Chòi nào giữ con bài vừa được hô tên thì gõ mõ để anh/chị Hiệu mang thẻ con bài đó đến. Đến lúc có đủ 3 thẻ là chòi đó “tới”, sẽ nhận phần thưởng và được Hiệu dâng rượu chúc mừng, kết thúc một lượt chơi.

 

“Đi diễn nhiều năm rồi nhưng bao giờ diễn tết cũng thật đặc biệt, trong lòng náo nức nhất. Nhớ những mùa diễn đầu tiên, có những đêm giao thừa thao thức không ngủ được, phần vì phấn khích, phần vì hồi hộp”, anh Vinh chia sẻ.

 

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

 

Trong tiến trình giao lưu, hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa với nhiều sự lựa chọn giải trí khác nhau, một bộ phận giới trẻ không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống nói chung, nghệ thuật bài chòi (NTBC) nói riêng. Vì vậy, để duy trì và phát triển NTBC trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ tuổi là một thách thức không hề nhỏ. Chị Trình Thị Liên, Chủ nhiệm CLB Bài chòi thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), tâm sự: “Tôi vốn đam mê bài chòi nên việc đi biểu diễn khắp các địa phương không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà còn là một cách thức truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn NTBC trong cuộc sống hiện đại”.

 

Theo đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023 do UBND tỉnh ban hành, để giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này cần phải tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp như: tổ chức kiểm kê, tư liệu hóa, truyền dạy và thực hành di sản NTBC; mở trại sáng tác bài chòi để có nhiều tác phẩm mới có nội dung tốt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản NTBC. Có chính sách khen thưởng xứng đáng cho các nghệ nhân, CLB bài chòi và các địa phương có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản NTBC. Hỗ trợ kinh phí cho các CLB, hội bài chòi, các nghệ nhân tập luyện và trao truyền NTBC. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển các CLB bài chòi ở cơ sở, nhất là các huyện miền núi; đưa nội dung di sản NTBC vào chương trình giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL nhìn nhận: “Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, ngẫu hứng và đầy trí tuệ của Nhân dân vùng Trung Bộ. Từ lâu, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán. Hội bài chòi góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến công chúng loại hình nghệ thuật là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị NTBC nói chung, NTBC Phú Yên nói riêng”. 

 

Đi diễn nhiều năm rồi nhưng bao giờ diễn tết cũng thật đặc biệt, khiến trong lòng náo nức nhất. Nhớ những mùa diễn đầu tiên, có những đêm giao thừa thao thức không ngủ được, phần vì phấn khích, phần vì hồi hộp.

 

Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian xã An Phú,

TP Tuy Hòa Nguyễn Duy Vinh

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek